Bạn cần biết

Những loại rau sống là 'ổ sán', ngon đến mấy cũng không nên ăn

Rau xanh là thực phẩm rất giàu vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, việc ăn rau xanh, đặc biệt là rau sống có thể dẫn đến việc nhiễm ký sinh trùng gây hại sức khỏe.

Rau sống thường là các loại rau như: xà lách, rau muống, cải xanh, rau đắng, cải cúc, rau má, rau thơm gia vị (húng, tía tô, húng quế…). Rau sống cung cấp cho cơ thể một lượng lớn vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng. Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Tuy nhiên, có nhiều khuyến cáo cho rằng ăn rau sống có nguy cơ cao dẫn đến nhiễm ký sinh trùng.

Các loại ký sinh trùng phổ biến trong rau sống là: Giun kim, giun móc, giun tóc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ. Thậm chí rau sống ở một số nơi còn có phẩy khuẩn tả và có thể dẫn đến tiêu chảy.

Ông N.Q.V. (42 tuổi, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đang điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) vì sán lá gan lớn và nhiễm giun lươn đường tiêu hóa. Ông V. chia sẻ với VietNamNet, ông làm nghề bán rau ở chợ, hằng ngày tiếp xúc với quá nhiều loại rau cộng với thói quen ăn rau muống chẻ nên đã vô tình bị nhiễm sán.

Hơn 1 năm trước, ông có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đau tức hạ sườn. Tại bệnh viện, bác sĩ không tìm ra tác nhân gây ra tình trạng này. Kết quả nội soi tiêu hóa không có bất thường nhưng hình ảnh chụp MRI gan có tổn thương nên bác sĩ giới thiệu ông xuống Hà Nội.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, ông được xác định nhiễm sán lá gan lớn và giun lươn đường tiêu hóa. Sau đó, ông được chuyển về Bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị ký sinh trùng.

Sau đợt điều trị đầu tiên, gần đây, ông V. tiếp tục có biểu hiện rối loạn tiêu hóa nên lại đến viện. Dù không ăn nhưng vì công việc, ông vẫn dễ nhiễm ký sinh trùng trong quá trình tiếp xúc với rau sống.

Rau sống là thực phẩm nguy cơ chứa nhiều loại ký sinh trùng. Ảnh minh họa

Tại khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị ký sinh trùng do ăn rau sống. Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân 26 tuổi đến từ Quảng Bình bị nhiễm 7 loại giun sán ký sinh trong người vì thói quen ăn rau sống.

Theo lời bệnh nhân, vì thường xuyên xuất hiện tình trạng ngứa chị chọn cách tự điều trị tại nhà. Chị tìm mua nhiều loại thuốc uống, thuốc bôi liên quan đến bệnh ngoài da và bệnh gan theo kinh nghiệm và người quen mách bảo nhưng vẫn không đỡ. Tình trạng ngứa khiến cuộc sống của chị bị đảo lộn.

Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện ở gần nhà, tình trạng không thấy thuyên giảm nên chị quyết định đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thăm khám.

Chia sẻ với Dân trí, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với 7/9 loại giun sán phổ biến: sán lá gan nhỏ, sán lợn, sán dây chó, sán lá phổi, sán máng, giun lươn và giun đũa chó, mèo.

"Bệnh nhân chia sẻ không có thói quen ăn các loại thịt sống, gỏi. Tuy nhiên, khi khai thác sâu tiền sử, bệnh nhân chia sẻ rằng, có thói quen ăn rau sống. Rau sống không được vệ sinh kỹ có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bạn nữ này nhiễm trứng giun sán", bác sĩ Thiệu cho hay.

Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, sán lá gan chủ yếu là do ăn rau sống. Ấu trùng sán lá gan ở nước và bám vào các loại rau thủy sinh như rau rút, cần, cải xoong, ngổ… một số loại rau trên cạn cũng có thể nhiễm ấu trùng nếu người trồng tưới nước bẩn.

Ấu trùng xâm nhập vào đường tiêu hóa qua ăn uống sẽ đi vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan. Sán lá gan lớn chủ yếu ký sinh ở nhu mô gan. Một số trường hợp sán lạc chỗ ký sinh ở các bộ phận khác như dạ dày, ruột, bao khớp.

Sau khi xâm nhập vào nhu mô gan, sán tiếp tục tấn công xuống đường mật và đẻ trứng. Sán ở gan có thể ký sinh hàng chục năm và gây ra các tổn thương ở gan. Ở đường mật, sán trưởng thành gây tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thậm chí ung thư biểu mô đường mật.

Hiện nay, người dân đã hạn chế phát triển mô hình vườn ao chuồng nên tình trạng rau nhiễm ký sinh trùng giảm nhưng số ca mắc ký sinh trùng không có xu hướng giảm, trong đó nhiều bệnh nhân ở thành phố.

Bác sĩ Thiệu khuyến cáo để phòng bệnh người dân tuyệt đối không ăn các loại rau thủy sinh sống đặc biệt là rau cần, ngổ, muống. Hạn chế tất cả các loại rau sống, nếu ăn tốt nhất cần rửa thật sạch.

Để đảm bảo rau sạch cần nhặt sạch rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch, tốt nhất là rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy là biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hóa chất trừ sâu vẫn còn bám trên rau. Nhiều người thường ngâm rau sống trong dung dịch thuốc tím hoặc nước muối loãng đều không đảm bảo vệ sinh. Vì theo các nghiên cứu, trong môi trường nước muối loãng, thuốc tím không có tác dụng gì với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh, lượng hóa chất bảo vệ thực vật bám trên rau giảm đi không đáng kể nếu không rửa lại nhiều lần. Như vậy nên áp dụng cách rửa rau sống bằng nước sạch nhiều lần rồi vớt rau, vẩy ráo trước khi ăn.

Tốt nhất, để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất không nên ăn rau sống mà nên chần qua. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, người bị viêm đại tràng, người bị đau dạ dày và người dễ bị cảm cúm không nên ăn rau sống.

Tác giả: Minh Hoa

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: ổ sán , Rau sống , rau xanh , thực phẩm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP