Giáo dục

Lo bị xử phạt, nhà giáo không toàn tâm toàn ý với công việc

Thực hiện như dự thảo xử phạt hành chính trong giáo dục, giáo viên sẽ tự buông xuôi vì còn phải giữ thế an toàn cho mình.

Gần 40 năm dạy học THCS, thầy giáo Trang Văn Lộc ở Ninh Thuận chia sẻ góc nhìn về dự thảo xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến.

Dư luận xôn xao dự thảo xử phạt hành chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tôi nghĩ dự thảo xuất phát từ hiện tượng phản giáo dục, xúc phạm nhân phẩm người học. Ví dụ cô giáo mắng chửi học viên theo ngôn ngữ “chợ búa” tại trung tâm dạy thêm Anh Ngữ, hay nhiều vụ bạo hành trẻ em ở cơ sở mầm non... Đó là phản ứng kịp thời nhằm ngăn chặn, răn đe, dẹp bỏ hiện tượng nói trên.

Nhưng nội dung dự thảo, điều 32 quy định: Phạt 10 đến 20 triệu đồng với hành vi xúc phạm, nhân phẩm danh dự người học; phạt 20 đến 30 triệu đồng với hành vi xâm phạm thân thể người học. Vô tình hay hữu ý, dự thảo “bắn” nhầm đối tượng. Người học, người dạy bao hàm cả thầy và trò trong hệ thống giáo dục. Phạt tiền, cảm giác giáo dục quá sòng phẳng, biến thành nghề dịch vụ, kinh doanh.

Sai luật thì phạt tiền, truyền thống tôn sư trọng đạo không còn, phá vỡ quan hệ thầy trò. Nghề giáo đơn thuần chỉ là nghề mưu sinh đúng nghĩa - bán chữ, không còn dạy chữ rèn người? Đó là sự tổn thương vị thế người thầy, mặc cảm đối với xã hội. Cứ thế sự nghiệp trồng người, gieo mầm tương lai... bao nhiêu mỹ từ dành cho nghề giáo trở nên vô nghĩa.

Một lớp học ở miền núi Quảng Ninh, nơi thầy và trò đều gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Cương

Dự thảo nhầm đối tượng ở chỗ điều 32 “quét” luôn tất cả giáo giới, nhất là người trực tiếp giảng dạy bậc trung học. Người học ở bậc này là lứa tuổi mới lớn, tâm lý nổi loạn khẳng định mình gan lỳ... Nếu không uốn nắn, răn dạy để kiềm chế thì các em dễ trượt dài lỗi lầm: ngồi ghế nhà trường vi phạm nội quy trường lớp, vô kỷ luật sau này dễ sa vào phạm pháp. Bởi không ai quở trách, nhắc nhở chỉ ra sai phạm các em.

Thực hiện như dự thảo, người thực hiện “sứ mệnh giáo dục” sẽ tự buông xuôi vì còn phải giữ thế an toàn cho mình. Nghề mưu sinh mà! Đã là mưu sinh, kiếm tiền để sống mà bị phạt mỗi lần từ 10 đến 30 triệu đồng thì tiền đâu nộp phạt, nhất là giáo viên trẻ, lương ba cọc ba đồng. Dùng đồng tiền để phạt nhà giáo hay sai phạm nhà giáo được quy đổi, trả giá bằng tiền khác nào phạm đến danh dự, nhân phẩm nhà giáo.

Điều gây hoang mang nhất là tình huống diễn ra như thế nào, hành vi người thầy ra sao thì quy kết là xúc phạm nhân phẩm người học? Chả nhẽ một lời quở trách nghiêm khắc, quát tháo học sinh đùa giỡn, chọc phá bạn... trong giờ học lại là xúc phạm nhân cách? Nề nếp kỷ cương trường lớp sẽ trôi về đâu?

Tiếp đến là vấn đề ai đứng ra quyết định xử phạt, tiền phạt đó dùng để làm gì? Người bị phạt bất tuân, phản kháng, khiếu nại dẫn đến phải thành lập hội đồng xét xử..., gây mất thời gian, tổn phí công sức nhiều người, xao nhãng nhiệm vụ giảng dạy trong trường học. Hơn nữa, sai phạm nhà giáo từ lâu đã có luật công chức, viên chức, không cần thêm luật riêng xử phạt nhà giáo.

Với dự thảo này, người thầy có toàn tâm toàn ý đầu tư công tác giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục không hay càng thêm lo lắng tự hỏi: liệu mình có lỡ lời, lỡ tay phải chịu phạt sau mỗi buổi dạy? Dự thảo này nếu được thông qua sẽ khiến giáo viên chịu quá nhiều áp lực: các chỉ tiêu lên lớp, danh hiệu thi đua, viết sáng kiến hàng năm và cả rủi ro không lường trước...

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, bắt đầu được lấy ý kiến từ ngày 28/9. Văn bản này sau khi được hoàn thiện, Thủ tướng ký quyết định thông qua sẽ thay thế Nghị định số 138 năm 2013.

Điều 32. Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

Tác giả: Trang Văn Lộc

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP