Kinh tế

Luật sư lên tiếng về những "lùm xùm" liên quan công ty Hương Vang - chủ sở hữu thương hiệu Vodka Men

Những vấn đề xoay quanh những tranh chấp quyền sở hữu và cổ phần giữ ông Phạm Kinh Kha và các cổ đông chiếm 52% cổ phần tại công ty Hương Vang mà Pháp luật Media đã thông tin, mới đây PV có cuộc trao đổi với L.S Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC về vấn đề này.

L.S Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC


P.V: Thưa ông, việc ông Kha ngụy tạo sổ cổ đông, tự ý nâng cổ phần của mình và giảm cổ phần của người khác, theo ông, ông Kha vi phạm điều nào của Bộ luật Hình sự? Việc ngụy tạo này gây thiệt hại, bất lợi như thế nào cho đương sự và cổ đông?

L.S Trương Thanh Đức: Vi phạm trên đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các cổ đông khác. Đó là việc gây chậm trễ, cản trở cho hoạt động tổ chức các cuộc họp và thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông, triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị điều hành khác của công ty.

Hành vi làm giả Sổ cổ đông có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 341 về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào làm giả tài liệu hoặc giấy tờ khác của tổ chức hoặc sử dụng tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Nếu phạm tội với các mức độ nghiêm trọng hơn thì có thể bị xử phạt tối đa đến 07 năm tù.

P.V: Tuy là công ty cổ phần nhưng với việc nâng khống cổ phần của mình từ 43% lên 70% cùng với việc em trai Kha đang nắm giữ 5%, thông thường Kha sẽ tạo được lợi thế tâm lý như thế nào với các cơ quan tư pháp và cơ quan quản lý?

L.S Trương Thanh Đức: Trong công ty cổ phần thì cổ đông có vai trò quyết định cao nhất dựa trên tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần. Với số liệu sai trái cơ bản về sở hữu vốn như vậy mà xuất trình trước Tòa án và các cơ quan chức năng khác thì chắc chắn sẽ gây ra việc nhận định về tình hình và xử lý sai về kết quả, vì cho rằng nhóm cổ đông của ông Kha làm đúng luật và có toàn quyền quyết định mọi vấn đề trong công ty.

Cụ thể, nhóm cổ đông từ chỗ sở hữu thiểu số, không có vai trò quyết định trong công ty, nhung khi mạo nhận là nhóm cổ đông chiếm tới 75%, thì thừa điều kiện để quyết định mọi vấn đề của công ty, từ việc bình thường cho đến việc hệ trọng nhất như thay đổi hoàn toàn Điều lệ hay thậm chí giải thể công ty.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng như 2020 và tôi đã nghiên cứu Điều lệ của Công ty cổ phần Hương Vang thì nhóm cổ đông sở hữu 75% (thậm chỉ chỉ cần 65%) số cổ phần sẽ có quyền biểu quyết là đã tự mình quyết định được mọi vấn đề mà không cần phải có sự đồng ý của các cổ đông còn lại.

P.V: Báo cáo cơ quan thuế năm 2020 của Công ty cổ phần Hương Vang ghi nhận: tài sản của Hương Vang có khoảng 400 tỷ đồng nhưng mới đây, trả lời báo chí, người đại diện của ông Kha khẳng định ‘không còn tài sản để bàn giao’ (bao gồm kho hàng trị giá khoảng 140 tỷ đồng của công ty Hương Vang Kha đã bán nhưng không chuyển tiền về công ty Hương Vang mà chuyển về công ty do cá nhân Kha và người thân của Kha sở hữu - PV). Theo ông, đây là dấu hiệu của tội chiếm đoạt tài sản hay tham ô tài sản?

L.S Trương Thanh Đức: Nếu tài sản công ty đang là 400 tỷ đến nay mất hết, mà không vì bất khả kháng hay lý do chính đáng nào khác thì có khả năng đã xảy ra những vi phạm nghiêm trọng. Mức độ nhẹ thì có thể là có lỗi trong việc để tài sản bị hư hỏng, thất thoát. Mức độ nặng thì có thể là hành vi trục lợi, móc nối, tẩu tán dưới hình thức nào đó và không loại trừ hành vi phạm pháp luật chiếm đoạt tài sản bằng cách thức tẩu tán bất hợp pháp hoặc biển thủ, tham ô tài sản.

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý thì chỉ cần chiếm đoạt số tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì đã có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại Điều 353 về “Tội tham ô tài sản”, Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu chiếm đoạt tài sản có trị giá từ 100 đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên thì có thể bị xử phạt ở khung cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

P.V: Trường hợp cơ quan điều tra kết luận ông Kha chiếm đoạt tài sản của cổ đông và công ty Hương Vang thì trách nhiệm của những người giúp ông Kha thực hiện hành vi này (như em gái ông Kha, thuộc cấp của Kha) sẽ bị xử lý ra sao?

L.S Trương Thanh Đức: Nếu người quản lý doanh nghiệp, đồng thời là người đại diện theo pháp luật và chịu trách nhiệm chính chiếm đoạt số tài sản lớn như vậy, thì những người thân thuộc hay cán bộ, nhân viên dưới quyền rất có thể là những người đồng phạm với các vai trò khác nhau như người thực hành, người xúi giục, người giúp sức, thậm chí không loại trừ là người tổ chức theo quy định tại Điều 17, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, luật cũng quy định: Người lỡ bị lôi kéo vào việc phạm tội mà tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra thì sẽ được hưởng chính sách khoan hồng theo quy định tại Điều 3 về “Nguyên tắc xử lý”, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: baophapluat.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP