Dự án Kè sông Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu đang dược Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ |
Sắc xuân trên các công trình trọng điểm
Cuối tháng 1/2022 vùa qua, Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP. Cần Thơ đã tổ chức lễ thông xe kỹ thuật công trình đường tỉnh 922 (xây dựng và nâng cấp giai đoạn 1 từ quốc lộ 91B đến Cờ Ðỏ), gói thầu số 1 (tuyến chính).
Dự án đường tỉnh 922 có chiều dài tuyến hơn 29,5 km, gồm 2 gói thầu: gói thầu số 1 thi công phần tuyến chính và gói thầu số 2 thi công cầu và đường dẫn vào cầu của 4 cầu (cầu số 8, số 7, số 6, số 5). Sau thông xe gói thầu số 1, Ban Quản lý và nhà thầu sẽ tập trung thi công hoàn thiện gói thầu số 2.
Ông Lê Minh Cường - Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xâu dựng TP. Cần Thơ cho biết thêm: tổng mức đầu tư của dự án gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ; đi qua địa bàn 4 quận, huyện: Bình Thủy, Ô Môn, Thới Lai và Cờ Ðỏ. Ðường tỉnh 922 hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho các địa phương có dự án đi qua phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của TP. Cần Thơ, mở ra triển vọng kết nối giao thông thuận lợi với cả khu vực ÐBSCL.
Đối với công trình cầu Vàm Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến quốc lộ 61C (huyện Phong Ðiền), sau một thời gian nỗ lực thi công, vượt qua giai đoạn khó khăn do giãn cách vì dịch bệnh, đến nay tiến độ đạt trên 96%, giá trị thi công trên công trường ước đạt hơn 275/285 tỷ đồng giá trị hợp đồng.
Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP. Cần Thơ cùng nhà thầu đã tổ chức thi công hợp long cầu Vám Xáng từ cuối tháng 12/2021, tiến tới thông xe toàn cầu chính, hoàn thành các hạng mục còn lại và dự kiến đưa vào sử dụng chính thức vào ngày 30/4/2022.
Theo chủ đầu tư, dự án cầu Vàm Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến quốc lộ 61C có tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến hơn 3,29 km, với 3 nhánh tuyến. Trong đó, nhánh chính dài hơn 2,45 km (từ điểm giao với đường Nguyễn Văn Cừ bắc qua sông Cần Thơ nối vào quốc lộ 61C), trên tuyến có cầu Vàm Xáng, cầu Xà No Cạn, cầu Hòa Hảo và 3 cống. Nhánh nối 1 dài 363 m, từ điểm đầu giao với đường tỉnh 923 đến đường Nguyễn Văn Cừ. Nhánh nối 2 dài 505 m, từ giao với đường tỉnh 932 đến nhánh chính.
Tại trung tâm quận Ninh Kiều, dự án đang được trông đợi nhiều nhất là công trình cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ nối với quốc lộ 1.
Theo Ban Quản lý Dự án ODA TP. Cần Thơ - chủ đầu tư dự án cho biết, đến nay tiến độ thi công xây dựng cầu Trần Hoàng Na (công trình lớn nhất thuộc Dự án 3) được hơn 45,83% khối lượng, giá trị thực hiện được ước đạt hơn 336/791 tỷ đồng giá trị hợp đồng. Nhà thầu đang tập trung thi công các trụ cầu trên bờ cầu phía bờ Cái Răng, Ninh Kiều và các trụ cầu dưới nước, thi công phần đường dẫn... Ban quản lý và nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Được biết cầu Trần Hoàng Na dài 586,9 m, nối quận Ninh Kiều với quận Cái Răng. Công trình khi hoàn thành sẽ kết nối giao thông đô thị giữa quốc lộ 1A với các đường trung tâm, giảm tải lưu lượng xe và ùn tắc giao thông cho các tuyến đường chính thành phố. Ðây là mạch nối, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút nhà đầu tư đến với TP. Cần Thơ và các tỉnh phía Nam sông Hậu.
Hiện nhà thầu đang tập trung thi công chặng nước rút để sớm đưa công trình vào vận hành nhằm tháo nút thắt và tạo thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông vào cửa ngõ TP. Cần Thơ từ hướng cầu Cần Thơ, quốc lộ 1, cũng như tạo vẻ mỹ quan cho diện mạo đô thị trung tâm của vùng ĐBSCL.
Tập trung nguồn lực triển khai nhiều dự án mới
Với định hướng “Giao thông đi trước một bước”, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng và liên vùng giai đoạn 2021-2025, thành phố Cần Thơ dự kiến sẽ triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thành hàng loạt công trình trọng điểm.
Cụ thể, các dự án do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư như đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ, đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 923, cầu Cờ Ðỏ, cầu Tây Ðô; các dự án do Ban Quản lý Dự án Ðầu tư xây dựng thành phố là chủ đầu tư như cầu Kênh Ngang (trên đường tỉnh 922), xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917, dự án đường tỉnh 918 (giai đoạn 2), dự án đường tỉnh 921: đoạn tuyến thẳng (điểm đầu giao với tuyến tránh Thốt Nốt - điểm cuối giao với đường cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng - Châu Ðốc)…
Cuối tháng 01/2022 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ đã khởi công công trình cầu Tây Ðô, huyện Phong Ðiền. Đây là công trình cầu giao thông cấp III, có tổng chiều dài tuyến hơn 700 m (trong đó phần cầu Tây Ðô dài 140,26 m và còn lại là đường dẫn).
Phần cầu Tây Ðô gồm 2 đơn nguyên bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; kết cấu gồm 5 nhịp; 4 làn xe. Phần đường dẫn vào cầu có chiều rộng nền đường 22,5 - 30 m (trong đó gồm mặt đường phần xe chạy 2 bên với mỗi bên rộng 7 m, dải phân cách giữa, vỉa hè 2 bên, bố trí 4 dải an toàn…). Công trình có tổng mức đầu tư hơn 208 tỷ đồng. Liên danh Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông 5 và Công ty CP Ðầu tư Xây lắp Trí Việt, trúng thầu với giá trị hợp đồng thi công xây lắp hơn 109,62 tỷ đồng, thời gian thi công là 630 ngày.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ cho biết thêm: cầu Tây Ðô bắc qua sông Cần Thơ khi hoàn thành sẽ giải quyết triệt để nút thắt giao thông tại điểm đầu đường tỉnh 926 với đường tỉnh 923 thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm. Ngoài ra, việc đầu tư cầu và đường mới sẽ kết nối đồng bộ với các cầu trên các tuyến đường tỉnh, như đường tỉnh 926, đường tỉnh 923 và đường tỉnh 918 đang chuẩn bị xây dựng trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025. Dự án còn góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội huyện Phong Ðiền nói riêng và thành phố nói chung.
Ngoài ra, ngày 12/2/2022 vừa qua, Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ đã tổ chức khởi công cầu Cờ Ðỏ có tổng mức đầu tư hơn 165 tỷ đồng.
Các dự án trọng điểm còn lại do Sở làm chủ đầu tư là đường vành đai phía Tây, đường tỉnh 923 dự kiến khởi công trong năm nay.
Riêng dự án lớn đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ sẽ hình thành trục vành đai ngoài phía Tây. kết nối các trục giao thông quan trọng của vùng ÐBSCL là Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C, kết hợp với Quốc lộ 1A tạo hệ thống giao thông liên vùng, kết nối Cần Thơ với các tỉnh lân cận, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Dự án này có chiều dài 19,4 km, tổng mức đầu tư 3.837 tỷ đồng, dự kiến khởi công gói thầu đầu tiên vào cuối quý I/2022.
Tác giả: Huy Tự
Nguồn tin: Báo Đầu tư