Bạn cần biết

Ngày Tết Nguyên đán, chỉ nên uống bao nhiêu rượu là đủ?

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân về những điều cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Trong đó, cần đặc biệt cẩn trọng với việc uống rượu, bia trong ngày Tết.

Theo khuyến cáo của Cục y tế dự phòng, người dân không nên lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác trong dịp Tết Nguyên đán. Nếu uống rượu bia chỉ nên uống dưới 02 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 01 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần.

Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Bên cạnh đó, Cục cũng khuyến cáo người dân không điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc sau khi đã uống rượu, bia; Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên thì tuyệt đối không sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

Liên quan tới vấn đề trên, BS Nguyễn Trung Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng chia sẻ, trong dịp cận Tết Nguyên đán, các bác sĩ liên tục cấp cứu cho các ca ngộ độc rượu, viêm thận cấp, chảy máu đường tiêu hóa vì rượu. Dù đã tuyên truyền nhiều nhưng tình trạng này vẫn không đỡ.

Đáng ngại nhất là các ca ngộ độc methanol do uống phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc. Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh hoặc gây ngộ độc cấp, nguy cơ tử vong cao.


Có không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, ngoài nguy cơ tử vong, ngộ độc, uống rượu bia quá chén dẫn tới say xỉn còn là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác như gan, dạ dày, tim mạch, tâm thần… ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người uống rượu và sự phát triển kinh tế, xã hội.

Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), những ngày áp Tết cũng là lúc tình trạng bệnh nhân nhập viện lại tăng cao do tai nạn giao thông, trong đó các ca nhập viện chủ yếu liên quan đến bia rượu. Cụ thể trong dịp nghỉ Tết Dương lịch 2019 vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận gần 400 ca cấp cứu, trong đó hơn 200 ca do tai nạn giao thông. Trong đó có nhiều ca chấn thương sọ não, đa chấn thương.

Các nạn nhân đều là thanh niên, đang trong độ tuổi lao động. Nhiều bệnh nhân nhập viện mà mùi rượu bia vẫn nồng nặc, thậm chí có ca các bác sĩ không thể gây mê vì bệnh nhân say xỉn. Không chỉ gây tai nạn, say rượu bia cũng là “chất xúc tác” dẫn đến nhiều vụ đánh nhau, án mạng ngoài đường, các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng... mà cơ quan chức năng không thể thống kê đầy đủ.

Tác giả: Bảo Lâm

Nguồn tin: VietQ.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP