Thế giới

Long Tranh Hổ Đấu - Kungfu Hong Kong thời oanh liệt còn đâu

Lý Tiểu Long từng biến kungfu thành cơn sốt toàn cầu, nhưng ngày nay tại chính quê hương của ông, thanh thiếu niên yêu thích Pokemon Go hơn võ thuật truyền thống.

Tượng Lý Tiểu Long tại Đại lộ Ngôi sao ở Hong Kong. Ảnh: AFP

Hong Kong của năm 1955, đường phố đầy những nhóm côn đồ địa phương, cậu bé Lý Tiểu Long 14 tuổi bắt đầu học võ sau vài trận thua trong những cuộc chiến trên đường.

Hong Kong bấy giờ cũng sôi động với rất nhiều lò dạy võ, từ những phương thức đánh giáp lá cà cho đến cách sử dụng những loại vũ khí như cửu long đại xoa.

Cú đấm 1 inch, đòn cước siêu tốc

Đến năm 1973, những chiêu thức như “cú đấm 1 inch” hoặc “đòn cước siêu tốc” thụ giáo từ sư phụ Diệp Vấn đã đưa Lý Tiểu Long lên hàng ngôi sao quốc tế qua bộ phim Enter The Dragon (Long Tranh Hổ Đấu).

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, kungfu - thứ võ thuật Lý Tiểu Long góp phần quảng bá nên, loại hình văn hóa đã làm nên hình ảnh Hong Kong gai góc và độc đáo - đang bị công chúng lãng quên, theo tờ The New York Times ngày 22/8.

Trường dạy Vịnh Xuân quyền Wan Kam Leung tại Du Ma Địa. Ảnh: The New York Times


Khác với năm 1955, đường phố Hong Kong của năm 2016 đã an toàn hơn, những cuộc chém giết của Hội Tam Hoàng không còn nhiều. Trong khi đó, ở thành phố có giá bất động sản cao bậc nhất thế giới như Hong Kong, không dễ để có các võ sư có thể trang trải chi phí thuê võ đường.

Đã qua rồi thời “võ thuật là phần quan trọng trong đời sống văn hóa và giải trí”, theo nhận định của Mak King Sang Ricardo, người nghiên cứu lịch sử võ thuật tại Hong Kong. “(Đã qua rồi cái thời) người ta đến võ đường sau giờ làm việc, cùng nhau chuẩn bị bữa tối và luyện võ tới khuya”, theo ông Mak.
Từ võ đường xuống... công viên

Trong bối cảnh thanh thiếu niên đang chạy theo các trò chơi điện tử như Pokemon Go hơn là luyện võ, các võ sư kỳ cựu lo rằng võ thuật Hong Kong đang đối diện tương lai ảm đạm. “Thời nay, có khi người nước ngoài còn còn ưa chuộng võ thuật Trung Hoa hơn là người tại quê hương của nó”, võ sư Vịnh Xuân quyền Leung Ting (69 tuổi) nói. Ông dẫn ra rằng các học trò cũ của môn phái này đã mở hơn 4.000 trường dạy Vịnh Xuân quyền ở 65 quốc gia, nhưng chỉ có 5 trường tại Hong Kong.

Các võ sinh nước ngoài trong một võ đường ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters


Không khí ảm đạm có thể cảm nhận ở quận Du Ma Địa trong khu Cửu Long. Có rất ít võ đường còn hoạt động; Tony Choi, 22 tuổi, một người dân ngay trong quận, nói rằng anh chưa từng có ý định thử vào võ đường nào.

Lặng lẽ Du Ma Địa

Vậy mà Du Ma Địa từng là “kinh đô” của kungfu hồi thế kỷ trước, con đường Nathan đầy các cửa hiệu mỹ phẩm và thuốc ngày nay từng là nơi Lý Tiểu Long theo học Vịnh Xuân quyền từ Diệp Vấn.

Ngay cả những thanh niên muốn học võ cũng không chọn võ thuật Trung Hoa. Valerie Ng, một sinh viên 20 tuổi, nói rằng cô thích boxing Thái hơn vì nó “hấp dẫn” và không cần tốn quá nhiều thời gian để tập thành công. Cũng theo cô, các võ sư võ thuật Trung Hoa thường không có cơ bắp và trông hơi “tròn trịa”.

“Bạn có thể thấy boxing Thái gay cấn như thế nào trong các trận đấu. Nhưng ít khi tôi thấy các trận đấu như vậy với võ thuật Trung Hoa, nên tôi tự hỏi không biết các võ sư có giỏi thật hay không”, Ng cho biết.

“Võ thuật Trung Hoa không phải để đánh nhau. Võ thuật là sự kiên nhẫn và chăm chỉ”, võ sư Mak Che Kong (60 tuổi) nói. Dù vậy, ông Mak vẫn phải thừa nhận tình hình ảm đạm của võ thuật Trung Hoa hiện nay. Ông hiện có gần 20 học trò - hầu hết đều trên 40 tuổi - so với con số 40 người của vài năm trước.

Ông phải đến dạy ở các đảo khác nhau của Hong Kong, vì “học trò sẽ không chịu học nếu họ phải đi xa”. Và thay vì những võ đường tôn nghiêm như thường thấy trong các phim võ thuật Hong Kong, võ sư Mak dạy võ thuật ở bến tàu hoặc công viên, võ đường của ông đã phải đóng cửa do không trả nổi tiền thuê mặt bằng quá cao.

Những năm 1960, sư phụ được coi như cha trong khi học trò đều có lòng tôn kính sâu sắc đối với võ thuật. Đó là thời các võ sinh có thể dành nhiều tháng trời để tập đứng tấn. “Còn ngày nay, nếu bắt bọn học trò đứng tấn trong một buổi học, chúng nó sẽ không bao giờ quay lại nữa”, ông Mak nói.

Võ sư Mak Che Kong hướng dẫn cho các võ sinh tại một công viên ở khu Cửu Long. Ông đã phải đóng cửa võ đường của mình do tiền thuê mặt bằng quá cao. Ảnh: The New York Times


Cuộc "hành hương" về Trung Quốc?

Võ thuật Trung Hoa đã có nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, nhưng đặc biệt nở rộ cách đây 100 năm khi Quốc Dân đảng cổ súy bộ môn này nhằm nâng cao tinh thần dân tộc của người Trung Quốc. Khi Quốc Dân đảng thất bại ở đại lục năm 1949, chính quyền tìm cách kiểm soát hoạt động võ thuật. Trong những thập kỷ đó, các võ sư từ đại lục đã chạy trốn đến Hong Kong - khi ấy còn là thuộc địa của Anh.

Đến thập niên 1970, kungfu trở thành "cơn sốt" trên toàn cầu, nhờ vào những bộ phim của Lý Tiểu Long hoặc loạt phim truyền hình Kung Fu - một trong những chương trình truyền hình ăn khách nhất tại Mỹ.

Hiện nay, dù danh tiếng đã suy giảm, thể loại phim võ thuật vẫn ảnh hưởng cả thế hệ đạo diễn như Quentin Tarantino hoặc Lý An. Võ thuật Trung Hoa vẫn xuất hiện trong các bộ phim hành động hài của Thành Long, trong khi Diệp Vấn vẫn là nguồn cảm hứng trong các phim của Vương Gia Vệ, Diệp Vỹ Tín...

Poster phim Nhất đại tông sư của đạo diễn Vương Gia Vệ, lấy cảm hứng từ cuộc đời võ sư Diệp Vấn.


Tại Trung Quốc đại lục ngày nay, võ thuật truyền thống đang chứng kiến một cuộc phục hưng khi chính quyền quyết định chuẩn hóa và quảng bá bộ môn này để kích thích tinh thần dân tộc. Võ thuật được đưa vào trường trung học dưới hình thức một môn thể thao là wushu.

Ở Hong Kong, một vài người hy vọng chính quyền sẽ hỗ trợ để vực dậy nền võ thuật ở đây, trong khi một số người khác đang tìm cách của riêng họ để nối tiếp truyền thống.

Li Zhuangxin, với bề ngoài của một nam sinh 17 tuổi chỉn chu, cho biết cậu đã tập Vịnh Xuân quyền được 4 năm. Bài học võ thuật đầu tiên của Li là vào năm 8 tuổi, do chính ông của cậu dạy cho. Li hy vọng sẽ mở được một võ đường, có thể là ở đại lục, nơi nhu cầu cao hơn và giá thuê mặt bằng rẻ hơn.

Còn hiện tại, Li vừa thành lập được một câu lạc bộ võ thuật trong trường cấp 3 của mình. Dẫu cho không nhiều bạn của cậu từng nghe về Vịnh Xuân quyền, nam sinh 17 tuổi vẫn đầy quyết tâm truyền đạt “sự tập trung và ý chí của võ thuật” đến các bạn, những người “chỉ mê mẩn những trò chơi trên điện thoại”.

Tác giả bài viết: Phương Thảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP