Nhân ái

Mang sinh kế cho người nghèo

Thay vì hỗ trợ bằng tiền, Đại úy Nguyễn Trung Hải đã phát động mô hình mang “cần câu cơm” cho người nghèo bằng những cặp dê giống để người dân tự lực cánh sinh. Bằng những “cần câu cơm” thiết thực, nhiều gia đình đã chăm chỉ làm ăn và có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Đại úy Nguyễn Trung Hải thăm và hướng dẫn bà Đàm Thị Bình chăm sóc phát triển đàn dê

Giúp “cần câu cơm”

Chiều muộn trên cánh đồng cỏ xanh bát ngát xã Quảng Hiệp (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi bắt gặp bà Đàm Thị Bình (trú tại thôn Hiệp Đạt, xã Quảng Hiệp) cặm cụi cắt từng bó cỏ gánh về cho đàn dê. Nhẹ nhàng đưa cỏ vào chuồng, bà Bình vuốt ve từng con dê trong đàn. Ánh mắt bà lấp lánh niềm hạnh phúc khi nhìn những chú dê béo tốt đang say sưa gặm cỏ. Đối với bà, những con vật này không chỉ là tài sản quý giá mà còn là biểu tượng cho sự thay đổi tích cực trong cuộc đời mình.

Bà Bình kể, trước đây cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, chỉ dựa vào mảnh đất nhỏ cằn cỗi phía sau nhà trồng bắp, trồng sắn. Sau biến cố chồng mất do tai nạn giao thông, cuộc sống mẹ con bà càng thêm chật vật, khó chồng khó. Bản thân bà bị mờ một mắt nên không đủ sức để làm các công việc thuê mướn. Năm 2018, Đại úy Nguyễn Trung Hải (nhân viên quân sự địa phương, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar) đến thăm và trao tặng 2 con dê giống cho bà để phát triển kinh tế gia đình.

“Những con dê này như món quà vô giá, giúp tôi có thêm nguồn thu nhập để nuôi các con”, bà Bình xúc động chia sẻ. Từ đó, bà Bình chăm sóc và nuôi dưỡng 2 con dê cẩn thận. Với sự chăm chỉ và tận tâm, từ 2 con dê giống đã sinh sản cho gia đình bà một đàn dê. Nhờ đó, mẹ con bà Bình có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống dần ổn định. “Tôi chăm sóc đàn dê cẩn thận nên đàn dê phát triển rất tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”, bà Bình vui mừng nói.

Nhờ có nguồn thu nhập từ đàn dê, bà Bình dần cải thiện cuộc sống gia đình. Bà có thể lo cho 2 con ăn học đầy đủ và dần vượt qua được cái nghèo. Bà Bình khoe, nhờ có tiền bán dê nên mua được 2 chiếc xe đạp điện cho 2 con đi học.

“Từ một gia đình phải chạy ăn từng bữa, nay mẹ con tôi đã có cuộc sống ổn định, có xe để các con tự đi học. Tôi thầm cảm ơn Đại úy Nguyễn Trung Hải đã tạo điều kiện để gia đình có điều kiện vươn lên”, bà Bình bày tỏ.

Lan tỏa cách làm hay

Những năm qua, Đại úy Nguyễn Trung Hải đã trao tặng hàng chục con dê giống cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Cư Mgar. Nhờ có “cần câu cơm” trong tay, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Như gia đình cựu chiến binh Tưởng Xuân Ứng (xã Ea Mdroh, huyện Cư Mgar) được Đại úy Nguyễn Trung Hải hỗ trợ cặp dê giống từ năm 2018.

Đến nay gia đình ông đã có hẳn một đàn dê và vươn lên thoát nghèo. Sau khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông Tưởng Xuân Ứng đã tặng lại 2 con dê giống cho hộ nghèo khác, đồng thời hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc để bà con cùng vươn lên thoát nghèo.

Nói về việc mang “cần câu cơm” cho người nghèo, Đại úy Nguyễn Trung Hải cho hay, quá trình làm công tác xã hội thấy nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vì không biết phát triển kinh tế nên luôn nằm trong diện nghèo bền vững của địa phương. Do đó, năm 2016 anh quyết định thay đổi cách hỗ trợ người nghèo bằng cách trao “cần câu cơm” để họ tự lực vươn lên thoát nghèo.

“Tôi vận động các nguồn hỗ trợ trao cho người dân con giống, đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc để người dân có sinh kế, tự vươn lên bằng chính đôi tay của họ”, Đại úy Nguyễn Trung Hải chia sẻ.

Bà Lê Thị Ngân Thảo, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cư Mgar, đánh giá, mô hình trao tặng con giống cho người nghèo của Đại úy Nguyễn Trung Hải là cách làm thiết thực, giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Thời gian qua, Đại úy Nguyễn Trung Hải đã hỗ trợ, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân tự vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Từ cách làm ý nghĩa của Đại úy Nguyễn Trung Hải, hiện nay mô hình mang “cần câu cơm” cho người nghèo đã được hưởng ứng, lan tỏa ở nhiều nơi.

Đại úy Phan Lê Anh, Chính trị viên Đại đội Kho vũ khí đạn (Phòng Hậu cần kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hiện nay, đơn vị anh cũng đang triển khai mô hình trao “cần câu cơm” cho người nghèo trên địa bàn huyện Krông Pắk. Trong đó, anh áp dụng hình thức trao con giống là chim cút.

“Tôi đã học hỏi, thử nghiệm về mô hình nuôi chim cút. Đây là vật nuôi dễ chăm sóc, khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới, tôi sẽ trao cho gia đình các hộ nghèo mỗi hộ 150 con giống và hướng dẫn chăm sóc. Nếu các gia đình cố gắng chăm chỉ thì những con giống này có thể mang lại nguồn thu nhập đáng kể để họ tự phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển xã hội”, Đại úy Phan Lê Anh kỳ vọng.

Tác giả: MAI CƯỜNG

Nguồn tin: sggp.org.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP