Giáo dục

Hàng trăm GS, PGS giảng dạy, không nghiên cứu: Lý thuyết suông

Người thầy muốn dạy tốt thì phải luôn luôn học hỏi. GS chỉ dạy mà không nghiên cứu thì chỉ có lý thuyết suông, vàng lộn theo chì.

"Vàng thau lẫn lộn"

Mới đây, đại diện Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho biết, Việt Nam có khoảng 1.600 Giáo sư, 10.000 Phó Giáo sư, nhưng số người đang làm nghiên cứu chỉ có khoảng 200-300. Trong khi đó, công bố của Bộ GD-ĐT cũng cho biết, số GS, PGS làm công tác giảng dạy chiếm 40%, số còn lại làm công tác quản lý trong bộ máy nhà nước. Như vậy, hàng trăm GS, PGS tham gia giảng dạy nhưng không hề nghiên cứu khoa học.

GS chỉ dạy không nghiên cứu khó bảo đảm chất lượng. Ảnh minh họa

Bình luận về hiện tượng trên, TS Nguyễn Ngọc Hiếu (ĐH Việt Đức, TP.HCM) cho biết, việc giảng dạy và làm công tác nghiên cứu tại Việt Nam là hai công việc gần như không có sự gắn kết với nhau nhiều.

Tỷ lệ GS làm nghiên cứu chuyên nghiệp chiếm khoảng 30%, nhưng số GS đứng lớp giảng dạy mà không làm nghiên cứu cũng chiếm với tỷ lệ tương đương. Tức là trung bình, cứ 1 người làm công tác nghiên cứu thì có người 1 người chỉ đứng lớp mà không thực hiện nghiên cứu.

TS Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết: "Trên thế giới, việc GS không nghiên cứu vẫn làm công tác giảng dạy cũng có rất nhiều, như ở Đức. Tuy nhiên, ở Đức họ sẽ phân định thành hai nhóm trường với các chức năng, nhiệm vụ rất rõ ràng. Đối với nhóm trường thiên về ứng dụng, nhóm trường hoạt động mang tính cộng đồng, truyền đạt tri thức.. Với nhóm trường truyền đạt tri thức, GS không đòi hỏi phải thực hiện nghiên cứu mà chỉ cần thực hiện công tác giảng dạy cho thật tốt.

Còn với nhóm trường ứng dụng thì phải thực hiện nghiên cứu, bắt buộc những GS tham gia giảng dạy tại trường phải là những người vừa thực hiện kết hợp giữa nghiên cứu vừa đứng lớp giảng dạy.

Tư duy và nhận thức của họ rất rõ ràng, GS chỉ là những người đi dạy hoặc làm công tác nghiên cứu và họ được tuyển chọn vào những vị trí đó là để thực hiện công việc này. Vì thế, những người GS, PGS được tuyển chọn dù để giảng dạy lý thuyết hay làm công tác nghiên cứu khoa học, tất cả đều được coi là một nghề và phải là những người xuất sắc nhất ở từng lĩnh vực.

Những GS, PGS được tuyển chính là thương hiệu, là uy tín của chính các trường nơi họ công tác, giảng dạy.

Còn ở Việt Nam, việc phân định các nhóm trường chưa được thực hiện một cách rõ ràng và cũng chưa phân bổ được chức năng, nhiệm vụ tương ứng với thương hiệu, chất lượng của trường đó, vì thế việc đánh giá chất lượng GS, PGS mới trong tình trạng "vàng thau lẫn lộn".

Tuyển dụng GS, PGS không dựa trên thực lực, kinh nghiệm thực tế mà chủ yếu dựa vào bằng cấp, chạy theo số lượng. Có khi tuyển dụng GS, PGS còn vì mục đích tập thể, vì thành tích của trường, vì trường muốn nổi tiếng có nhiều GS... Đây chính là bất cập khiến nền học thuật của Việt Nam ngày càng bị kéo thụt lùi.

Tôi cho rằng, ở Việt Nam khi chưa làm được việc này thì, những người đang đứng lớp giảng dạy mà không thực hiện nghiên cứu chỉ nên coi là trợ giảng cho các trường chứ không cần thiết phải phong chức danh GS hay PGS", ông Hiếu cho biết.

Có bất thường

Thực tế trên khiến vị TS nhớ lại câu chuyện gây ồn ào trước đó về hiện tượng một GS phải hướng dẫn tới 44 học viên cao học của 3 ngành khác nhau hay một giáo sư được giao hướng dẫn tới 12 nghiên cứu sinh (NCS), thạc sĩ; có phó giáo sư cùng lúc hướng dẫn 9 NCS đã được công bố tại kết luận thanh tra ngành giáo dục trước đó.

TS Nguyễn Ngọc Hiếu nói thẳng, hiện tượng trên là có vấn đề không bình thường, phía sau và việc này có thể có mối liên quan trong việc thiếu nghiên cứu vẫn đứng lớp giảng dạy của nhiều GS, PGS.

"Cứ hình dung công việc của một GS là vừa phải đảm bảo giờ đứng lớp giảng dạy, lại vừa phải thực hiện nghiên cứu các đề tài khoa học để viết bài báo khoa học, vừa phải hướng dẫn các nghiên cứu sinh... Để đảm bảo cho các công việc trên đều hiệu quả và có chất lượng thì tôi cho rằng một GS chỉ nên hướng dẫn 1- 2 học viên.

Việc một GS hướng dẫn cùng lúc 10-12 học viên chỉ có thể xảy ra ở nước ngoài và với những GS cực kỳ giỏi. Còn ở Việt Nam, nếu làm được như vậy tôi e các GS phải thực hiện các hành vi gian dối như bớt giờ giảng trên lớp, ăp cắp ý tưởng nghiên cứu... hoặc có thể đó là những người có chức sắc hoặc có vị trí rất quan trọng đủ sức tác động, làm thay đổi được kết quả phong hàm cho các học viên".

Vì thế, TS Nguyễn Ngọc Hiếu lo ngại, tình trạng chạy đua làm GS, có danh nhưng không có thực lực là có và cần phải chấm dứt.

Ông nhấn mạnh, để việc phong hàm chức danh GS , PGS thật sự có chất lượng, cần phải giao cho các trường tự quyết định.

Về mặt quy định nhà nước, cũng khẳng định, GS là một chức danh phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu. GS không nghiên cứu phải trả lại danh hiệu GS.

Tác giả: Lam Lam

Nguồn tin: Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP