Kinh tế

Các siêu dự án đường sắt chuẩn bị điều kiện để 'chạy đà'

Tại cuộc họp gần nhất của Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương đồng loạt giải phóng mặt bằng (GPMB) hai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng vào ngày 19/8.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết công tác GPMB đã được tách khởi dự án đầu tư và giao cho các tỉnh, thành phố thực hiện. Điều này có nghĩa, từ các bộ, ngành, tới địa phương sẽ phải mở “cuộc đua” tiến độ, để khẩn trương bàn giao hướng tuyến thực hiện các bước tiếp theo.

Đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng thu hồi 2.754 ha đất với 8.088 hộ dân bị ảnh hưởng

Theo chủ trương đầu tư dự án được duyệt, dự án đi qua 9 tỉnh, thành phố. Sau khi sáp nhập từ 1/7/2025, dự án đi qua 6 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo GPMB, đang rất tích cực triển khai. Thống kê diện tích thu hồi đất và số hộ ảnh hưởng: 6/6 địa phương đã thống kê, tổng diện tích thu hồi: 2.754,74ha, tổng số hộ ảnh hưởng 8.088 hộ.

Trước ngày 15/7, các địa phương nơi có dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua, cần khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng. Ảnh minh họa

Đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính: 4/6 địa phương (Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Phòng) đã thực hiện đạt 100%. Rà soát hạ tầng kỹ thuật cho thấy 1/6 địa phương, cụ thể là Hải Phòng đã thống kê các công trình hoàn trả mặt bằng, giao cắt, đang tổ chức lập dự án đầu tư di dời. Rà soát hạ tầng xã hội 2/6 địa phương, gồm Lào Cai, Phú Thọ đã thống kê các công trình: Khu công nghiệp, đường ống nước, trường học, đang tổ chức lập dự án đầu tư di dời.

Về công tác triển khai các khu tái đinh cư (TĐC), Bộ Xây dựng cho biết, cho đến thời điểm này, 6/6 địa phương đã xác định vị trí TĐC khoảng 117 khu với diện tích khoảng 169,34ha. 3/6 địa phương (Lào Cai, Phú Thọ, Hải Phòng) đang triển khai công tác đầu tư xây dựng. Các khu TĐC dự kiến khởi công trong tháng 12/2025: Đến ngày 8/7/2025 các địa phương thông báo kế hoạch triển khai 84/117 khu TĐC từ tháng 7/2025 đến tháng 12/2025 (trong đó: Lào Cai khởi công 31 khu TĐC; Phú Thọ khởi công 44 khu TĐC; Hải Phòng khởi công 9 khu TĐC). Còn các địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) chưa có báo cáo rà soát. Về lựa chọn vị trí khu TĐC để khởi công ngày 19/12/2025, đến nay các địa phương chưa xác định cụ thể gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cần khoảng 300 bộ tiêu chuẩn cho đường sắt điện khí hóa, đường sắt tốc độ cao

Liên quan đến các dự án đường sắt điện khí hóa và dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Ban QLDA Đường sắt (Bộ Xây dựng) đã có báo cáo trình Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng tham mưu để Bộ có định hướng, báo cáo Chính phủ để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phù hợp. Về công tác biên dịch, thu thập tài liệu các tiêu chuẩn, đối với dự án đường sắt điện khí hóa, trên cơ sở tiếp nhận của Cục Đường sắt Việt Nam, Ban QLDA Đường sắt hiện đã tiếp nhận 88 bộ tiêu chuẩn và đã hoàn thành công tác biên dịch từ ngày 30/5. Về tiêu chuẩn của đường sắt tốc độ cao, Ban cũng đã phối hợp với Trường Đại học Giao thông Vận tải và Đại học Công nghệ giao thông vận tải tổ chức biên dịch và hoàn thiện. Đại diện Ban QLDA Đường sắt cho hay: “Đối với các dự án đường sắt điện khí hóa, cần khoảng 300 bộ tiêu chuẩn, nay mới có 88 bộ. Thời gian tới, với nhiều giải pháp sẽ bảo đảm đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp để triển khai các dự án đường sắt điện khí hóa và đường sắt tốc độ cao".

Về vốn triển khai, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Xây dựng, trong đó bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng cho dự án. Ban QLDA Đường sắt có văn bản gửi các địa phương lập kế hoạch giải ngân năm 2025; thông báo tên Chủ đầu tư, chủ tài khoản, số tài khoản để phân khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thông báo cho Ban QLDA Đường sắt chậm nhất trước ngày 15/7/2025.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam: Đã được bàn giao hồ sơ tọa độ tim tuyến

Theo chủ trương đầu tư dự án được duyệt, dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố; sau khi sáp nhập từ 1/7/2025 dự án đi qua 15 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh. Cho đến nay, Chủ đầu tư đã bàn giao hồ sơ tọa độ tim tuyến, ranh giới GPMB tuyến và ga theo thiết kế sơ bộ cho các địa phương. 8/20 địa phương (trước khi sát nhập) đã thành lập Ban chỉ đạo, một số địa phương chưa hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng (hoàn thành trước 1/7/2025), do thực hiện tổ chức chính quyền 2 cấp có liên quan đến nhân sự Ban chỉ đạo. Nhiều địa phương đã rà soát nhu cầu TĐC và có số liệu sơ bộ về nhu cầu TĐC phục vụ dự án.

Liên quan đến công tác triển khai dự án, theo Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã chỉ đạo Chủ đầu tư phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan để trao đổi, giải quyết các vướng mắc và triển khai thủ tục xây dựng các khu TĐC. Đồng thời, đã gia hạn thời điểm đóng thầu. Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền quyết định về hình thức đầu tư dự án, Chủ đầu tư tiếp tục gia hạn thời điểm đóng thầu đến ngày 3/9/2025. Bộ Xây dựng cũng đã gửi Bộ Tài chính một số bộ hồ sơ đề xuất của các nhà đầu tư (4 nhà đầu tư) gửi đến Bộ Xây dựng. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước và Hội đồng Tư vấn để lựa chọn hình thức đầu tư và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị, đối với các địa phương nơi có dự án đi qua, cần khẩn trương thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo GPMB (sau khi sáp nhập tỉnh và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp) trước ngày 15/7/2025. Rà soát, lập kế hoạch xây dựng các khu TĐC, lựa chọn vị trí để khởi công theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và gửi Bộ Xây dựng tổng hợp trước ngày 15/7/2025. Đối với Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định kiện toàn Hội đồng thẩm định Nhà nước và Hội đồng Tư vấn lựa chọn hình thức đầu tư và nhà đầu tư theo quy định.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024 với tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD). Tuyến dài 1.541km, khổ đôi 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Ngoài đầu tư công, dự án được Quốc hội cho phép triển khai theo các hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) hoặc đầu tư kinh doanh.

Trước đó giữa tháng 2/2025, Quốc hội cũng thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng vốn hơn 203.000 tỷ đồng (8,37 tỷ USD). Tuyến chính dài gần 391km, khổ 1.435mm, có một số tuyến nhánh dài 27,9km, đi qua 9 tỉnh, thành phố. Tốc độ thiết kế từ 80km/h đến 160km/h tùy từng đoạn, phục vụ vận chuyển chung cả hành khách và hàng hóa. Dự án phấn đấu hoàn thành chậm nhất năm 2030.

Tác giả: Phạm Huyền

Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP