Trong nước

Sự lựa chọn của lịch sử, hoà quyện ý Đảng, lòng dân

Năm 2018 là năm đất nước diễn ra nhiều sự kiện chính trị hệ trọng, đặc biệt liên quan đến vấn đề nhân sự. Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước giống như sự kiện tái hiện lịch sử sau 67 năm.

Nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước đánh giá đây là sự lựa chọn của lịch sử, là sự kiện trọng đại của đất nước không chỉ phù hợp xu thế thời đại mà còn hoà quyện ý Đảng với lòng dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ

Phù hợp xu thế chính trị của thời đại

Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước trên thực tế được coi là thay đổi lớn đối với hệ thống chính trị Việt Nam tại thời điểm này. Tuy nhiên, soi vào lịch sử phát triển của các nước và cả Việt Nam thì không phải chuyện mới.

Ở nước Nga và Liên Xô trước đây, người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng là người nắm chức vụ cao nhất của Nhà nước. V.I.Lê-nin, người lãnh đạo tối cao của Đảng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng dân ủy (Chính phủ) từ 1917 đến 1924. Thời kỳ 1924 - 1953, G.Xta-lin, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng. Những năm 1953-1991, các Tổng Bí thư Đảng đều là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Xô-Viết tối cao.

Sau năm 1991, các nước kiên định con đường xã hội chủ nghĩa đều có mô hình tổ chức kết hợp lãnh đạo Đảng và lãnh đạo Nhà nước. Trung Quốc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước. Cuba, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng. Lào, Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Tỉnh trưởng. Ở một số nước khác như Singapore, Nhật Bản, Campuchia hay nhiều nước ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, lãnh đạo Đảng cầm quyền cũng trực tiếp nắm bộ máy Nhà nước.

Đối với Việt Nam ta, khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ tối cao của Đảng và từ tháng 2/1951 là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến khi Người qua đời (2/9/1969).

Trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã không ngừng xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hoàn thiện hệ thống chính trị, vấn đề Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước đã có một số lần được đặt ra nhưng chưa có đủ điều kiện cần thiết. Đến nay những điều kiện về vai trò, trách nhiệm của Đảng cầm quyền và xây dựng, hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã chín muồi và đồng thuận trong Đảng, trong lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước.

Nhận định về sự kiện này, nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, sự kiện diễn ra ngày 3/10/2018 tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII giống như lại được tiếp nối, tái hiện sự kiện tháng 2/1951. Đó là sự kiện có tính quy luật của lịch sử, ngày hôm nay là sự tiếp nối tự nhiên và là kết quả phát triển tất yếu của ngày hôm qua. Cũng theo nhà báo Nhị Lê, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, kỳ vọng của Đảng, của nhân dân mà còn ghi nhận sự trưởng thành của Đảng trước trọng trách lãnh đạo dẫn dắt đất nước bước sang thời kỳ mới của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Đó cũng là tiếng vọng của lịch sử, là thách thức của lịch sử tương lai. Nói một cách khái quát, lịch sử đã lựa chọn, nhân dân đã lựa chọn. Đó cũng là sự phù hợp với xu thế chính trị của thời đại, là phương lược chính trị của nhiều quốc gia xung quanh, đáp ứng sự vận động hết sức nhanh và mạnh của một thế giới phẳng. Trên hết, đó là sự gặp gỡ của lịch sử, sự phát triển khát vọng của nhân dân đáp lại yêu cầu phát triển của đất nước và sự trưởng thành không gì cản nổi của dân tộc ta.

Nhìn nhận ở góc độ nhân sự, PGS.TS Ngô Thành Can cũng cho rằng, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước có thể coi là cuộc cách mạng về công tác nhân sự, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến việc cải cách bộ máy, đến vai trò của công tác kiểm tra, giám sát mà còn ảnh hưởng đến từng cá nhân nhận trọng trách này. Việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là tình huống đặt ra khi khuyết chức danh Chủ tịch nước nhưng tình huống này được đặt trong một dòng chảy, một thời cuộc, một tình thế cách mạng nên phù hợp với những đặc điểm của nước ta hiện nay, đó là tiến trình cải cách tinh gọn bộ máy, bố trí nhân sự và cũng phù hợp với việc tinh giản biên chế.

Tăng cường sức mạnh, hoàn thiện hệ thống chính trị

Đối với hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước đã làm sâu sắc, hoàn thiện thêm trên ba khía cạnh lớn. Đó là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và thực hiện tốt Điều 4 của Hiến pháp năm 2013. Từ năm 1945, Đảng Cộng sản trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước. Vai trò lãnh đạo đó được khẳng định trên thực tế và gắn liền với quá trình phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam, với sự phát triển của Nhà nước.

Các Hiến pháp năm 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định trong Điều 4: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đó là sự hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam có đặc trưng thứ 7 là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Sự lãnh đạo đó là nguyên tắc, không ngừng được củng cố, tăng cường, phù hợp với Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp được Nhà nước ban hành. Đảng lãnh đạo Nhà nước, quyết định về hoạt động đối nội, đối ngoại của Nhà nước; quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước; kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước; lãnh đạo quá trình Nhà nước thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng và động viên tổ chức nhân dân tham gia xây dựng và quản lý Nhà nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo và nhân dân

Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước còn làm tăng cường vị thế của người đứng đầu Nhà nước trong thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn đã được Hiến pháp quy định. Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Những quy định từ Điều 86 đến Điều 93 của Hiến pháp 2013 về vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước sẽ được thực hiện tốt hơn khi Chủ tịch nước cũng là Tổng Bí thư, trực tiếp thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt sâu sắc Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng. Thực hiện tốt hơn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Một đồng chí đảm nhiệm cả chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đòi hỏi phải có những phẩm chất, trình độ và năng lực, uy tín cần thiết để xử lý thành công cả vai trò lãnh đạo của Đảng và thực hiện quyền lực Nhà nước. Chính điều đó càng khẳng định và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện bộ máy tổ chức của Đảng và chính quyền Nhà nước các cấp và cả hệ thống chính trị mà Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đề ra và đang được thực hiện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời làm Chủ tịch nước còn thể hiện sự chú trọng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, cách thức kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực bảo đảm cho sự lãnh đạo, quản lý hiệu quả, hiệu lực cao nhất. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực. Phải từ Cương lĩnh, Điều lệ, những quy định của Đảng, kể cả quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương. Kiểm soát quyền lực bằng những quy định của Hiến pháp và pháp luật, bằng các cơ quan kiểm tra, thanh tra, của mọi cán bộ, đảng viên và của nhân dân. Ngay trong các tổ chức của bộ máy Nhà nước, lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng thực hiện sự kiểm soát. Điều đó sẽ ngăn chặn sự tha hóa quyền lực.

Nói về sự hoàn thiện hệ thống chính trị, giúp tăng vị thế của đất nước khi Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, với bản lĩnh chính trị và uy tín trong thời gian dài làm công tác đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi ông làm Chủ tịch nước thì vị thế ngoại giao của Việt Nam sẽ được nâng lên.

Tiến sĩ Nicholas Chapman, chuyên gia về chính trị châu Á thuộc Đại học quốc tế Nhật Bản phân tích: “Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước, cấu trúc chính trị Việt Nam trở nên tương thích hơn để hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Trước đây, theo thông lệ ngoại giao, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam không có một người đồng cấp ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Pháp, Anh… Với cương vị mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ có thể công du nước ngoài nhiều và các thủ tục ngoại giao cũng sẽ suôn sẻ hơn”.

Ý Đảng hợp lòng dân

Sau khi có sự đồng thuận, nhất trí cao của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XII giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước, tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIV, tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội (99,79% số phiếu) đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây cũng là nguyện vọng của 4,7 triệu đảng viên và 95 triệu người dân Việt Nam. Kết quả đó không chỉ ghi nhận quyết tâm, sự trưởng thành của Đảng, mà còn là sự thống nhất giữa quyết tâm của Đảng với ý nguyện của đông đảo nhân dân. Điều đó cũng cho thấy, ý Đảng tương hợp với lòng dân và tin tưởng rằng, dân tộc Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Đảng sẽ tiếp tục tiến lên.

Thực tế cũng chứng minh, càng ở những thời khắc khó khăn, thế nước đang lên, lòng dân kết thành một khối, vận Đảng được nhận thức, với tư cách người lãnh đạo tiếp tục được hoàn thiện. Sự tín nhiệm của hàng triệu người dân Việt Nam dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tuyệt đối tin tưởng. Trong thời khắc trọng đại của lịch sử, tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngay trong giờ phút nhậm chức đã hứa sẽ làm hết sức mình để đáp ứng ứng yêu cầu và những tình cảm mà Quốc hội và nhân dân đã dành cho ông.

Theo ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng thì: "Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân”. Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước cũng như Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy làm Chủ tịch HĐND sẽ hỗ trợ cho Đảng hiểu được dân hơn và dân cũng hiểu Đảng qua các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, làm cho ý Đảng và lòng dân hài hòa, kết hợp với nhau như Bác Hồ từng nói: Ý Đảng thể hiện lòng dân mà lòng dân cũng biểu hiện niềm tin yêu đối với Đảng.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiêu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người khởi xướng đẩy mạnh công cuộc đổi mới, chống tham nhũng. Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước thì từ chỉ đạo mang tính định hướng của Đảng đến những công tác lập pháp mang tính cụ thể của Nhà nước sẽ đồng bộ, thống nhất và đẩy nhanh được quá trình cải cách thể chế của nước ta, cũng như đẩy mạnh phòng chống tham nhũng. Tổng Bí thư là người có uy tín lớn trong Đảng, trong xã hội và trong nhân dân. Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước sẽ làm hạt nhân, nòng cốt để tập hợp đảng viên và quần chúng nhân dân.

Bà Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với Ban Chấp hành Trung ương có nhiều chủ trương đúng đắn, cả về phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội. Trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội hiện nay, Tổng Bí thư đã làm được những điều khiến người dân tin tưởng, như việc xử lý các vụ án chống tham nhũng, xây dựng nghị quyết thực hiện nêu gương người đứng đầu. Trong kinh tế, có những lĩnh vực mà từ lâu chưa được quan tâm, thì nay Đảng đã có sự quan tâm phát triển như phát triển kinh tế biển đảo... “Làm những điều đó, người dân rất yên tâm, tin tưởng tạo đà phát triển đất nước rất tốt. Việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ khiến những chủ trương đó sớm đi vào thực hiện”, bà Lan tin tưởng.

Đất nước đang bước vào một mùa xuân mới, hội tụ cả thế nước, lòng dân- những điều kiện cần và đủ để con đường chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dày công vun đắp, dựng xây phát triển tiến tới một nước Việt Nam đổi mới, hội nhập và cường thịnh.

Tác giả: Trọng Bằng

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP