Kinh tế

Hoàn thuế VAT và 'nỗi oan' ngành thuế

Doanh nghiệp chờ tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) như 'nắng hạn chờ mưa' nhưng để 'tiền về đến tay' là một quá trình không đơn giản, và ngành thuế cũng có những nỗi lo về rủi ro trách nhiệm.

Áp lực hoàn thuế và rủi ro trách nhiệm

Tình trạng căng thẳng tài chính đang gia tăng, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp (DN) gần như tới hạn. Trong bối cảnh đó, khoản tiền hoàn thuế VAT có ý nghĩa quan trọng và DN mong mỏi từng ngày. Tuy vậy, để “tiền về đến tay” là quá trình không đơn giản và câu hỏi là "ngành thuế có đang “giam” tiền hoàn thuế của DN hay không" đang nóng trên nhiều diễn đàn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2022, cơ quan thuế trên cả nước đã hoàn thuế trên 150.000 tỉ đồng và riêng 7 tháng năm 2023, số tiền đã hoàn là 70.356 tỉ đồng. Tuy nhiên, đằng sau những con số này là một chuỗi thao tác thẩm tra, xác minh chặt chẽ nhưng cũng khá… rủi ro.

Doanh nghiệp mong mỏi tiền hoàn thuế như "nắng hạn chờ mưa"

Luật Quản lý thuế có quy định rõ về việc hoàn thuế, đó là DN nộp đủ hồ sơ trong vòng 6 ngày sẽ phải hoàn thuế (trường hợp hoàn thuế trước - kiểm tra sau). Một số trường hợp đặc biệt khi phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì khoảng thời gian để xác minh là khoảng 40 ngày. Nhưng nếu DN cứ đẩy hồ sơ lên là được hoàn thuế thì những rủi ro về trách nhiệm khi hoàn sai đối tượng, trục lợi hoàn thuế… là những điều mà có lẽ ngành thuế buộc phải cân nhắc.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia cho biết có không ít trường hợp hồ sơ rất đẹp, về hình thức đạt yêu cầu nhưng sau quá trình xác minh thì ngược lại, lộ ra nhiều vấn đề đáng ngờ.

Các thủ đoạn để gian lận hoàn thuế VAT có thể kể đến như: mua bán hóa đơn, kê khống giá trị, thanh toán tiền hàng cùng rút tiền từ ngân hàng diễn ra trong một ngày và cùng tên người rút tiền, DN xin hoàn thuế không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển…

Đơn cử vừa qua, trong quá trình kiểm tra, cơ quan thuế đã phát hiện một số trường hợp xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc mà chủ thể trong hợp đồng không tồn tại, chứng từ thanh toán qua ngân hàng lại không đúng tên người mua hàng…

Trong việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp có không ít vướng mắc

Trước tình trạng này, ngành thuế phải tiến hành thẩm tra, rà soát kỹ lưỡng để không vội vàng hoàn thuế làm thất thoát ngân sách. Tuy nhiên, cái khó là thời gian xử lý quy định với những trường hợp có vấn đề (kiểm trước hoàn sau) chỉ là 40 ngày - một thời gian rất ngắn và gần như khó có thể thực hiện.

Theo các chuyên gia, nếu chỉ trong 40 ngày mà cơ quan thuế có thể thẩm định và trả lời được tất cả các nghi vấn thì rất không thực tế, bởi vì có nhiều trường hợp cơ quan chức năng phải phối hợp với các quốc gia khác và các cơ quan liên ngành trong nước để xác minh nên không thể chủ động được. Khi thời gian eo hẹp và trước mối lo hoàn thuế sai đối tượng, thời gian hoàn thuế kéo dài là điều dễ hiểu, vì nếu để xảy ra trục lợi thì ai sẽ gánh trách nhiệm?

Như vậy, nút thắt này khiến ngành thuế lẫn DN lúng túng. Một mặt, hoàn thuế VAT là chính sách đúng đắn của Nhà nước, góp phần giảm bớt áp lực tài chính, tạo động lực phát triển cho DN, đây cũng là trách nhiệm của ngành thuế khi số tiền hoàn thuế thực chất là tiền của doanh nghiệp. Nhưng mặt khác, chỉ vì hình thức hồ sơ đạt chuẩn trong khi thực tế vẫn có dấu hiệu bất ổn thì chắc chắn ngành thuế không dám ký cho hoàn thuế, vì rủi ro trách nhiệm.

Giải pháp nào gỡ rối?

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc nếu chậm hoàn thuế thì trách nhiệm thuộc về ai, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng muốn xác định trách nhiệm khi chậm hoàn thuế thuộc về cơ quan thuế hay thuộc về DN, người dân thì cần phải xem xét đến từng trường hợp cụ thể, hồ sơ cụ thể và từ đó xác định nguyên nhân do đâu?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Tuy nhiên, đứng về phía cơ quan nhà nước, cơ quan thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng một khi việc hoàn thuế chậm thì cơ quan nhà nước phải xem xét, rà soát, cải tiến để không còn việc chậm hoàn thuế nữa.

“Trước hết, chúng ta cần phải rà soát các quy định của pháp luật, quy trình và cách thức triển khai công tác hoàn thuế; xem xét điều gì chúng ta có thể cải tiến được, thay đổi được, rút ngắn quy trình này lại, vừa bảo đảm yêu cầu nhanh, chính xác, phòng ngừa rủi ro, chống gian lận, lậu thuế trong việc hoàn thuế VAT”, ông Chi nói.

Tựu trung lại, quan điểm của lãnh đạo ngành tài chính vẫn là cải tiến quy trình để hoàn thuế nhanh, nhưng vẫn phải đảm bảo phòng ngừa rủi ro, chống gian lận thuế, không thể hạ thấp yêu cầu phòng ngừa trục lợi. Còn ý kiến của các DN cũng rất hợp lý khi cho rằng sức chống chịu của họ đã tới hạn, việc không kịp hoàn thuế có thể khiến nhiều DN đứng trước nguy cơ đứt gãy dòng tiền. Nếu cơ quan thuế chọn giải pháp “an toàn” cho ngành thuế mà đặt lợi ích của DN xuống thứ yếu thì rất rủi ro cho DN.

Như vậy, điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay là tìm tiếng nói chung giữa cơ quan thuế và DN, đồng thời cần làm rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm hoàn thuế. Ví dụ, chậm do quy định 40 ngày xử lý, thẩm tra là quá ngắn hay do thẩm quyền của cơ quan thuế còn thiếu? Hoặc nhìn rộng hơn là tư duy xem hóa đơn là công cụ kiểm soát để cứ phải chạy theo?

Thực tế, với những trường hợp hoàn thuế có hóa đơn qua nhiều "F" (doanh nghiệp trung gian - PV) thì việc xác minh trong một thời gian ngắn là không khả thi và bài học từ vụ Thuduc House có lẽ vẫn còn nóng hổi. Nhưng trước áp lực hoàn thuế cho DN, Bộ Tài chính cũng cần phải có giải pháp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, ngành thuế đang triển khai tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng dữ liệu về DN, từ đó phân tích các dữ liệu để sàng lọc và chủ động xử lý những DN có rủi ro trước, giảm đi những DN phải kiểm trước rồi hoàn sau.

“Vừa qua, có công ty chỉ kinh doanh yến sào nhưng trong một thời gian rất ngắn xuất hóa đơn với doanh thu trên 30.000 tỉ đồng, rõ ràng phải kiểm tra. Khi đã có số liệu rồi thì chúng tôi phân tích kiểm tra trước. Rõ ràng hợp pháp và hợp lý thì DN này được hoàn thuế rất nhanh”, Thứ trưởng Chi nêu ví dụ.

Giải pháp tiếp theo ông Chi đề xuất là nâng cao năng lực cho cán bộ của cơ quan quản lý thuế, cơ quan thuế, đồng thời cũng nâng cao năng lực của DN trong hiểu biết các quy định về pháp luật của ngành thuế.

“Chúng tôi đã chỉ đạo nghiêm việc phải thực hiện đúng các quy trình, quy định của pháp luật, không được gây khó khăn cho DN khi hoàn thuế, đồng thời cũng sẽ xử lý nghiêm nếu như các DN có vi phạm, gian lận trong quá trình hoàn thuế VAT”, ông Chi nói.

Tác giả: Hoài Lam

Nguồn tin: 1thegioi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP