Áp dụng chương trình, SGK mới rất cần sự chủ động, sáng tạo của giáo viên. |
Mới chỉ “chạm” đến
Bà Võ Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Minh Hà, Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, trường là 1 trong 48 cơ sở giáo dục được lựa chọn thử nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau khi tổng kết, các giáo viên tự thấy rằng, việc đổi mới, bứt phá để áp dụng phương pháp mới giáo viên mới chỉ “chạm” đến mà thôi.
Nhìn tổng thể về chương trình mới, bà Thủy cho rằng, nếu chương trình cũ, giáo viên phải ghi kín bảng, học sinh chép mỏi tay thì chương trình mới thực sự giảm tải. Điều này phụ thuộc vào lượng kiến thức và yêu cầu cần đạt của bài học. Ngoài ra, chương trình xây dựng theo hướng mở, giáo viên cũng có quyền được chủ động dẫn dắt để học sinh lĩnh hội kiến thức theo yêu cầu. Trước đây, chương trình cũ lượng kiến thức lớn, đa số giáo viên phải truyền đạt kiến thức, việc trao đổi giữa cô và trò chỉ diễn ra khi cô đặt những câu hỏi nhỏ lẻ để học sinh phát biểu. Trong khi phương pháp mới, giáo viên phải xác định phương pháp, kỹ năng cho học sinh thảo luận theo nhóm, theo cặp hay cô chiếu màn hình giúp học sinh hình dung. Ngoài ra, giáo viên cũng phải có kỹ năng để ra những câu hỏi gợi mở hoặc giao bài tập về nhà phải đa dạng và theo hướng thu nhận kết quả xem học sinh lĩnh hội bài học như thế nào.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, trường có hơn 40% giáo viên trên chuẩn, trình độ thạc sỹ. Nhiều năm lại đây, Hà Nội luôn tập huấn cho các trường áp dụng dần phương pháp dạy học mới nên giáo viên không quá bỡ ngỡ khi triển khai. Vì thế, 24 giáo viên dạy thực nghiệm chương trình mới, các tiết học đều được đánh giá đạt.
Tuy nhiên, bà Huyền cho rằng, với điều kiện hiện tại, có trường đáp ứng được, có trường chưa. Vì vậy, trước khi triển khai, Bộ GD&ĐT phải tăng cường điều kiện cơ sở vật chất đồng thời đầu tư cho con người. Ví dụ như ở môn học “Trải nghiệm sáng tạo”, rất hay nhưng hiện nay chưa có giáo viên để dạy môn này vì thế khi thực nghiệm đã phải cử giáo viên là bí thư đoàn trường đứng lớp.
Một giáo viên ở Trường tiểu học số 1 Võ Lao, huyện Văn Bàn (Lào Cai) chia sẻ, chương trình mới khiến giáo viên thích thú, học sinh hào hứng hơn. Về chương trình, giáo viên này cho rằng, các bài giảng mới giảm lượng kiến thức rõ nét, đặc biệt thể hiện ở môn Toán hay môn đạo đức. Các bài học đã gắn liền ứng dụng thực tiễn, gần gũi với cả thầy và trò.
Về phương pháp, ban đầu giáo viên có lúng túng, khó khăn nhưng khi được tập huấn, được dự giờ họ cũng tự tin tìm tòi, đổi mới phương pháp, chịu khó trao đổi với các giáo viên khác trong tổ nhóm để lựa chọn phương án tốt nhất cho tiết dạy. Cũng không phải tiết học nào cũng cần có máy chiếu, hình ảnh minh họa cụ thể.
Giáo viên phải là chủ thể sáng tạo
TS Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ biên chương trình hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho biết, song song với việc biên soạn chương trình, từ năm 2014-2015 giáo viên đã được tập huấn phương pháp dạy học mới. Tuy nhiên mới chỉ tập huấn được một số giáo viên cốt cán, do đó vẫn có chuyện “tam sao thất bản”. Vì thế, có chuyện khi yêu cầu giáo viên lựa chọn chủ đề “làng nghề” để dạy học thì giáo viên cho rằng, ở vùng đó không có làng nghề nào cả. Sau khi giải thích để giáo viên hiểu ban soạn thảo ghi từ “địa phương” thì không quy định cụ thể là ở xã nào mà để giáo viên linh hoạt lựa chọn. TS Kim Thoa cho rằng, chương trình mở nhưng giáo viên cứng nhắc cũng không được.
GS.TS Phạm Hồng Tung, Chủ biên môn Lịch Sử cũng cho rằng, trên thực tế, nhiều giáo viên sáng tạo hơn cả kỳ vọng của ban soạn thảo chương trình nhưng cũng có người bê nguyên hình thức dạy học đọc chép vào các tiết học thực nghiệm. GS Tung chỉ ra, có tiết học, giáo viên yêu cầu học sinh thảo luận 3-4 lần, quy định mỗi lần làm việc nhóm chỉ trong 3-4 phút. “Như vậy là băm nhỏ tiết học, cường điệu hóa phương pháp hay có người hô hào hình thức học sinh quay mặt vào nhau làm việc nhóm nhưng thực sự các con không hiểu sẽ làm việc như thế nào”, ông nói.
GS Tung cho rằng, đối với nghề giáo khó nhất là phương pháp dạy học vì thế đổi mới nhưng cũng đừng mong hô một tiếng là giáo viên có thể thay đổi ngay được mà cần thời gian. Vì thế, sau khi chương trình được thẩm định, Bộ GD&ĐT phải làm việc với các trường sư phạm, phối hợp ban soạn thảo tập huấn giáo viên thật kỹ trước khi triển khai. Xây dựng các bài học trong đó gợi ý, hướng dẫn giáo viên nên khai thác sách giáo khoa, tài liệu như thế nào, song nhất định vai trò của họ là chủ thể sáng tạo trong bài giảng đó. Chương trình thành công hay không, phải có giáo viên là người dẫn dắt, chủ động từng bài học.
Tác giả: NGUYỄN HÀ
Nguồn tin: Báo Tiền phong