Kinh tế

Sếp phải thay đổi khi nhân viên ồ ạt bỏ việc sau dịch

Đại dịch thúc đẩy sự thay đổi nhu cầu làm việc của nhân viên và người quản lý buộc phải tìm cách bắt kịp.

"Không ai trả lời tin tuyển dụng của tôi nữa", Sarah, quản lý phòng nhân sự của một công ty quảng cáo tại Anh, nói trên GLAMOR.

Trước đại dịch, cô luôn gặp tình trạng quá tải công việc, không thể đọc hết số CV gửi đến. Thế nhưng vài tháng qua, cô rất bối rối vì lượng ứng viên cạn kiệt. Cô không biết người lao động đang ở đâu, tại sao không tìm đến công ty mình trong khi mức lương, các quyền lợi và dự án vẫn hoàn toàn ổn định như trước.

Thậm chí, nhiều nhân sự ở tất cả cấp bậc đang làm việc cũng đồng loạt xin nghỉ. Sarah và nhóm quản lý của công ty rơi vào căng thẳng, chưa thể tìm ra lý do chính xác.

Môi trường công sở truyền thống vắt kiệt sức nhiều nhân viên. Ảnh: China Daily.

Và công ty của Sarah không đơn độc.

Cuối năm 2021, một báo cáo cho thấy gần 1/4 người lao động lên kế hoạch thay đổi công việc. Đây là một phần của "làn sóng nghỉ việc" được thúc đẩy bởi sự gia tăng số lượng các vị trí tuyển dụng cũng như tình trạng burn-out (kiệt sức, suy giảm cả thể chất và tinh thần) gây ra bởi dịch bệnh.

Cuộc khảo sát của công ty tuyển dụng Randstad UK trên 6.000 nhân viên cho thấy 69% cảm thấy tự tin về việc tìm kiếm một công việc mới, trong đó 24% đã lên kế hoạch thay đổi việc làm trong vòng từ 3 đến 6 tháng.

Và theo một báo cáo khác của Ultra Violet, xu hướng chuyển đổi công việc diễn ra mạnh mẽ hơn đối với người lao động là phụ nữ.

"Mùa hè năm 2020, chúng tôi chứng kiến rất nhiều nhân viên nữ không được các nhà quản lý tạo điều kiện để cân bằng cuộc sống gia đình và công việc. Kết quả là một số lượng lớn nữ giới đã rút khỏi lực lượng lao động, làm gia tăng khoảng cách lương theo giới và để lại những để lại những vấn đề về chính sách buộc các CEO không thể bỏ qua", báo cáo nêu chi tiết.

Gia tăng freelancer

Làm freelancer, một mình đi trên con đường sự nghiệp vốn không phải dễ dàng. Nhưng theo Jess Sims, founder công ty tư vấn tiếp thị thương hiệu The Doers, ngày càng có nhiều người lựa chọn công việc tự do thay vì một việc làm truyền thống tại công sở.

"Công ty của chúng tôi được vận hành bởi đội ngũ freelancer. Hậu đại dịch, hộp thư của chúng tôi tràn ngập email của những người làm việc full-time muốn chuyển sang công việc độc lập. Họ hỏi chúng tôi làm sao để có lại sự tự do như khi giãn cách, giai đoạn mà họ có thể ở nhà với gia đình, làm việc trong phòng khách, mặc bất cứ thứ gì mình muốn vì không ai nhìn thấy họ từ đầu đến chân", Jess nói.

Văn hóa làm thêm giờ đặc biệt phổ biến ở các công ty công nghệ. Ảnh: Getty Image.

Cách đây hơn 4 năm, Jess thành lập The Doers như một nơi thúc đẩy văn hóa làm việc tự do, tránh kiệt sức. Giờ đây, anh nhận thấy công ty của mình được quan tâm bởi ngày càng có nhiều nhân viên muốn từ bỏ công việc văn phòng truyền thống.

"Cũng như tôi, rất nhiều người lao động hiện nay muốn làm việc trong khung giờ hiệu quả nhất của mình thay vì bó buộc trong giờ hành chính. Họ cũng muốn được làm việc với những nhóm người đa dạng hơn, tránh xa văn hóa chính trị văn phòng và có quyền tự do làm việc ở bất cứ đâu mà không cần phải xin phép. Theo tôi, xu hướng chuyển đổi ra khỏi môi trường làm việc truyền thống sẽ còn kéo dài trong thời gian tới", Jess cho hay.

Sếp buộc phải thay đổi

Trong khi đó, Runar Reistrup, giám đốc điều hành công ty tuyển dụng YunoJuno, cho biết mình không hề ngạc nhiên với sự chuyển dịch công việc sau dịch. Ông cho đây là một xu hướng dễ hiểu và các nhà quản lý buộc phải thích nghi hoặc thay đổi chính sách để giữ chân nhân sự của mình.

"2 năm vừa qua, chúng ta sống trong thời kỳ mà người lao động thay đổi hành vi với tốc độ nhanh chưa từng có. Tôi không nghĩ rằng mọi người đột nhiên thức tỉnh trong đại dịch và nhận ra sự bất mãn với công việc. Làn sóng nghỉ việc đã âm ỉ từ lâu và dịch bệnh làm nó thêm rõ nét, biến thành hành động và cho tất cả thấy số lượng đáng kinh ngạc về những người rời bỏ việc làm truyền thống như hiện nay", ông nói trên GLAMOR.

Và cũng theo Runar, đối tượng người lao động chuyển việc nhiều nhất sau dịch chính là thế hệ Millennials.

"Mối quan hệ truyền thống giữa nhà quản lý và nhân viên đã thay đổi sâu sắc kể từ khi thế hệ Millennials bước vào lực lượng lao động. Họ có kỳ vọng rất khác về cuộc sống và lựa chọn nghề nghiệp. Họ thích tìm kiếm ý nghĩa, mục đích và sự hoàn thiện cá nhân trong công việc của mình chứ không chỉ quan tâm đến tiền bạc", Runar giải thích.

Đại dịch như một chất xúc tác khiến những người vốn chán nản công việc càng quyết tâm thay đổi, tìm hướng đi mới. Ảnh: Reuters.

Giai đoạn hiện tại, những nhà quản lý không kịp thích ứng với thế hệ lực lượng lao động mới sẽ phải đối mặt hậu quả.

"Tiếp nối thế hệ Millennials, Gen Z sẽ thúc đẩy những tiêu chuẩn làm việc mới đi xa hơn rất nhiều. 50% Gen Z không bao giờ có kế hoạch tham gia vào lực lượng lao động làm việc kiểu truyền thống", ông cho biết thêm.

Câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào để chúng ta có thể tìm được công việc phù hợp, đáp ứng cả về mặt tinh thần và tình hình thực tế tại các doanh nghiệp?

Runar đưa ra nhận định: "Hãy luôn học tập. Giáo dục đóng vai trò quan trọng để chúng ta theo đuổi và tiếp cận những công việc có ý nghĩa. Giáo dục cũng giúp ta có thể tự quản lý công việc cá nhân, tìm kiếm những thách thức và cơ hội mới.

Trong khi làm việc tại một công ty, bạn vẫn nên học tập. Đây chính là động lực và con đường để bạn đạt được sự tự do trong sự nghiệp".

Tác giả: Thục Hạnh

Nguồn tin: zingews.vn

  Từ khóa: burn out , việc làm , làm việc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP