Trong nước

Nguồn năng lượng mới: Điểm gãy và thời khắc lịch sử cho Việt Nam

Thế giới đang ở điểm gẫy của quá trình chuyển đổi số. Đây là cơ hội. Cơ hội cho Việt Nam hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường.

Cơ hội hiện thực hoá khát vọng

Trong cuốn Tại sao các quốc gia thất bại, các tác giả Daron Acemoglu và James A.Robinson đã nêu ra 2 động cơ của sự thịnh vượng. Đó là công nghệ và giáo dục.

“Tăng trưởng kinh tế bền vững gần như luôn luôn đi kèm với cải tiến công nghệ, giúp dân chúng, đất đai và vốn (nhà xưởng, máy móc hiện có,... ) trở nên có năng suất cao hơn. Hãy nghĩ đến các ông bà cụ kỵ của chúng ta chỉ hơn một thế kỷ trước đây không được tiếp cận với máy bay, ô tô hay hầu hết các loại thuộc và biện pháp chăm sóc y tế mà hiện giờ ta xem là đương nhiên... Những cải tiến này có được là nhờ khoa học và những nghiệp chủ như Thomas Edison, những người áp dụng khoa học để tạo ra các doanh nghiệp hoạt động sinh lợi” - các tác giả viết.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho các nước đi sau có thể bứt phá. Ảnh: L.Bằng

Cách mạng công nghiệp đã đưa cả thế giới sang trang. Và ngày nay, ngay trong giờ phút này, chúng ta đang sống trong một thời khắc lịch sử khác có tên gọi Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: Với sự xuất hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang ở điểm gẫy của quá trình chuyển đổi số. Đây là cơ hội. Cơ hội cho Việt Nam hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường.

“Khi cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra, thì tương lai không nằm trên đường kéo dài từ quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá, nhưng phải là một tư duy mới không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong tiếp cận”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Chúng ta nói nhiều đến kinh tế số nhưng không có môi trường pháp lý thì không có kinh tế số nào phát triển được ở Việt Nam. Ví dụ ta nói Fintech nhưng không có khuôn khổ pháp lý thì không có Fintech nào hoạt động được. Có vị nói đến mâu thuẫn Grab với taxi truyền thống, đó cũng là do môi trường pháp lý chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp 4.0 hiện nay. Cho nên, phải ưu tiên làm ngay cái này mới có thể nói đến kinh tế số, xã hội số ở nước ta.

Cơ hội là khá rõ ràng. Khát vọng thịnh vượng của Việt Nam là không phải bàn cãi. Vấn đề là ứng xử ra sao, nhất là khi công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có thể “phá hủy” cái cũ, mâu thuẫn với cái cũ.

Những vụ kiện tụng kéo dài, những mâu thuẫn leo thang đến đỉnh điểm giữa Uber, Grab với taxi truyền thống, giữa Vietlott với xổ số truyền thống... giống như một phần tất yếu của quá trình chuyển đổi.

Công nghệ số sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới, thay thế mô hình kinh doanh cũ. Ví dụ Uber đang thách thức taxi, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống,... Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Vấn đề của Chính phủ là có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không. Nếu ta chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có giá trị. Bởi vậy nhiều người nói số hóa nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là công nghệ.

Cho nên, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành như Fintech, Edutech, Agritech, thường là sự sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ.

“Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất. Và đó là cơ hội của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Chậm trễ và sự trả giá

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đánh giá: Thời gian qua, Việt Nam đã nói rất nhiều về Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, tuy nhiên, kết quả là ngày hôm nay về kinh tế, xã hội, doanh nghiệp (DN) và người dân đang được hưởng lợi ích gì?

Lãnh đạo FPT cho rằng: "Bây giờ cần phải cụ thể bởi đây là cuộc đua 4.0 của các quốc gia, vấn đề tốc độ rất quan trọng. Tôi muốn nhắc lại câu nói của nhà cơ học thiên tài thời cổ Archimedes: 'Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên'. Vậy trong cuộc đua số này, cho trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam có về đích trong top 10 Cách mạng công nghiệp 4.0"?

Đồng ý với quan điểm Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội hiếm hoi thực hiện khát vọng phồn vinh dân tộc, lãnh đạo FPT nhận xét: Việt Nam có điểm sáng là dân số trẻ, tư duy logic tốt, lực lượng các nhà nghiên cứu đông đảo về AI trong nước cũng như thế giới. Chúng ta hoàn toàn đuổi kịp, đưa dân tộc vào vị thế mới. Nếu chúng ta chậm tàu công nghiệp 4.0 như ba đoàn tàu trước, cái giá mà Việt Nam phải trả rất lớn.

Ông Bình cũng cho rằng cái mới bao giờ cũng mâu thuẫn cái cũ, vì vậy nếu chúng ta không quyết liệt sẽ không thể làm được cái mới. Do đó, cộng đồng DN rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó là tập trung đầu tư nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp 4.0.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đánh giá: Hai thập kỷ qua, Việt Nam đã thành công trong việc tham gia vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, giảm đáng kể tỷ lệ nghèo. Tuy nhiên, những năm tới, công nghệ đột phá sẽ mang đến cả những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam.

Lấy Estonia làm ví dụ, Giám đốc WB Việt Nam cho hay: Quốc gia này đã khởi đầu như vậy khi bắt đầu hành trình kỹ thuật số của mình, được gọi là e-Estonia. Hệ thống này cho phép người dân Estonia thành lập doanh nghiệp chỉ trong vòng 18 phút. Với hơn 99% các dịch vụ công thực hiện trực tuyến, Estonia tự hào tiết kiệm được 800 giờ làm việc mỗi năm. Kết quả là GDP của nước này tăng thêm 2%. Chưa kể, số sinh viên theo học nghề công nghệ thông tin ở Estonia tăng gấp đôi, cao hơn mức trung bình ở các nước OECD khác.

Theo lãnh đạo WB Việt Nam, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam gia nhập nền Công nghiệp 4.0. Nhãn mác “Sản xuất tại Việt Nam” phải nhanh được thay thế bằng “Nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam”. Điều này có nghĩa là Việt Nam không chỉ tạo ra lao động chi phí rẻ, mà cũng đầu tư vào công nghiệp của tương lai.

Nhưng cho dù làm bất cứ điều gì, thì theo đại diện WB Việt Nam, chúng ta không được quên việc củng cố những nền tảng cơ sở. Để Công nghiệp 4.0 mang lại lại lợi ích cho Việt Nam, trước tiên Chính phủ phải đảm bảo một môi trường quản lý thân thiện, thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất. Điều này bao gồm duy trì ổn định vĩ mô, tăng cường khả năng thích ứng, tính bền vững, tận dụng một cách hiệu quả những công nghệ cơ bản đã tồn tại từ Công nghiệp 3.0.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP