Không có vùng cấm
Ngày 23/7, tổ công tác của Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra điểm thi bất thường ở Sơn La.
Trong đó, xác minh ban đầu cho thấy có đến 4 cán bộ liên quan đến các sai phạm Quy chế thi THPTQG trong việc sửa điểm thi, trong đó, có Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La và một số cán bộ khác.
Trước đó, ngày 17/7, tại TP Hà Giang, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Giang cũng chính thức họp báo thông tin về vụ việc điểm thi bất thường ở Hà Giang.
Với các bài thi trắc nghiệm, qua xác minh cho thấy có dấu hiệu nâng kết quả điểm thi của hơn 100 thí sinh, do cán bộ Sở GD-ĐT can thiệp.
Trước câu chuyện trên, chia sẻ với Đất Việt, ngày 23/7, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: "Trước đây, chúng ta đã thấy một số trường hợp gian lận trong thi cử, nhưng chỉ là vi phạm quy mô nhỏ. Còn đây, lần đầu tiên có vi phạm liên quan đến người được giao chức trách quan trọng ở Hội đồng thi cấp tỉnh.
Như Hà Giang, sai phạm cũng ở quy mô rất lớn vì liên quan đến 330 bài thi của 114 thí sinh.
Cho nên, tôi không tin ở Hà Giang một mình ông Phó phòng khảo thí Vũ Trọng Lương có thể làm được việc này mà có khả năng được nhiều người hỗ trợ, thậm chí không loại trừ khả năng vi phạm có tổ chức, có người chỉ đạo đằng sau".
Chính vì thế, theo ông Thuyết, không nên có vùng cấm về xử lý, bất kể ai ở cấp nào vi phạm, tác động dẫn tới vi phạm đều phải được làm rõ.
Công bố danh sách 5 người có sai phạm quy chế thi tại Sơn La |
Không phải ngẫu nhiên những người chịu trách nhiệm lại làm sai quy chế, nhất định là nhiều người ở trong Hội đồng thi.
"Ở đây, chịu trách nhiệm triển khai là UBND tỉnh, đây là đơn vị chịu trách nhiệm tuyển dụng, đề bạt, trả lương cán bộ tại Sở GD-ĐT, trực tiếp tổ chức thi nên phải hỏi trách nhiệm của lãnh đạo UBND tỉnh, chứ không riêng các cá nhân sai phạm", ông Thuyết nói rõ.
Bên cạnh đó, theo vị GS trên, điểm quan trọng nhất là phải tìm ra động cơ vì sao các cán bộ trên lại sai phạm, nhất là khi thí sinh được nâng điểm có trường hợp con ông cháu cha, lãnh đạo tỉnh, nên cần làm rõ ai tác động đến họ, thậm chí chỉ đạo họ.
"Tôi mong rằng, Bộ Công an sẽ chỉ đạo cơ quan điều tra làm rõ các hành vi, đối tượng vi phạm trên tinh thần “không có vùng cấm”. Cần phải xử lý đến nơi đến chốn. Bất kể ai ở cấp nào vi phạm cũng cần phải được làm rõ và xử lý", ông Thuyết nhấn mạnh.
Khoanh vùng những người có quyền - có tiền
Cũng đưa ra quan điểm của mình về vấn đề, ĐBQH Dương Trung Quốc - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, ban đầu tưởng như chỉ là một sai phạm riêng lẻ của một địa phương, nhưng sau thanh tra lại có thêm nhiều địa phương khác sai phạm, khiến cho dư luận lo lắng, rằng hiện tượng trên xuất hiện từ bao giờ, có phải đã có từ lâu mà hôm nay mới phát hiện ra hay không.
Ở đây còn liên quan đến hiện tượng con ông cháu cha, đến quy trình, đến bằng cấp. Rõ ràng tác hại ở đây không chỉ là cướp đi sự công bằng cho các thí sinh có năng lực khác, còn tạo ra một thế hệ yếu kém, phát huy theo chiều hướng tiêu cực, gian dối.
Đây là điều đáng lo ngại nhất, vì đó là sự tha hóa trong một kỳ thi cấp quốc gia.
Cần xử lý nghiêm không có vùng cấm. Ảnh minh họa |
"Tôi hoan nghênh Bộ GD-ĐT vào cuộc nhanh chóng, nhưng đã vào cuộc rồi có khắc phục được không, khắc phục là không để xảy ra vi phạm nữa, rà soát lại tạo ra công bằng, xử lý dứt điểm được hay không.
Đây là hệ lụy của thực trạng coi trọng bằng cấp, không coi trọng thực tài.
Chỉ cần so sánh hai hệ thống, hệ thống tuyển dụng của các cơ quan nhà nước và các tổ chức tư nhân, tại sao tư nhân họ chỉ đặt bằng cấp ở mức độ vừa phải, còn quan tâm nhiều đến năng lực. Còn cơ quan nhà nước quá coi trọng bằng cấp, nên ai cũng phải Tiến sĩ, Phó giáo sư.
Trong khi, thế giới đang thay đổi chóng mặt, hệ thống giáo dục hiện đại, như Thủ tướng nước Áo không cần học Đại học, chỉ là người thành đạt trong sáng tạo", ông Quốc phân tích thêm.
Và với các sai phạm hiện nay, theo vị ĐBQH trên, cần xử lý từng vụ việc, trách nhiệm từng cá nhân là cần thiết, ít nhất là hạn chế hiện tượng tái diễn.
Nhưng cần làm rõ, hiện tượng sai phạm trên có phải bây giờ mới có, hay có từ lâu rồi mà chúng ta chưa phát hiện ra, có phải một cá nhân sai phạm hay còn liên quan đến nhiều thế lực khác chỉ đạo đằng sau?.
Ở đây chắc chắn chỉ có hai đối tượng liên quan là quyền và lực, tức là người có quyền và người có tiền, chỉ có người như vậy mới sai khiến các cá nhân khác gian dối, sai phạm, vi phạm quy chế, không một cá nhân nào dại dột vướng tay vào những việc sai trái.
Thực tế, chỉ cần làm tốt công tác điều tra, không che giấu, công khai mọi thông tin thì sẽ xử lý được, sẽ dọn sạch những sự việc tiêu cực.
"Hiện đang có nhiều ý kiến về việc có nên giao cho các địa phương tổ chức các kỳ thi hay không, Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương về giáo dục, lại là cơ quan đứng ra tổ chức kỳ thi, cần đánh giá, xem xét lại, để xóa bỏ các kẽ hở.
Hơn nữa, việc xử lý cần thực hiện theo Luật quy định, nhưng liên quan đến Luật pháp thì thực tế hiện nay nhiều lần chúng ta nhắc đến điệp khúc chế tài không đủ mạnh, mà chế tài do xã hội, Quốc hội lập ra, các cơ quan dân cử tham gia, tại sao cứ ràng buộc làm theo đúng thể chế quy định, mà không làm theo mức độ xã hội cần đến.
Rõ ràng việc liên quan thi cử không chỉ là vấn đề thi cử mà liên quan cả nguồn nhân lực, cả lòng tin của dân.
Cho nên, bây giờ không chỉ điều chỉnh theo Luật mà còn cần theo yêu cầu của xã hội, để điều chỉnh hành vi đó, tại sao lại không dám làm mạnh, rồi để dư luận lên án những chế tài xử lý của chúng ta", ông Quốc nhấn mạnh.
Tác giả: Châu An
Nguồn tin: Đất Việt