Kinh tế

Những thách thức lớn đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024

Xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế tại châu Âu và Trung Quốc là những rủi ro tiềm ẩn được dự đoán sẽ làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu.

Tưởng chừng 2024 sẽ là năm hạ cánh mềm đối với nền kinh tế toàn cầu khi xu hướng cắt giảm lãi suất tại nhiều khu vực ngày càng cao, những thách thức dưới đây có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực tới tăng trưởng toàn cầu.

Liệu còn quá sớm để Fed thực hiện cắt giảm lãi suất. Ảnh: Bloomberg

Leo thang căng thẳng ở Trung Đông

Xung đột Hamas-Israel đã bóp nghẹt dòng chảy dầu mỏ quan trọng, làm suy giảm tăng trưởng toàn cầu và khiến lạm phát tăng cao trở lại. Sự gián đoạn nguồn cung năng lượng vẫn chưa xảy ra nhưng rủi ro ngày càng tăng. Bên cạnh đó, căng thẳng leo thang tại Biển Đỏ với việc Mỹ, Anh và lực lượng Houthi liên tục giao tranh dự báo sẽ làm gián đoạn nguồn cung thương mại toàn cầu. Chẳng hạn, các tàu vận chuyển đã buộc phải chuyển hướng khỏi kênh đào Suez – một trong những cửa ngõ quan trọng bậc nhất khi chiếm đến 15% hoạt động thương mại và 30% lượng container toàn cầu. Thậm chí mọi thứ còn nguy hiểm hơn khi các cuộc đọ súng giữa Israel và Hezbollah được Tehran hậu thuẫn có thể diễn biến thành cuộc đối đầu trực tiếp Iran-Israel, qua đó gây rủi ro cho 1/5 nguồn cung dầu thô thế giới và các tuyến đường thương mại quan trọng. Theo một vài dự đoán, giá dầu thô có thể tăng lên 150 USD/thùng, làm giảm 1 điểm phần trăm GDP và tăng 1,2 điểm phần trăm lạm phát toàn cầu.

Fed có thể bị "đốt cháy" một lần nữa

Rủi ro có thể đến bất kỳ lúc nào nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra đợt cắt giảm lãi suất sớm. Hậu quả đã từng xảy ra vào năm 1970 với việc Chủ tịch Fed lúc đó Arthur Burns đã thay đổi chính sách quá sớm khiến cho lạm phát tái phát, buộc người kế nhiệm Paul Volcker phải có động thái thắt chặt để bình ổn giá cả. Điều này hoàn toàn có thể tái diễn do khả năng gián đoạn nguồn cung trong trường hợp xung đột Trung Đông leo thang, hoặc do các điều kiện tài chính lỏng lẻo hơn với việc lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 5 năm giảm hơn 1 điểm phần trăm so với mức cao nhất trong tháng 10.

Châu Âu rơi vào suy thoái

Nếu như nền kinh tế Mỹ đối diện nguy cơ quá nóng thì châu Âu lại ngược lại. Các Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Anh đang ở giai đoạn cuối của một trong những chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất, điều có thể khiến nền kinh tế của khu vực rơi vào suy thoái sâu sắc.

Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của khu vực đồng euro và Anh đều thấp hơn con số dự đoán của Bloomberg Economics lần lượt là 2,5% và 4,7%. Điều này bắt nguồn từ nhiều yếu tố như: đại dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine hay các chính sách tiền tệ của châu Âu vẫn chưa đạt được hiệu quả.

Trung Quốc đang gặp khó

Nền kinh tế số hai thế giới bước vào năm 2024 với tốc độ tăng trưởng giảm dần. Việc phục hồi sau đại dịch Covid-19 đã không đạt được hiệu quả đáng kể và các gói kích thích đều đặn không bù đắp được những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng bất động sản. Tuy nhiên, Bloomberg Economics cho biết Bắc Kinh sẽ có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường, đồng thời đưa ra dự báo về mức tăng trưởng 4,5% vào năm 2024 của quốc gia tỷ dân, cho dù có giảm so với năm ngoái và thấp hơn nhiều với mức trước đại dịch, nhưng có thể chấp nhận được.

Nhật Bản có nguy cơ mất kiểm soát đường cong lợi suất

Vào năm 2023, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ chính thức từ bỏ việc kiểm soát đường cong lợi suất - đặt ra mức trần đối với lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm. Kết quả của động thái trên đã lan rộng trên khắp thế giới dưới hình thức mua bán dựa trên giá trị mang theo. Theo đó, các nhà đầu tư có thể vay bằng đồng Yên mà không mất phí, sau đó mua Trái phiếu kho bạc Mỹ với lãi suất 4% hoặc trái phiếu của thị trường mới nổi có lãi suất cao hơn. Sự mất giá của đồng Yên đã đẩy lợi nhuận từ giao dịch đó cao hơn.

Theo Bloomberg Economics, BOJ sẽ thực hiện điều này vào tháng 7, duy trì chính sách phù hợp, tuy nhiên sẽ loại bỏ hoàn toàn các rào cản về lợi suất. Sự thận trọng của thị trường sẽ giúp quá trình này diễn ra suôn sẻ. Nếu đồng Yên tăng đột biến, các giao dịch mua bán mang theo sẽ giảm nhanh chóng do dòng tiền chảy ra khỏi Kho bạc Mỹ và những tài sản có lợi suất cao hơn khác. Hậu quả sẽ rất khủng khiếp do Nhật Bản đang có 4,1 nghìn tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Tác giả: Tùng Lâm

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP