Giáo dục

Sách Tiếng Việt 1 không dạy chữ P, giáo viên tranh cãi

Sách Tiếng Việt 1 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" không thiết kế bài dạy chữ "P" độc lập nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giáo viên.

Mới đây, ông Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) gửi thư lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phản ánh sách Tiếng Việt 1 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" không dạy chữ "P" độc lập.

Cô Nguyễn Ngọc Mai Hương, giáo viên một trường tiểu học quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, lớp cô chủ nhiệm đang dạy sách Tiếng Việt lớp 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Cô khẳng định chữ "P" vẫn được đưa vào trong chương trình học như bình thường, không có chuyện bị bỏ đi như một số nhà giáo lo lắng.

"Tuy bài chữ P không được tách riêng ra dạy như sách cũ nhưng trong bài học chữ Ph vẫn được nhắc đến với vai trò chữ cái độc lập, ghép giữa P và H. Đồng thời, trong sách hướng dẫn giáo viên triển khai các nội dung trong Tiếng Việt 1 vẫn yêu cầu cho học sinh đọc chữ P tạo thành tiếng", cô nói.

Bài học chữ Ph trong sách Tiếng Việt 1 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Như sách Tiếng Việt 1 trước đây, chữ “p” được dạy thành 1 bài độc lập. Trong bài đưa ra ví dụ khi ghép với nguyên âm tạo thành các tiếng như "p-i-pi", "p-a-pa". Tuy nhiên những từ này đều là mượn tiếng phiên âm từ các từ nước ngoài hoặc từ không có nghĩa, học sinh rất khó hình dung ra. Do đó, khi đưa chữ P ghép với chữ H dạy trong bài vần Ph là hợp lý. Học sinh dễ hiểu và giáo viên không mất nhiều công giải thích những từ mượn.

Theo cô Hương, bảng chữ cái được giới thiệu trong cuốn Tiếng Việt lớp 1 tập 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có đầy đủ 29 chữ cái, trong đó có chữ P. "Việc dạy chữ P độc lập hay lồng ghép không ảnh hưởng đến chất lượng học. Bởi thực tế trong quá trình học, khi đọc đến đoạn văn ở trang 105, học sinh vẫn đọc được từ "Sa Pa" dù không được học bài riêng cho chữ P. Mặt khác, chữ P ít dùng riêng nên có thể vì thế sách Tiếng Việt bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là điều dễ hiểu và hoàn toàn chấp nhận được", cô nhấn mạnh.

Từng có kinh nghiệm 2 năm liên tiếp dạy Tiếng Việt 1 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, cô Hà Thị Loan, giáo viên trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, đây là sự tối giản mang tính thực tiễn cao.

"P là chữ cái độc lập, nhưng nó thường kết nối với chữ cái H để tạo thành phụ âm, rất hiếm những từ có nghĩa chỉ nguyên chữ P đứng đầu (chỉ có một số từ mà chữ P đứng đầu như: pằng pằng, hay tên một số địa danh Sa Pa, Pa Nậm...). Tương tự chữ Q cũng vậy, không đứng một mình mà thường Qu", cô nói và ủng hộ việc tinh giản này của chủ biên sách.

Trước những băn khoăn về việc nếu không dạy chữ P thành một bài độc lập sẽ ảnh hưởng đến học sinh, cô Loan cho biết: "Trong 2 năm dạy học sách mới, tất cả học sinh đều dễ dàng đọc được chữ P và Ph. Một phần vì các em đều được biết chữ P từ bậc mầm non, phần khác trong quá trình dạy giáo viên đều lồng ghép trong các từ Sa Pa, hang Pác Pó, cục pin... học sinh nhẹ nhàng tiếp nhận qua từng bài học".

Trong khi đó, cô Lê Diệu Linh, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Giang lại cho rằng, sách Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ P thành bài độc lập là thiếu xót lớn. Khác với trẻ con ở thành thị, trẻ nông thôn không dạy không được học trước khi vào lớp 1 nên đọc thuộc và nhận biết được 29 mặt chữ trong bảng chữ cái là yêu cầu rất quan trọng. Tuy nhiên, sách mới lại bỏ chữ P khiến học sinh lúng túng mỗi khi nhìn vào sách đọc.

Không chỉ với chữ P và chữ Q cũng vậy, sách không dạy độc lập, đều được ghép với phụ âm khác tạo thành Ph và Qu.

Với học sinh thành phố, chữ P ít được sử dụng, chỉ có trong tên thuốc hoặc một số từ mượn như pi - a nô, pa - nô... nhưng với các em vùng cao, rất nhiều từ địa danh gắn với chữ P đứng đầu như Pác Pó, quả pao, cục pin, Pa Nậm, Pư Xạ...

Sách dạy đầy đủ 29 chữ cái

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, khẳng định, sách có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ GD&ĐT (trang 12, tập một). Đây là quy định cứng, không bộ sách giáo khoa nào có thể thay đổi.

Sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Ở nhiều bài học trong bộ sách này, học sinh được học và luyện viết chữ P qua ngữ liệu là những từ như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,… (trang 78, 118, 120, 124,… tập một). Ở tập hai, trong các văn bản đọc thì số các từ có chữ P không thể tính hết. "Vì vậy, ý kiến cho Tiếng Việt 1, Kết nối không dạy chữ P là hoàn toàn không có cơ sở", ông nói.

Bài 26, sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, dạy âm "Ph" và "Qu".Về vấn đề dạy âm P thế nào, ông Hùng nêu trong tiếng Việt, âm P xuất hiện ở đầu hoặc cuối âm tiết. Với những từ âm P xuất hiện ở cuối, sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống dạy rất nhiều, ví dụ như các bài về "ap, ăp, âp", "op, ôp, ơp", "ep, êp, ip, up". Còn với những từ âm P ở đầu, tất cả các bộ sách Tiếng Việt 1 đều đạt được mục tiêu học xong lớp 1 học sinh đọc được các từ như đèn pin, Sa Pa, Nậm Pì… Tuy nhiên, các bộ sách có thể có những cách khác nhau.

"Cách thứ nhất là dạy âm P trong bài về âm Ph. Trước khi học Ph, các em được luyện P, chứ không học riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm này. Cách thứ hai là dạy P riêng và dùng những từ như "pi-a-no" (piano), "pa-nô" (pano) để học sinh đọc và phát triển vốn từ", chủ biên nói.

Theo ông, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 theo chương trình giáo dục cũ áp dụng cách thứ nhất. Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng kế thừa theo cách dạy này. "Sau khi làm quen, tập đọc âm P ngay trước khi học âm Ph, học sinh được luyện đọc âm đầu P trong một số bài học sau đó. Chẳng hạn, khi học vần "in", các em luyện đọc và viết từ "đèn pin", luyện đọc từ "Sa Pa" trong đoạn văn viết về Tây Bắc", ông Hùng nói.

Lý giải về việc chọn cách dạy này, ông Hùng cho biết âm P và Ph được học trong phần âm, ở khoảng tuần thứ 5 - 6 của lớp 1. Nếu dạy âm P riêng thì cần phải có những từ ứng dụng để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ. Những từ được lựa chọn phải căn cứ trên những bài trước các em đã học. Theo đó, nếu dạy, người biên soạn buộc phải dùng những từ như "pi-a-no" (piano), "pa-nô" (pano), không thể dùng "Sa Pa" hay "Nậm Pì".

Nhiều giáo viên đang hiểu lầm về vị trí âm đầu P. Trong các nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học hàng đầu Việt Nam lại không coi tiếng Việt có âm đầu P. Những từ âm đầu P chỉ xuất hiện trong các từ vay mượn như pi-a-nô/piano, pê-đan/pêđan, pa-nô/panô, pê-nê-xi-lin…, các âm tiết được viết liền hoặc có dấu nối.

Trước thắc mắc cùng là tổng chủ biên hai bộ sách, nhưng một bộ dạy riêng âm P còn bộ kia thì không, ông cho biết ở bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, ông còn giữ chức vụ chủ biên nên chủ động chọn cách thiết kế bài giảng. Còn ở bộ Chân trời sáng tạo, ông trao quyền lựa chọn cho chủ biên. Vị chủ biên khẳng định, sự khác nhau chỉ là cách dạy, không có bộ sách nào đúng hoặc sai.

Tác giả: HÀ CƯỜNG

Nguồn tin: Báo VTC

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP