Kinh tế

Tăng lương cho cán bộ, công chức: Lấy tiền ở đâu?

Nguồn lực tăng lương là phải tăng thu ngân sách trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, đồng thời thực hiện tốt việc tinh giản biên chế.

Cải cách tiền lương không phải là nhiệm vụ dễ dàng!

Nghị quyết số 27-NQ/TW đánh giá nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Tuy nhiên, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu: Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Mới đây, trao đổi với phóng viên về vấn đề tiền lương, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chỉ ra mâu thuẫn trong việc trả lương cho người lao động ở 2 khu vực công - tư hiện nay.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi: “Không thể để tình trạng bất hợp lý như hiện nay. Tiền lương của khu vực công đang trả với mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng/tháng. Trong khi đó, khu vực tư (có quan hệ lao động) đang được tính với lương tối thiểu vùng từ 2.700.000 - 3.700.000 đồng/tháng”.

Vị Phó Chủ tịch Uỷ ban các vấn đề xã hội cho rằng, bất cập này là một trong các nguyên nhân làm giảm động lực làm việc và thu hút nhân lực về lâu dài trong khu vực công. Trong khi đó, khu vực công có vai trò xây dựng và hình thành các chính sách cho cả hệ thống.

Theo lý giải của ông Lợi thì “mức thấp nhất của tiền lương khu vực công phải bằng tiền lương tối thiểu của vùng 1, sau đó từng bước vươn tới bằng bình quân của 4 vùng lương. Đặc biệt, tới năm 2030, mức thấp nhất nêu trên phải cao hơn bình quân chung của 4 vùng lương của khu vực tư”.

Đây chính là việc thực hiện mục tiêu thu hút người tài vào khu vực Nhà nước, hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám.

Vấn đề khó nhất hiện nay là nguồn lực cho cải cách tiền lương, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Hội nghị Trung ương 7 (Khoá XII) đã đưa ra 7 giải pháp nhằm tạo nguồn lực. Trong đó, giải pháp đầu tiên và căn cơ nhất là tăng thu ngân sách trên cơ sở tăng trưởng kinh tế. Muốn vậy, Trung ương phải trích tối thiểu 4% để cải cách tiền lương và địa phương trích 7%.

“Muốn có nguồn lực bền vững cho cải cách tiền lương, chúng ta cần thực hiện tốt việc đổi mới cải cách sự nghiệp công lập và cải cách bộ máy hành chính, tinh giảm biên chế…Tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập cần chuyển sang việc thực hiện khoán kết quả đầu ra” – ông Bùi Sỹ Lợi nói./.

Tác giả: Vũ Hạnh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP