Kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, người dân xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) yêu cầu phải di dời nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đi nơi khác. Nếu không di dời thì nhà máy chỉ được tiếp nhận, xử lý rác thải trên địa bàn xã Phổ Thạnh và hơn 22.000 m3 rác tồn đọng trước khi nhà máy được xây dựng.
Sáng 15/8, hàng trăm người dân xã Phổ Thạnh đến dự buổi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi |
Dù cơ quan chuyên môn khẳng định vị trí xây dựng nhà máy cách khu dân cư gần nhất trên 500m là đúng quy định, tuy nhiên người dân cho rằng khoảng cách này vẫn quá gần; khiến không khí ở các khu dân cư lân cận nhà máy xử lý rác bị ô nhiễm.
"Chúng tôi rất cảm thông với chính quyền nhưng thực tế là khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư quá gần nên mùi hôi ảnh hưởng đến người dân. Người dân chúng tôi thật sự lo ngại về lâu dài không khí và nguồn nước ngầm sẽ bị ảnh hưởng", ông Nguyễn Xuân Ba bày tỏ.
Người dân xã Phổ Thạnh cho rằng khoảng cách từ nhà máy xử lý rác đến các khu dân cư quá gần nên lo sợ môi trường sống bị ô nhiễm |
Cùng nỗi lo đó, ông Ngô Văn Liêu cho rằng: địa bàn xã Phổ Thạnh đất chật, người đông; đặc biệt là khu vực thôn La Vân, Thạch By nằm sát biển nên nguồn nước hầu hết bị nhiễm mặn. Vì vậy, người dân lo ngại việc đặt nhà máy xử lý rác tại khu vực này khiến nguồn nước ngầm đang sử dụng bị ô nhiễm.
"Chỉ một vài khu vực có nguồn nước ngọt lại đi xây nhà máy gần đó. Sau này nguồn nước bị ô nhiễm dân chúng tôi lấy nước ở đâu sử dụng?", ông Liêu bày tỏ.
Hầu hết ý kiến người dân tham dự buổi đối thoại yêu cầu chính quyền phải di dời nhà máy xử lý rác đến địa điểm khác vì lo ngại ô nhiễm môi trường.
"Nhà máy phải di dời còn lượng rác tồn đọng trước khi có nhà máy người dân chúng tôi sẽ cùng nhau xử lý. Nếu không di dời thì chỉ được tiếp nhận rác tại xã Phổ Thạnh, không được đưa rác nơi khác đến", nhiều người dân quả quyết.
Thông tin với người dân, ông Nguyễn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, nhấn mạnh: quy trình, thủ tục xây dựng và hoạt động của nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ đúng quy định nên không có cơ sở để di dời nhà máy này.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngoài việc xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đức Phổ, nhà máy còn xử lý trên 22.000 m3 rác tồn đọng từ năm 2005.
Nếu hố rác tồn đọng không được xử lý sớm và đúng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Riêng khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư gần nhất trên 500 m là đúng quy định, đảm bảo quy chuẩn cho nhà máy xử lý rác hoạt động.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng chỉ đạo các cơ quan chức năng phải giám sát, đảm bảo hoạt động của nhà máy xử lý rác không ảnh hưởng đến đời sống người dân |
Thay mặt chính quyền, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng chia sẻ nỗi lo với người dân, mong muốn người dân đồng thuận với chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý rác thải.
Đối với lo ngại của người dân, ông Căng yêu cầu chủ đầu tư nhà máy xử lý rác phải tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. Đồng thời cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra chặt chẽ hoạt động xử lý rác thải của nhà máy để không gây ảnh hưởng đến người dân.
"Trước mắt chủ đầu tư phải xử lý ngay nước rỉ từ hố rác tồn đọng không để thấm xuống mạch nước ngầm. Cái này cần làm ngay và tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho việc này. Sở Tài nguyên - Môi trường, Công an tỉnh phải kiểm tra, giám sát thường xuyên đảm bảo nhà máy thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường", ông Căng nhấn mạnh.
Đến trưa ngày 15/8, hàng trăm người dân vẫn chặn đường vào nhà máy xử lý rác |
Tuy vậy, người dân xã Phổ Thạnh không đồng tình với kết luận của người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ngãi. Đến trưa ngày 15/8, người dân vẫn tiếp tục chặn đường vào nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ.
Tác giả: Quốc Triều
Nguồn tin: Báo Dân trí