Bộ GD&ĐT không phải đơn vị đầu tiên phát hiện ra sự việc gian lận thi cử ở Hà Giang, mặc dù là đầu mối đầu tiên công bố kết quả điểm thi THPT Quốc gia 2018.
Những người đầu tiên phát hiện ra vụ việc là nhóm các giáo viên ở Hà Nội, gồm thầy Vũ Khắc Ngọc, thầy Đỗ Ngọc Hà và thầy Nguyễn Thanh Tùng.
Mới đây, trong cuộc phỏng vấn với báo An Ninh Thủ Đô, thầy Vũ Khắc Ngọc đã chia sẻ lại quá trình phát hiện vụ việc. Thầy Ngọc cho biết, ngày 11/7, Sở GD&ĐT tỉnh dần công bố điểm thi tại địa phương. Cũng trong sáng 11/7, nhiều tờ báo đăng tải về 11 thí sinh có điểm thi cao nhất cả nước.
Thầy Vũ Khắc Ngọc (giữa) chia sẻ về quá trình phát hiện vụ gian lận thi cử ở Hà Giang. (Ảnh: An Ninh Thủ Đô) |
“Đây là thông tin mà mọi người rất chờ đợi, háo hức vì đề thi năm nay rất khó, thậm chí đến cả nhiều GS đầu ngành cũng không thể giải được. Do đó, việc các học sinh giỏi đến mức đạt điểm cao, thậm chí trên 29 điểm 3 môn, đối với một người thầy là cảm giác hết sức vui mừng”, thầy Ngọc nói.
Sau đó, thầy Ngọc đã chia sẻ cảm xúc vui mừng của mình trên trang Facebook cá nhân. Và ngay lập tức nhận được phản hồi của nhiều bạn học sinh, chính là bạn học của các thủ khoa này.
“Những bình luận, biểu tượng cảm xúc tiêu cực khiến cho mình phải chú ý. Mình và đồng nghiệp cũng nhận được các tin nhắn chia sẻ từ các bạn học sinh chuyên Hóa, Toán của tỉnh Hà Giang, thể hiện là có sự bất thường trong kết quả. Bằng trực giác của một người giáo viên, mình có thể hiểu rằng những chia sẻ, cảm xúc của các bạn học sinh ở Hà Giang là thật và đáng phải suy nghĩ”, thầy Ngọc cho biết.
Theo thầy Ngọc, trong giai đoạn đầu tiên, việc tiếp cận với dữ liệu điểm thi ở Hà Giang để có thể phân tích khá khó khăn. Nhưng khi các báo có công cụ tra cứu điểm thi và bắt đầu cập nhật dữ liệu lên đó thì một số giáo viên trong nhóm đã ngồi kiểm đếm các điểm số cao có thể nói là bất thường ở 1 số môn thi như Toán, Lý.
Song song với đó, trên mạng xã hội cũng có rất nhiều nhóm giáo viên khác và các cộng đồng học tập đã tổng hợp, thống kê con số và mọi người chia sẻ thông tin cho nhau. Dần dần những bất thường ở Hà Giang ngày càng biểu lộ ra các con số.
“Ví dụ như chuyện khối A1, số học sinh trên 20 điểm ở Hà Giang chiếm đến 1 nửa cả nước, trong khi số học sinh cả nước đi thi đông gấp 170 lần Hà Giang. Đó là con số cực kỳ phi lý, chưa kể các bất thường khác ở điểm thi của một số thủ khoa khu vực này”, thầy Ngọc chia sẻ.
Thầy Ngọc nói tiếp: “Bằng kinh nghiệm ôn thi nhiều năm, mình hiểu rằng rõ ràng có sự bất thường. Nhưng mình cùng các đồng nghiệp băn khoăn là phải làm gì để làm sáng tỏ cũng như giải tỏa nỗi bức xúc cho các em học sinh trên Hà Giang”.
“Khi đó mọi người đều bức xúc và hụt hẫng, cảm giác như bản thân bị lừa dối. Mình cũng mong muốn đi tìm xem sự thật là gì. Cảm giác đó lớn hơn khi các bạn học sinh, có bạn vừa chat vừa khóc vì sự bất công quá lớn. Đề thi khó, nhiều HS giỏi hụt hẫng khi không đạt được con số như kỳ vọng, phải chịu nhiều áp lực từ người thân… có bạn dùng cả thuốc an thần mới ngủ được. Nghĩ tới những học sinh đó, cảm thấy sự bất công này rõ ràng là không thể chấp nhận được. Tất cả giáo viên trong nhóm cùng chia sẻ suy nghĩ như vậy”, thầu Ngọc nói.
Nhưng làm sao để đưa sự việc ra dư luận thật khéo léo, không quy chụp vì tại thời điểm đó, mọi thứ chỉ là nghi vấn, không có căn cứ xác thực nào để khẳng định sự việc đã xảy ra. Vì vậy, nhóm thầy Ngọc đã thống nhất là không quy chụp, không kết luận, chỉ ra những sự bất thường.
Và sau khi chia sẻ những thông tin, thống kê sự bất thường ở Hà Giang, cùng với đó là cộng đồng mạng xã bội, các page học tập cũng chia sẻ các dữ liệu thống kê khác để củng cố nên sức lan tỏa rất là nhanh, rồi dẫn đến kết quả vụ việc như hiện nay.
Tác giả: Lâm Anh (T/h)
Nguồn tin: saostar.vn