Tin địa phương

Kết nối những cung đường phát triển ĐBSCL

2 dự án giao thông trọng điểm cho vùng ĐBSCL là cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 vừa khánh thành và đưa vào khai thác. Cùng với các tuyến cao tốc đã khai thác, đang thi công xây dựng, thì 2 công trình trọng điểm này cũng đang góp phần kết nối, tạo thêm những cung đường thúc đẩy khu vực ĐBSCL phát triển.

Cầu Mỹ Thuận 2 là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, nhằm thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển.

* Giao thông mở đường phát triển

Thời gian qua, Trung ương luôn quan tâm đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ kết nối vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ và cả nước; nhất là triển khai xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2-4-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định: Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, TP Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh…

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), về quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc, khu vực ĐBSCL đã hoạch định đến năm 2050 có 1.180km/9.014km của cả nước, được phân bổ đồng đều trên toàn vùng với 6 tuyến cao tốc (3 trục dọc và 3 trục ngang); trong đó đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm hơn 420km. Hiện nay, các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ thuận - Cần Thơ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (tổng chiều dài gần 200km) đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Các dự án đang triển khai xây dựng còn lại như: cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cần Thơ - Cà Mau) dài 109km, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dài 188km, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài 27km… hứa hẹn sẽ tạo thêm động lực phát triển mới cho vùng ĐBSCL.

Riêng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có dài 188km, tổng mức đầu tư lên đến 44.691 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Dự án này được Trung ương giao cho 4 tỉnh, thành thực hiện (với 4 dự án thành phần) là An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Dự án quan trọng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 được đầu tư là điều kiện tiên quyết giúp Cần Thơ sớm hoàn thành nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 59-NQ/TW và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 98/NQ-CP về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: với mục tiêu xây dựng TP Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trong đó thực hiện nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để TP Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.

* Niềm vui trên những công trình mới

Ngày 24-12-2023, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 khánh thành vào và đưa vào khai thác một ngày sau đó. Đây là niềm vui chung của người dân ĐBSCL. Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 có chiều dài tuyến 23km; dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 6,61km.

Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.003 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Cầu Mỹ Thuận 2 có nhịp chính với kết cấu dây văng khẩu độ 350m, tĩnh không thông thuyền 37,5m, bề rộng mặt cầu 28m (gồm 6 làn xe) lần đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dự án cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ dài 120km. Hai dự án hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, dần hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc ĐBSCL hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ nói riêng.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của cả nước chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19 và tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu, ngân sách nhà nước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông, trong đó có các dự án đường bộ cao tốc, các tuyến đường liên vùng nhằm tăng cường kết nối hạ tầng giao thông giữa các địa phương vùng ĐBSCL, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm nhiều dự án thành phần, trong đó qua địa phận tỉnh Vĩnh Long có hai dự án là: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2. Hai dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực ĐBSCL; nối liền tuyến đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi TP Cần Thơ, trở thành trục huyết mạch kết nối giao thương các tỉnh, thành trong vùng với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn, thu hút đầu tư vào các vùng đã quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh cho các tỉnh, thành trong vùng.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã hoàn thành đưa vào khai thác.

Ngày 24-12 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương có liên quan tổ chức Lễ khánh thành đồng loạt 4 dự án theo hình thức truyền hình trực tuyến; ngoài cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, còn có Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Khánh thành đồng loạt 4 dự án trọng điểm giao thông gồm sân bay, cầu lớn bắc qua sông Tiền và các tuyến đường cao tốc ở cả 2 đầu đất nước, với tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỉ đồng là một dấu mốc lịch sử. Thực tiễn đã chứng minh, giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả và đặc biệt là giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại dễ dàng, tiết kiệm thời gian và công sức, tham gia lao động sản xuất và kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới Bộ GTVT và các bộ, ngành, các địa phương có liên quan phối hợp tổ chức khai thác, sử dụng các công trình có hiệu quả, nhất là đối với các tuyến cao tốc; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, đồng bộ các hạng mục, các công trình liên quan; quan tâm đảm bảo đời sống của người dân đã nhường đất cho các dự án, với nguyên tắt nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Các nhà thầu, nhà tư vấn tiếp tục rút kinh nghiệm để tiếp tục làm các dự án mới; các cơ quan vận dụng linh hoạt nhất các chính sách theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nhà thầu, tư vấn đã làm tốt nhiều dự án được tham dự các dự án mới.

Tác giả: ANH KHOA

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP