Trong nước

Quyết liệt sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh không thể chậm trễ hơn nữa trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Ngày 1-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Sáp nhập, giải thể nhiều bộ, ngành, ban Đảng

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm trong việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18/2017.

Ông Lê Minh Hưng cho hay các cơ quan đang nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Cụ thể, sáp nhập Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng. Sáp nhập Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Khoa học - Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; chuyển một số nhiệm vụ khác về Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục - Đào tạo. Sáp nhập Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên - môi trường; chuyển một số nhiệm vụ khác về các bộ, cơ quan liên quan. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục - Đào tạo. Ban Tôn giáo Chính phủ chuyển về Ủy ban Dân tộc, thành lập Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo...

Nghiên cứu kết thúc hoạt động đối với mô hình tổng cục trực thuộc bộ. Trước hết, sắp xếp các đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, BHXH Việt Nam, Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổng cục Quản lý thị trường, chi nhánh ngân hàng nhà nước các tỉnh, thành phố...

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, thực hiện phương án trên sẽ giảm được tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Đối với các cơ quan của Quốc hội (QH), nghiên cứu, đề xuất sáp nhập Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục; Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật. Kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao, một phần nhiệm vụ về Văn phòng QH. Nghiên cứu chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện. Kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu Lập pháp, chuyển chức năng về các cơ quan liên quan của QH và Ủy ban Thường vụ QH. QH sẽ không bố trí chức danh ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách.

"Thực hiện phương án này, QH sẽ giảm 4 ủy ban và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ QH" - ông Lê Minh Hưng cho biết.

Đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng, nghiên cứu, đề xuất sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương. Kết thúc hoạt động Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao và một phần về Văn phòng Trung ương Đảng. Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương.

Với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, rà soát hoạt động theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động; chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết. Qua đó, giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, giảm 25 ban cán sự Đảng, giảm 16 Đảng đoàn trực thuộc Trung ương và tăng 2 Đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Đối với địa phương, các cấp ủy chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan, ban chỉ đạo, đơn vị sự nghiệp... tương tự cấp Trung ương.

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế

Chậm trễ là có lỗi với nhân dân

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu câu hỏi: Chúng ta đã đủ thế và lực, đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời là đã đủ.

Dành nhiều thời gian nói về việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước".

Theo Tổng Bí thư, đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó, vì liên quan tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, vẫn phải tiến hành bởi muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu thuật khối u".

Tổng Bí thư đề nghị các cấp, ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Tổng Bí thư yêu cầu cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở", "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng". Từng cấp, ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ. Theo đó, bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12-2024; phấn đấu hoàn thành, báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I/2025.

"Yêu cầu chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội" - Tổng Bí thư lưu ý.

Nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, không để cơ quan nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém, Tổng Bí thư cho hay Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn. Đồng thời, tạm dừng việc tuyển công chức từ ngày 1-12-2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương.

"Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư lưu ý đây phải là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng. Cần khắc phục những "căn bệnh" của công tác cán bộ trước đại hội, như: người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, người "cánh hẩu" với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt bỏ người mà mình không thích...

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm. Ảnh: LÂM HIỂN

Phấn đấu GDP năm 2025 tăng khoảng 8%

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày những nội dung cốt yếu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và giải pháp tăng tốc trong năm 2025.

Theo Thủ tướng, đến cuối tháng 11-2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỉ USD - tăng 15,3%; xuất siêu trên 23 tỉ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 807,7 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. QH giao mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là trên 7%. Tuy nhiên, Chính phủ phấn đấu đạt khoảng 8% nhằm tạo đà đạt tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.

Loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm"

Trình bày chuyên đề "Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế", Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho biết kỳ họp thứ 8 QH khóa XV đã thành công tốt đẹp với 18 luật được biểu quyết thông qua và xem xét, thông qua 21 nghị quyết.

"Kỳ họp thứ 8 đã diễn ra với tinh thần đổi mới, đặc biệt là sự đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực. Các luật ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của QH; kiên quyết từ bỏ tư duy không quản được thì cấm" - Chủ tịch QH khẳng định.

Tác giả: Văn Duẩn

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP