Giáo dục

Mạnh tay chi 749 tỷ đồng để đổi mới thi, tuyển sinh

Một nguồn tin của Tiền Phong cho biết đề án "Ðổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020 được thực hiện với kinh phí là 749 tỷ đồng.

Sau 2020, thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH sẽ có nhiều thay đổi

Kinh phí này được lấy từ các đề án đang triển khai của Bộ. Đề án này ra đời để tránh sự chồng chéo về mặt thực hiện đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp sư phạm hệ chính quy giữa các đề án mà Bộ GD&ĐT đang triển khai như đề án Ngoại ngữ 2020, chương trình ETEP (Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông), dự án RGEP (dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông).

Nguồn tin này cũng cho hay, tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 749 tỷ đồng, gồm: Năm 2018 là hơn 344 tỷ đồng, năm 2019 hơn 203 tỷ đồng và năm 2020 hơn 201 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi với tổng số tiền là hơn 266 tỷ đồng. Đối với năm 2018 dự kiến đầu tư hơn 84,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, đề án cũng chú trọng việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi và tuyển sinh, đồng thời xây dựng và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia với tổng kinh phí là 317 tỷ đồng (trong đó riêng năm 2018 kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm là 153 tỷ đồng).

Ðối với công tác tuyển sinh đề án dành kinh phí đầu tư vào phần mềm như: Năm 2018 đầu tư công tác tuyển sinh hơn 23 tỷ đồng, trong đó có 8 tỷ đồng cho phần mềm tuyển sinh điều chỉnh và 8 tỷ đồng phần mềm hỗ trợ xét tuyển trực tuyến. Năm 2019 chi phí cho công tác tuyển sinh hơn 14,2 tỷ đồng, trong đó vận hành và nâng cấp phần mềm là 7 tỷ đồng. Năm 2020 vận hành, nâng cấp phần mềm tuyển sinh 6 tỷ đồng…

Cùng với việc tổ chức thi, tuyển sinh trong ba năm, đề án của Bộ GD& ÐT cũng xác định từng bước xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa chất lượng và đủ số lượng, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính từ năm 2021.

Việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và các phần mềm cũng được triển khai chuẩn bị cho thi trên máy tính từ năm 2021 nếu điều kiện cho phép; xây dựng hệ thống 24 trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia…

Theo tính toán của Bộ GD&ÐT, việc tổ chức thi THPT quốc gia từ năm 2021 trên máy tính tại các trung tâm trên giúp thí sinh ở các tỉnh, thành phố lân cận có thể dễ dàng tham gia dự thi, giảm đến mức thấp nhất chi phí ăn, ở, đi lại mà vẫn bảo đảm quá trình thi diễn ra an toàn, minh bạch và hiệu quả.

Trước đó, tại công văn số 4462 về việc tổ chức kỳ thi THPT QG và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính qui năm 2018 gửi các Sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, các trường ĐH, các trường cao đẳng đào tạo giáo viên, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an).

Trong công văn này, Bộ GD&ĐT khẳng định sau 3 năm thực hiện đổi mới, đến nay, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc ga và tuyển sinh ĐH, CĐ đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình, đánh giá cao. Do vậy, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong các năm tới giữ ổn định như năm 2017.

Trong văn bản này, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, trong các năm 2018, 2019, 2020 việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017.

Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.

Tác giả: Nghiêm Huê

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG