Kinh tế

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Để nộp thuế không phải là áp lực

Mức thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như hiện nay đang cho thấy nhiều điểm bất hợp lý, quá nhiều bậc, rắc rối và cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Chưa kể mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc quá thấp so với mức chi tiêu sinh hoạt hiện nay.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố lấy ý kiến về việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu đánh giá, góp ý theo từng nhóm vấn đề gồm: Đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, cơ sở tính thuế, giảm trừ gia cảnh... Đây là điều mà người dân hết sức quan tâm, bởi sau hơn 10 năm có hiệu lực, Luật Thuế TNCN đã bộc lộ những bất cập cần phải thay đổi, sửa đổi bổ sung cho hợp lý.

Mức giảm trừ gia cảnh quá lỗi thời

Hiện nay, cách tính thuế TNCN là vấn đề người dân hết sức quan tâm. Tuy mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc được nâng từ 3,6 triệu đồng/người lên 4,4 triệu đồng/người từ tháng 7/2020 nhưng vẫn bị xem là lạc hậu trong bối cảnh kinh tế liên tục tăng trưởng; giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao; người nộp thuế và người phụ thuộc phải trang trải rất nhiều chi phí cuộc sống.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân như hiện nay đang cho thấy nhiều điểm bất hợp lý. (Ảnh minh họa: KT)

Chị Phạm Hải Yến, ở Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng chị hiện nay khoảng 38 triệu đồng/tháng. Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ cho người nộp thuế gồm cả vợ, chồng tổng cộng là 22 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ người phụ thuộc cho con là 8,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, khoản giảm trừ gia cảnh không phải chịu thuế TNCN là 30,8 triệu đồng/tháng và vợ chồng chị vẫn phải nộp thuế 10% cho khoản thu nhập sau khi được giảm trừ khoảng 7,2 triệu đồng/tháng.

“Số tiền thuế TNCN mà vợ chồng tôi phải đóng khoảng 720.000 đồng/tháng, tính ra cả năm là khoảng 8,6 triệu đồng. Đây là khoản tiền không hề nhỏ bởi chi phí sinh hoạt hiện nay đều tăng, ở thành phố mọi thứ đều đắt đỏ”, chị Yến nói.

Cũng như chị Yến, chị Trần Thu Minh, nhân viên văn phòng của 1 công ty tư nhân ở Hà Nội chia sẻ, tổng thu nhập của chị năm 2021 là 216 triệu đồng. Thêm thu nhập của chồng 16 triệu đồng/tháng (192 triệu đồng/năm), tổng thu nhập của hai vợ chồng chị năm vừa qua là 408 triệu đồng. Tuy nhiên, vợ chồng chị hiện còn phải “gánh” một khoản nợ mua nhà trả góp trong 10 năm tương ứng 168 triệu đồng/năm (14 triệu đồng/tháng), chiếm hơn 40% tổng thu nhập của hai vợ chồng.

“Tiền ăn, tiền trả nợ ngân hàng, tiền điện nước, tiền học cho hai con, rồi không may ốm đau bệnh tật… nên hai vợ chồng phải dè xẻn từng đồng. Năm vừa rồi sau khi quyết toán thuế TNCN tôi vẫn phải nộp gần 4 triệu đồng tiền thuế”, chị Minh cho hay.

Chị Minh cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế và người phụ thuộc cần phải nâng lên vì giá cả hàng hóa tiêu dùng đều đã tăng cao, nhất là sau dịch COVID-19.

“Mức giảm trừ gia cảnh hiện quá thấp so với mặt bằng giá hiện nay, nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc. Với 4,4 triệu đồng/tháng thì không thể đủ tiền học phí, ăn uống, chi tiêu cho một đứa trẻ”, chị Minh than thở.

Sửa thế nào để nộp thuế không phải là áp lực?

Theo quy định của Luật thuế TNCN, "Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo". Tuy nhiên, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, hiện thống kê về chỉ số giá tiêu dùng chưa phản ánh hết được sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày mà người dân phải chi trả. Chưa kể theo quy định phải khi CPI tăng 20% thì mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh nên thời gian qua việc điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động chưa được kịp thời.

PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả

“Thời gian áp dụng vừa qua cho thấy quy định này gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Lạm phát của Việt Nam thường chỉ có tăng và trong 5 - 7 năm gần đây mức tăng khoảng 3 - 4%/năm. Nếu để cộng dồn CPI tăng 20% thì phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Trong khi đó, mức tăng CPI hàng năm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế rồi”, PGS. TS. Ngô Trí Long chỉ rõ.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh là mức cố định chung cho tất cả người nộp thuế ở các vùng miền khác nhau - nơi có chi phí trang trải cuộc sống có sự chênh lệch đáng kể.

Theo ông Long, trong khi doanh nghiệp ngày càng được ưu đãi về thuế và được giảm từ 25% vào năm 2010 xuống còn 20% năm 2020, thuế TNCN vẫn giữ nguyên. Điều này tạo áp lực đáng kể lên người chịu thuế TNCN.

“Mức thuế TNCN như hiện nay không hợp lý, quá nhiều bậc, rắc rối và cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Có thể nghiên cứu giảm bậc thuế thu nhập cá nhân xuống còn 3 - 5 bậc và hạ thuế suất của các bậc xuống. Bởi quy định biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến như hiện nay với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày cộng với thuế suất cao khiến gánh nặng, áp lực lớn đối với người nộp thuế”, ông Long đề xuất.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính-thuế cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc quá thấp so với mức chi tiêu sinh hoạt hiện nay khi giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ đều tăng cao. Hơn nữa, người phụ thuộc không chỉ có chi phí ăn uống, sinh hoạt hằng ngày mà còn phải lo tiền học tập đối với con cái, rồi chi phí thuốc men, điều trị bệnh đối với người già.

“Nên nới mức không phải đóng thuế cao hơn hiện nay vì đời sống người dân cao hơn thì phải đảm bảo cho họ đủ chi tiêu. Mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nâng từ 11 lên 15 - 20 triệu đồng”.

Bên cạnh đó, Luật Thuế TNCN hiện hành cũng chưa cho phép người lao động được khấu trừ các loại chi phí như y tế, chăm sóc sức khỏe… mà bảo hiểm y tế không chi trả. Do vậy, nhiều chuyên gia đề xuất Luật Thuế TNCN sửa đổi cần bổ sung quy định các khoản chi phí có hóa đơn, chứng từ như: chi phí tiền học cho con, tiền lãi vay mua ngôi nhà đầu tiên, tiền chữa bệnh hiểm nghèo mà bảo hiểm không chi trả, tiền điện, tiền nước… phải được khấu trừ khi tính thuế TNCN.

Hơn hai năm qua, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 khiến thu nhập của nhiều người làm công ăn lương sụt giảm mạnh, thậm chí thất nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, số thuế TNCN vẫn tăng mạnh. Số thu từ thuế TNCN năm 2021 đạt khoảng 123.000 tỷ đồng, đạt 114% dự toán và tăng 6,6% so với cùng kỳ.

Nhiều ý kiến cho rằng, số thu từ thuế TNCN tăng trong bối cảnh người dân đang gặp nhiều khó khăn là rất nghịch lý. Do đó, Nhà nước cần xem xét giảm thuế TNCN cho người lao động để giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo động lực cho phục hồi sản xuất, kinh doanh./.

Tác giả: Diệp Diệp

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP