Giáo dục

Chạy theo đổi mới thi cử, bỏ rơi chất lượng?

Trong những năm gần đây, ngành giáo dục vẫn loay hoay đổi mới thi cử và coi đây là khâu đột phá. Tuy nhiên, thi cử hiện nay bộc lộ quá nhiều bất cập.

Biến học sinh thành...“máy nhớ”

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng ví đổi mới giáo dục như “trận đánh lớn”, mà đổi mới thi cử là khâu đột phá. Sau 5 năm kể từ khi nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT được ban hành, cuộc đổi mới này thế nào? Cải tổ kỳ thi năm 2015, tư lệnh ngành giáo dục tuyên bố chắc nịch: “Dù thi cử không là mục tiêu cuối cùng của đổi mới giáo dục, nhưng là việc phải làm ngay để tác động trở lại việc dạy và học trong nhà trường”.

(Ảnh: minh họa)

Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện thi “2 trong 1” bộc lộ nhiều bất cập như lộ đề, đáp án không đúng, đề thi lúc khó, lúc dễ... Cụ thể, từ năm 2017, năm đầu tiên áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan nhưng do đề thi dễ, không phân loại được đã tạo ra “cơn mưa” điểm 10 và bi kịch là 30 điểm vẫn trượt đại học.

GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Quan trọng là đổi mới tư duy

Muốn cải cách phải thay đổi tư duy tổng quát từ những vấn đề về triết lý giáo dục đến mô hình nhân cách. Trong mô hình nhân cách, có 3 bộ phận: tri thức, kỹ năng và thái độ. Bấy lâu nay, giáo dục của Việt Nam dành hết thời gian, tâm sức để lo về tri thức cho học sinh mà không biết rằng trong sự thành công của con người, kỹ năng chiếm yếu tố quyết định. Kỹ năng đã bị coi nhẹ, chúng ta cứ khơi khơi những thứ cao siêu.

TS. Giáp Văn Dương: Phải có những thay đổi bài bản hơn

Để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển toàn diện, đòi hỏi phải có những thay đổi bài bản hơn rất nhiều, từ triết lý giáo dục, giá trị cốt lõi, sứ mệnh của nhà trường, đến chất lượng giáo viên, cách dạy, cách học, quản lý và tài chính... chứ không chỉ đơn thuần thay đổi cách thi là xong.


GS. Đào Trọng Thi: Đổi mới trong giáo dục phải dựa trên khoa học

Đổi mới thi cử hiện nay vẫn theo kiểu đối phó, cứ xã hội phản đối là nay bít chỗ này, mai bít chỗ kia. Tất cả những đổi mới trong giáo dục đều phải dựa trên khoa học, chân lý không thuộc về sự nhượng bộ. Cần xác định rõ đề thi hướng tới kiểm tra học sinh cái gì? Khuyến khích học sinh học tập như thế nào, phát triển năng lực ra sao?.


Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên THPT (Hà Nội) : Giúp người học phát triển năng lực tư duy

Cần thay đổi phương pháp dạy và học. Dạy là giúp người học phát triển năng lực tư duy chứ không phải nhớ được bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu bài văn... Khi đó việc ra đề thi cũng rất ngắn gọn mà vẫn có thể đánh giá được năng lực của học sinh. Học sinh không phải học ngày đêm, thuộc bài theo kiểu máy móc, vô cùng vất vả mà kết quả là con số không.

P.V ghi

Năm nay, để ngăn chặn “cơn mưa” điểm 10 thì đề thi nhiều môn vừa khó, vừa dài. Thậm chí, đề thi môn Toán khó và dài tới độ giáo viên giỏi làm còn không kịp, các em học sinh cứ thế mà “đánh lụi” ăn may. Đáng buồn là vụ gian lận điểm thi trắng trợn của Hà Giang càng khiến học sinh, phụ huynh bức xúc, mất niềm tin về sự công bằng, khách quan của kỳ thi “2 trong 1”.

Thi cử chỉ là ngọn. Cách ra đề và cách đánh giá thông qua thi cử hiện thời lại đi ngược với việc phát triển năng lực. Hiện nay, không biết từ bao giờ đã hình thành thói quen “thi gì học nấy”. Lúc nào cũng chỉ nhăm nhắm nhìn vào đề thi năm trước, hoặc đề thi mẫu để “học gạo”. Thi xong là quên hết.

Nhiều giáo viên THPT cũng đã chỉ ra những bất cập trong kỳ thi như: Trước tiên là nó tạo cho thầy trò hình thành một thói quen học để thi, điểm số cao và hệ lụy là từ phương pháp dạy, học và thi bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Người học cố gắng tích lũy được nhiều dữ liệu để làm được bài thi và luyện thi là giải pháp tốt để người học giải được bài thi. Đến khi thi xong một thời gian kiến thức lại là con số không. Hay nói cách khác là học sinh chỉ nhớ máy móc theo các dạng khuôn mẫu, học thuộc lòng mà không có tư duy. Rồi tệ nạn học thêm, dạy thêm và luyện thi phát triển mạnh.

Học sinh học không khác gì người thợ tập luyện, làm đi làm lại nhiều lần cho một số mẫu đề thi để tăng tốc độ xử lý và khi cho một đề thi khác mẫu là gặp khó khăn. Với thực tế như thế, không nên kỳ vọng quá mức vào việc thay đổi bài thi để giáo dục chuyển hướng từ học gạo sang phát triển năng lực được.

Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hà Nội cho hay: “Việc đổi mới hiện nay của Bộ GD-ĐT đi ngược lại Nghị quyết 29 (nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, yêu cầu chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Nhưng kiểu thi hiện nay biến học sinh thành những bộ máy ghi nhớ. Bộ đã bóp méo đổi mới dạy học phổ thông. Học sinh cũng như giáo viên bị áp lực phải chạy theo thi cử, luyện thi ngày đêm... chứ không phải mục tiêu học để phát triển năng lực, để thành người. Trong đó, nguyên nhân chính là do Bộ không sát thực tế của giáo dục phổ thông. Điều này bộc lộ rõ nhất ở các kỳ thi THPT Quốc gia”.

Thi cử hiện nay bộc lộ quá nhiều bất cập khiến học sinh hoảng loạn, lo lắng. (Ảnh minh họa: KT)

Bóp méo mục tiêu giáo dục phổ thông

Một chuyên gia cho rằng, cách ra đề thi của Bộ đã tạo ra một cuộc đua khốc liệt cho giáo dục Việt Nam. Nhưng trong cuộc đua đó, mọi thứ đều mơ hồ, giáo viên hoang mang, học sinh hoảng loạn, phụ huynh mất niềm tin. Đáng lo là chương trình - sách giáo khoa có hay đến mấy thì vẫn phụ thuộc vào năng lực và thái độ của giáo viên.

Có thể nói, phát triển năng lực là câu chuyện của cả quá trình giáo dục, chứ không phải của riêng chuyện thi cử. Thi cử chỉ là ngọn. Gốc rễ không thay đổi, thì dù ngọn có thay đổi bao nhiêu đi chăng nữa, chất lượng giáo dục vẫn không thay đổi. Cho đến nay, thi cử vẫn nặng về đánh giá việc ghi nhớ thông tin và kiến thức, tức chỉ tập trung kiểm tra xem học sinh biết gì. Còn năng lực, là câu chuyện làm gì với những điều mình biết.

Theo thầy Nguyễn Văn Hòa, muốn đổi mới giáo dục thì trước tiên lãnh đạo Bộ GD-ĐT phải thay đổi tư duy, nhận thức, thấm nhuần tư tưởng Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục để hiểu rõ mục tiêu đào tạo của giáo dục phổ thông là gì? “Trước hết phải thay đổi thi cử, phải bám sát mục tiêu phát triển nhân cách, năng lực chứ không phải biến học sinh thành thư viện. Học sinh không phải là bồ kiến thức, là máy luyện thi.

Cần nhận thức rõ trong Nghị quyết 29 mục tiêu giáo dục phổ thông là học để phát triển năng lực tư duy, để thành người chứ không chỉ để thi cử lấy bằng cấp” - thầy Hòa nhấn mạnh. Mô hình trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đang ứng dụng chính là theo định hướng của Nghị quyết 29, phát triển năng lực người học, tự thân, tự lập nghiệp chứ không nhồi nhét kiến thức. Và mỗi giờ học chính là học sinh đang sống với những kiến thức mình học được chứ không phải học cho tương lai, hay những thứ viển vông không áp dụng vào đời sống.

Vì thế, thay vì loay hoay thay đổi việc thi cử, lãnh đạo ngành giáo dục cần trả lời những câu hỏi cơ bản nhất: Sứ mệnh của giáo dục là gì? Triết lý giáo dục mình hướng tới là gì? Học để làm gì? Dạy để làm gì?.../.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP