Giáo dục

Luật Giáo dục có bỏ quên học sinh khuyết tật?

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền cho rằng Luật Giáo dục (sửa đổi) chưa thỏa đáng, đang bỏ quên học sinh dân tộc và khuyết tật.

Sáng 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Các đại biểu có nhiều băn khoăn về vấn đề chất lượng chương trình giảng dạy, sách giáo khoa...

Chưa có chương trình phù hợp cho học sinh khuyết tật

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng dự thảo luật giáo dục chưa thỏa đáng, chưa thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng và tinh thần Công ước về quyền của người khuyết tật.

Theo bà Hiền, Nghị quyết 29 của Trung ương quy định việc biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hỗ trợ dạy và học phải phù hợp từng đối tượng học, chú ý đến học sinh dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật.

"Các quy định về ngôn ngữ, chữ viết, sách giáo khoa hoàn toàn chưa đề cập gì đến việc bảo đảm tiếp cận giáo dục của người khuyết tật trên khía cạnh ngôn ngữ, chữ viết, sách giáo khoa phù hợp", nữ đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Hà Nam cũng phân tích phạm vi sách giáo khoa không đề cập sách nói, chữ nổi cho người khiếm thị, khiếm thính. Phạm vi ngôn ngữ, chữ viết chỉ gồm tiếng Việt, ngoại ngữ, tiếng nói và chữ viết của dân tộc thiểu số mà chưa đề cập ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khuyết tật.

"Tôi cho rằng sửa đổi Luật Giáo dục chính là cơ hội quý báu, cơ hội 'vàng' để thực hiện sự điều chỉnh hợp lý về chính sách, thông qua việc tạo thuận lợi cho học chữ nổi, chữ viết in thay thế, ngôn ngữ ký hiệu, các phương tiện và hình thức giao tiếp khác", bà Trần Thị Hiền nói.

Bà phân tích thêm chỉ có phát triển mạnh giáo dục hòa nhập, đặc biệt là ở khía cạnh trang bị kiến thức, kỹ năng giáo dục hòa nhập cho đội ngũ giáo viên mới là cách tốt nhất tôn trọng tiềm năng phát triển của trẻ em khuyết tật

Điều này giúp đưa học sinh ra khỏi thế giới nghèo nàn, mặc cảm, tự ti và giảm thiểu định kiến về người khuyết tật trong những thế hệ tương lai.

Nên phát động cuộc thi viết sách giáo khoa?

Đại biểu Cao Đình Thưởng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Phú Thọ, cho rằng mục tiêu của giáo dục là đổi mới căn bản, sâu sắc, toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, nhiều cử tri hỏi đại biểu thế nào là căn bản, sâu sắc, toàn diện giáo dục? Câu hỏi đó chưa có trả lời thỏa đáng.

Ông Thưởng nhận định hiện nay, chất lượng giáo dục chưa cao, rất chậm đổi mới, nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm, chưa chú trọng dạy kỹ năng sống, đào tạo làm người, hướng nghiệp.

"Chương trình sách giáo khoa quá nặng, học sinh khó tiếp thu. Chúng ta hình như đang phức tạp hóa các vấn đề đơn giản. Học sinh lớp 1 chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc, viết. Học sinh phổ thông chỉ cần học kiến thức phổ thông, chúng ta đang hàn lâm hóa kiến thức đó. Những điều rất đơn giản trở thành phức tạp nên học sinh khó tiếp thu", ông Cao Đình Thưởng đánh giá.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ). Ảnh: Quochoi.vn

Cũng theo ông Thưởng, vấn đề này có nguyên nhân từ người lớn. Người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào trẻ, khiến việc học tập trở thành áp lực quá lớn, trẻ sợ học, chán học.

Về chương trình sách khoa, Phó trưởng đoàn đại biểu Phú Thọ khẳng định cần phải rà soát điều chỉnh kỹ lưỡng. Theo ý kiến của cử tri, nhiều giáo viên, phụ huynh, phải có chương trình sách giáo khoa thống nhất.

Sách giáo khoa phải được thẩm định chặt chẽ, nội dung tinh gọn, mang bản sắc Việt Nam và hiện đại theo chuẩn quốc tế. Chương trình phổ thông phải hiện đại, dễ hiểu, dễ dạy, học. Người viết sách giáo khoa phải thực sự giỏi và am hiểu sâu sắc về nội dung, chương trình và tâm lý sư phạm.

"Nên chăng phát động cuộc thi viết sách giáo khoa trong giáo viên phổ thông để chương trình sách giáo khoa không bị hàn lâm, giáo sư hóa, tiến sĩ hóa? Nếu quá nhiều bộ sách giáo khoa thì rất khó quản lý, khó lựa chọn, khó dạy thống nhất và rất dễ dẫn đến loạn sách giáo khoa", ông Thưởng đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nhìn nhận về chương trình sách giáo khoa, đề nghị cần quy định cụ thể dự thảo luật dung lượng nội dung do địa phương biên soạn.

Bà đồng tình với quy định mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa nhưng đề nghị nghiên cứu cụ thể quy định về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, quy trình thẩm định cụ thể, chi tiết hơn.

Tác giả: Thắng Quang

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP