Ảnh minh họa |
Ngày 24/2, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký Công văn số 59/BC-UBND Báo cáo đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn ODA Dự án Phát triển bền vững TP. Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, Dự án có 2 hợp phần chính gồm: Hợp phần Nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) giai đoạn 2 (đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ) và hợp phần Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ).
Nhà tài trợ và đồng tài trợ nước ngoài dự kiến hỗ trợ thực hiện dự án là Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Dự án có tổng mức vốn đầu tư dự kiến là 2.728,720 tỷ đồng. Dự kiến cơ cấu nguồn vốn gồm nguồn vốn nước ngoài là 1.868,670 tỷ đồng (100% vốn xây lắp), trong đó: vốn ngân sách Trung ương cấp phát là 1.681,800 tỷ đồng, địa phương vay lại 186,870 tỷ đồng; vốn trong nước là 860,050 tỷ đồng.
Về cơ chế tài chính trong nước, TP. Cần Thơ sẽ thỏa thuận vay lại với Bộ Tài chính đối với nguồn vốn cho vay lại của Dự án (10% vốn vay của WB tương đương với 113,52 tỷ đồng) với tổng thời gian vay 20 năm, trong đó 4 năm ân hạn.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2026. Dự kiến tiến độ giải ngân trong năm 2022, bố trí 720 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế bảng vẽ thi công, giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng một phần khối lượng.
Năm 2023 bố trí 1.020 tỷ đồng để tiếp tục giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng. Năm 2024 bố trí 800 tỷ đồng để thi công xây dựng. Năm 2025 bố trí phần còn lại để hoàn thành dự án, nghiệm thu công trình.
Đối với hợp phần nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) giai đoạn 2 (đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ) có điểm đầu tại Km0+ 00 - giao tại ngã tư giữa Quốc lộ 91C và Quốc lộ 1 ở cuối đường dẫn cầu Cần Thơ bờ Nam (nút giao IC4), thuộc địa phận phường Lê Bình, quận Cái Răng. Điểm cuối trước cầu Trầu Hôi (Km10 + 200 - ranh giới giữa TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang). Tổng chiều dài toàn tuyến là 10,2 km. Đây là đường cấp III đồng bằng, quy mô mặt cắt ngang đường rộng 23 m. Dự kiến tổng mức đầu tư hợp phần này là 899,09 tỷ đồng.
Hợp phần nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang khi hoàn thành sẽ tạo nên sự liên thông, thông suốt giữa TP. Cần Thơ với TP. Vị Thanh (Hậu Giang), tăng cường kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, kết nối trực tiếp các khu vực của TP. Vị Thanh với sân bay quốc tế Cần Thơ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực. Đồng thời, tuyến đường sẽ tạo tiền đề quan trọng để hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng cho quận Cái Răng, huyện Phong Điền nói riêng và cho TP. Cần Thơ nói chung.
Hợp phần Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (Đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ) có điểm đầu dự án thuộc địa bàn quận Ô Môn, điểm cuối là ranh giới tiếp giáp TP. Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang (tại địa bàn huyện Giồng Riềng). Tổng chiều dài tuyến là 27,03 km. Đây là đường cấp III đồng bằng, mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện có lộ giới 22 m (giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư với quy mô 12 m, gồm 2 làn xe cơ giới). Tổng mức đầu tư dự kiến của hợp phần này là 1.839,63 tỷ đồng.
Tuyến đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang là tuyến giao thông kết nối trực tiếp giữa Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ hỗ trợ cho Quốc lộ 61C và Quốc lộ 91 để tăng cường kết nối Đông - Tây Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời kết nối trực tiếp các khu vực của tỉnh Kiên Giang với sân bay quốc tế Cần Thơ.
Trong tương lai, khi xây dựng cầu Ô Môn (bắc qua sông Cần Thơ), tuyến đường sẽ góp phần hình thành tuyến kết nối liên vùng giữa các tỉnh Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang, tạo trục dọc kết nối các tuyến cao tốc: Hồng Ngự - Trà Vinh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; các tuyến Quốc lộ 30, Quốc lộ 80, Quốc lộ 54, Quốc lộ 91, Quốc lộ 61.
Tác giả: Trúc Giang
Nguồn tin: Báo Đầu tư