Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern trong cuộc gặp gỡ đại diện cộng đồng Hồi giáo tại Trung tâm tị nạn Canterbury. Ảnh: AP |
50 người đã thiệt mạng và 42 người khác bị thương trong vụ xả súng hàng loạt tại hai nhà thờ Hồi giáo Al Noor và Linwood ở thành phố Christchurch. Thảm kịch này dấy lên một mối quan tâm mới về luật súng đạn ở New Zealand.
Tối 16/3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố: “Luật súng của chúng tôi sẽ thay đổi”, ám chỉ khả năng thực thi một lệnh cấm súng bán tự động. Bà Ardern cho biết sát thủ Brenton Tarrant đã xin được giấy phép sở hữu súng từ tháng 11/2017 và bắt đầu mua súng hợp pháp từ tháng 12/2017. Tên này đã sử dụng tới 5 khẩu súng, trong đó có 2 khẩu súng trường bán tự động, trong vụ tấn công đẫm máu vừa qua.
Người New Zealand không có quyền sở hữu súng được hiến định như ở Mỹ, đảo quốc này duy trì luật súng nghiêm ngặt hơn so với Mỹ, nhưng được cho là "thoải mái" hơn nhiều nước phát triển phương Tây khi vẫn có một số lỗ hổng, đặc biệt là vấn đề đăng ký vũ khí và quy định về vũ khí bán tự động. Những lỗ hổng này đã dẫn đến nhiều cuộc tranh luận: Một số chủ sở hữu súng không muốn xây dựng luật cứng rắn hơn, trong khi giới cảnh sát lại xem khung pháp lý hiện tại là “chắp vá” - theo báo cáo của công ty truyền thông Stuff ở New Zealand.
Một lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở Christchurch trên bãi biển Takapuna. Ảnh: NZHerald |
Theo tờ Vox, nhà chức trách New Zealand không nắm được chính xác có bao nhiêu vũ khí được sở hữu hợp pháp và bất hợp pháp tại nước này, nhưng ước tính con số khoảng 1,2 triệu khẩu súng thuộc sở hữu dân sự, trung bình khoảng bốn người sở hữu một khẩu súng. Tỉ lệ đó đặt quốc gia này vào Top 20 nước đứng đầu thế giới về quyền sở hữu súng dân sự. Mặc dù vẫn còn thua xa Mỹ, nơi mỗi người dân có trung bình hơn một khẩu súng, nhưng tỉ lệ sở hữu súng ở New Zealand vẫn cao hơn so với nước láng giềng Australia, với 3,15 triệu khẩu, trung bình 8 người/khẩu.
Tuy nhiên, New Zealand có mức độ bạo lực súng đạn rất thấp - một phần là do những hạn chế đối với súng. Dù vậy, trước những lỗ hổng về đăng ký súng và kết cục đẫm máu của cuộc tấn công khủng bố tại Christchurch, đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi siết chặt luật pháp về súng.
Luật súng New Zealand hiện hoạt động như thế nào
Theo giải thích từ Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, hệ thống quản lý súng của New Zealand chủ yếu tập trung vào cấp phép, nhưng không phải lúc nào cũng đòi hỏi đăng ký vũ khí.
Dãy súng trường trong nhà một người sưu tập súng ở New Zealand. Ảnh: ABC News |
Ở New Zealand, trước tiên mọi người phải xin giấy phép để mua và sở hữu súng hợp pháp. Người nộp đơn xin giấy phép được kiểm tra hồ sơ tội phạm, tiền sử bạo lực, tiền sử sử dụng ma túy, rượu và mối quan hệ với những người nguy hiểm tiềm tàng, cùng những yếu tố khác. Người nộp đơn cũng phải trải qua một khóa học về an toàn vũ khí. Tất cả quá trình này thường mất vài tháng.
Khi một người vượt qua quy trình trên, anh ta được phép mua súng và đạn - mặc dù một số loại vũ khí như súng cầm tay và súng trường bán tự động, vẫn đòi hỏi phải có chứng thực của cảnh sát và giấy phép riêng để mua. Ngoài ra còn có thêm yêu cầu về lưu trữ vũ khí và kiểm tra.
Các loại giấy phép phải được gia hạn 10 năm một lần và cảnh sát có thể thu hồi giấy phép của một người nếu người đó được cho là không còn phù hợp với quyền sở hữu súng và có nguy cơ gây ra mối đe dọa.
Những người bán súng cũng được cảnh sát cấp phép và quản lý.
Khẩu súng trường bán tự động mà tay súng sử dụng khi tấn công nhà thờ Al Noor ở Christchurch. Ảnh cắt từ clip |
Tuy nhiên, không giống như các hệ thống quản lý súng khác, súng đạn ở New Zealand buộc phải cấp phép trước khi mua và sở hữu, nhưng không phải lúc nào cũng buộc phải đăng ký sau khi sở hữu. Điều này có thể dẫn đến những tình huống kỳ lạ, khi một khẩu súng chỉ cần được sửa đổi một chút để không cần phải đăng ký.
Chẳng hạn, theo luật, một số loại súng trường bán tự động - thường được gọi là vũ khí tấn công - bắt buộc phải đăng ký là súng trường bán tự động quân sự (MSSA). Nhưng những vũ khí bắt buộc phải đăng ký và những loại không cần đăng ký có khi chỉ khác nhau một chút và khá kỳ quặc: Ví dụ, chỉ cần nhét một ổ đạn có dung lượng thấp hơn vào khẩu súng trường tấn công AR-15 là có thể khiến vũ khí này không cần thiết phải đăng ký.
Băng đạn của súng trường AR-15. |
Người ta cũng có thể “chế” thêm một số bộ phận nhất định cho MSSA. Trong khi đó, đối với những vũ khí không phải MSSA, người sở hữu có thể sửa đổi cho nó trở nên nguy hiểm hơn, giống như MSSA, mà không phải trải qua các rào cản pháp lý gắn với MSSA.
Cảnh sát New Zealand từ lâu đã lo ngại rằng những lỗ hổng và sơ hở sẽ giúp những đối tượng xấu có thể dễ dàng sở hữu súng hơn. Hiện vẫn chưa rõ đó có phải những gì mà sát thủ ở Christchurch đã lợi dụng hay không, mặc dù hắn ta đã có súng một cách hợp pháp theo khẳng định của giới chức.
Trên thực tế, luật súng của New Zealand đã trải qua những thay đổi đáng kể kể từ vụ xả súng hàng loạt năm 1992 dẫn đến những cải cách quan trọng. Tiếp đó, những sửa đổi được thông qua vào năm 2012 đã làm rõ một số quy định về vũ khí tấn công đã đăng ký, nhưng những thay đổi này vẫn nhỏ và chủ yếu là về kỹ thuật.
Trong thời gian tới, luật súng New Zealand nhiều khả năng sẽ được siết chặt thêm một bước nữa để ngăn ngừa những vụ bạo lực súng đạn làm rúng động hòn đảo yên bình này. Ngày 18/3, Thủ tướng Jacinda cho biết Nội các New Zealand đã nhất trí "trên nguyên tắc" về một luật sở hữu súng đạn chặt chẽ hơn.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo Tin tức