Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Cần Thơ thực hiện sáp nhập 4 phường gồm An Phú, An Nghiệp, An Cư và Thới Bình thành một đơn vị hành chính mới, tên phường sau khi sáp nhập là phường Thới Bình, có diện tích tự nhiên là 1,99 km2, quy mô dân số hơn 56.000 người.
Trong quá trình thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập, UBND quận Ninh Kiều đã tiến hành lấy ý kiến cử tri của 4 phường và đa số cử tri đều đồng tình, ủng hộ việc sáp nhập.
Đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn, thuận tiện |
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai (ngụ phường An Cư) cho biết, việc sáp nhập là cần thiết, giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao trình độ của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, bà Mai còn những băn khoăn về giải quyết thủ tục hành chính, các giấy tờ thông dụng hay việc học hành của các cháu có bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập.
Đa phần các cử tri của 4 phường đều đồng tình với phương án sáp nhập, nhưng việc sáp nhập sẽ ít nhiều gây ra những bất cập đến việc thay đổi giấy tờ tùy thân của người dân, đặc biệt là các giấy tờ thông dụng. Vì vậy, cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thay đổi các giấy tờ, thực hiện tốt các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà, phức tạp cho người dân.
Ông Nguyễn Phú Hùng (phường An Cư) cho rằng, băn khoăn của người dân cũng là điều dễ hiểu. Do đó, điều quan trọng là sau khi sáp nhập, bộ máy phục vụ có tốt như lúc chưa sáp nhập hay không.
Việc sắp xếp, sáp nhập 4 phường để thành lập một phường mới sẽ giúp tăng thêm nguồn lực về đất đai, về nhân lực, đơn vị hành chính mới thành lập có điều kiện để phát triển thành một trung tâm kinh tế, xã hội của quận Ninh Kiều nói riêng và của thành phố Cần Thơ nói chung. Sau khi sắp xếp bộ máy sẽ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên, giảm chi ngân sách.
Để đảm bảo hài hòa lợi ích của đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách sau sắp xếp, Cần Thơ đã tính toán bố trí những người đảm bảo đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn theo chức danh, vị trí việc làm, năng lực để bố trí vào công việc mới, đảm bảo đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, giúp các cấp chính quyền quản lý, điều hành thông suốt, thống nhất.
Mô hình ở phường An Cư đang mang lại hiệu quả và được người dân đánh giá cao |
Chị Nguyễn Diệu Hồng Phước, công chức văn hóa, xã hội phường An Cư chia sẻ, thành phố, quận đã có giải pháp để bố trí nhân sự. Cán bộ có đủ điều kiện về trình độ, năng lực, sức khỏe sẽ được bố trí hoặc chuyển công tác phù hợp với công việc của mình. Để đảm bảo phục vụ tốt công việc trong thời gian tới thì bản thân cán bộ, công chức cũng phải trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm.
Việc sáp nhập có thể tác động đến tâm lý, gây ảnh hưởng đến công tác tiếp dân và thực hiện các thủ tục hành chính. Vì vậy, lãnh đạo quận Ninh Kiều và các phường cũng thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ. Đồng thời vận động những cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách lớn tuổi, chưa đạt chuẩn tự nguyện xin nghỉ để hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.
Bà Mã Phụng, Bí thư, Chủ tịch UBND phường An Cư, quận Ninh Kiều cho biết, thời gian qua đội ngũ cán bộ, công chức đã được đào tạo chuẩn hóa, nên việc sáp nhập lần này mặc dù dân cư, địa giới hành chính tăng lên nhưng công việc vẫn sẽ được duy trì hiệu quả, nhất là những thủ tục hành chính thời gian qua của phường An Cư được đánh giá mang lại hiệu quả và rút ngắn thời gian cho người dân.
"Hiện nay đa phần cán bộ công chức phường An Cư đều đạt chuẩn; UBND thành phố, Sở Nội vụ, Quận ủy, UBND quận Ninh Kiều cũng đã quán triệt về mặt chủ trương sáp nhập cũng như bố trí lại đối với những công chức đạt chuẩn, do đó các cán bộ rất an tâm để thực hiện nhiệm vụ của mình", bà Mã Phụng cho biết.
Bà Mã Phụng, Bí thư, Chủ tịch UBND phường An Cư giới thiệu về mô hình giải quyết thủ tục hành chính |
Với mục tiêu giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn, thuận tiện thì quận Ninh Kiều đã đưa ra những giải pháp bằng cách tự động cập nhật cho người dân, không bắt buộc người dân phải đi lại nhiều lần để thay đổi giấy tờ. Việc làm này thực hiện theo đúng với nguyên tắc cải cách hành chính kết hợp với sử dụng công nghệ số. Ngoài ra, những giấy tờ thông dụng mà người dân thường dùng sẽ được ưu tiên làm trước, những giấy tờ chưa cần thiết sẽ được lập kế hoạch hỗ trợ làm cho người dân và không thu phí.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết, sau khi sáp nhập khối lượng công việc sẽ rất nhiều, do đó quận có kế hoạch thay đổi về các thủ tục hành chính, chuyển đổi các thông tin của dân sự. Do đó, thời gian tới quận sẽ làm công việc này để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo công tác sáp nhập hiệu quả theo chỉ đạo của thành phố.
Khi sáp nhập 4 phường thành 1 phường và dân số của phường mới sẽ hơn 56.000 người cũng sẽ phần nào tạo áp lực đối với bộ máy quản lý hành chính, nhất là trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, các công việc của người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, sau sáp nhập sẽ dôi dư 181 nhân sự gồm cả cán bộ công chức, viên chức, người lao động, nhân sự không chuyên trách, công an, y tế phường.
Trụ sở làm việc của phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ |
Ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ TP. Cần Thơ cho biết, để đảm bảo lợi ích cho đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, Sở Nội vụ Cần Thơ đã tiến hành tham mưu cho thành phố về kế hoạch tuyển dụng thông qua tiếp nhận công chức ở quận Ninh Kiều và khuyến khích các sở, ngành của thành phố, các quận, huyện tiếp nhận những cán bộ dôi dư vào làm việc nếu đủ các điều kiện, đáp ứng nhu cầu công việc theo quy định.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP. Cần Thơ Châu Việt Tha, đối với những cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách lớn tuổi, chưa đạt chuẩn sẽ động viên xin nghỉ để hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Đồng thời giải quyết chế độ nghỉ hưu, nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân và thực hiện chính sách tinh giản biên chế với nhân sự dôi dư theo Nghị định của Chính phủ.
"Sở tham mưu cho Ủy ban xây dựng kế hoạch để để tuyển dụng thông qua tiếp nhận công chức cấp xã vào làm công chức từ cấp huyện trở lên, trong đó sẽ ưu tiên đối với việc tiếp nhận cán bộ, công chức của quận Ninh Kiều để làm công chức cấp quận hoặc khuyến khích các sở ngành còn thiếu biên chế sẽ tiếp nhận các cán bộ dôi dư", ông Châu Việt Tha cho biết.
Trước đây, thành phố Cần Thơ cũng đã tiến hành sáp nhập 3 phường của quận Ninh Kiều gồm An Hội và An Lạc, Tân An với tên gọi mới là phường Tân An và đơn vị hành chính này chính thức hoạt động từ ngày 1/4/2020, đây cũng là kinh nghiệm thực tiễn cho quận Ninh Kiều thực hiện tốt trong lần sáp nhập này.
Việc sắp xếp, sáp nhập 4 phường của quận Ninh Kiều được đánh giá sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ người dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng tốt hơn. Với việc sáp nhập này, quận Ninh Kiều sẽ có thêm nguồn lực về đất đai, giúp địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, phấn trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của Cần Thơ.
Tác giả: Phạm Hải
Nguồn tin: Báo VOV