Tin địa phương

Hỗ trợ, nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu

Theo nhận định của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH) - Trường Đại học Cần Thơ, khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đang đứng trước những thách thức lớn do BĐKH tác động và đe dọa đến sự phát triển bền vững của cả khu vực.

Cụ thể, mùa nước nổi 2020 thiếu nước, lượng nước thượng nguồn đổ về rất ít, nước đói phù sa, hạn chế bồi lắng sông, rạch sẽ dẫn đến hiện tượng sạt lở bờ sông ngày thêm trầm trọng... Giải pháp ứng phó BĐKH đang được TP Cần Thơ nỗ lực thực hiện và cần sự hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương…

Cầu Rạch Cam mới xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Tác động từ BĐKH

Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khoảng 30 năm qua, khu vực ÐBSCL có sự thay đổi về nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,50C, mực nước biển dâng cao thêm gần 50cm, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân. Dự báo, do ảnh hưởng từ BÐKH, nhiệt độ trung bình của khu vực ÐBSCL có thể tăng thêm 30C và mực nước biển dâng lên 1m vào năm 2100. Khi đó, có khoảng 90% diện tích thuộc các tỉnh, thành trong khu vực ÐBSCL bị ngập hoàn toàn, sinh kế của người dân sẽ có nhiều thay đổi...

Hiện nay, hiểm họa chính của BÐKH tại TP Cần Thơ là: sạt lở bờ sông, nắng nóng, bão, lốc xoáy kéo theo những hiểm họa khác như: xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, do ảnh hưởng BÐKH, sạt lở bờ sông là một trong những hiện tượng xuất hiện thường xuyên trong những năm gần đây, gây thiệt hại tài sản, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.

Trong 9 tháng năm 2020, TP Cần Thơ xảy ra 30 điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch, làm sạt hoàn toàn 11 căn nhà, 67 căn nhà bị ảnh hưởng, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở 1.471m, ước thiệt hại khoảng 16,7 tỉ đồng. Theo ngành chức năng, diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố ngày một nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng cả về cường độ và số lượng.

Ðặc biệt, các đoạn sông, kênh, rạch chảy qua các khu vực đông dân cư, các kênh rạch có mật độ giao thông thủy lớn, những đoạn sông cong, các cửa phân lưu, nhập lưu, nơi giao thoa giữa dòng chảy sông và dòng triều… có nguy cơ sạt lở cao, gây thiệt hại về sinh mạng, mất đất, nhà cửa, tài sản, cơ sở hạ tầng xây dựng hai bên bờ sông, kênh, rạch. Do đó, người dân sinh sống tại các khu vực trên đang cần các giải pháp ứng phó, hạn chế sạt lở, tác động của BÐKH mà ngành chức năng là đơn vị kết nối thực hiện.

Người dân tại phường Long Hòa còn nhớ vụ sạt lở bờ sông Rạch Cam làm mố cầu Rạch Cam trên đường tỉnh 918 bị sụp xuống sông vào giữa tháng 6-2020 gây gián đoạn giao thông trên tuyến đường tỉnh 918; hệ thống đường dây và trụ điện, cấp nước cũng bị hư hỏng. Chính quyền địa phương phải bố trí lực lượng đứng chốt tại 2 bên đầu cầu Rạch Cam để hướng dẫn giao thông; Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ tiến hành tháo gỡ cầu cũ và triển khai xây dựng cầu mới.

Ðến nay, cầu Rạch Cam mới xây dựng hoàn thành, với chiều dài gần 65m, rộng 4m, gồm ba nhịp, chịu tải 8 tấn, tổng mức đầu tư 6,7 tỉ đồng. Ðể đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải cũng cho lắp hệ thống đèn tín hiệu hai bên đầu cầu. Ông Nguyễn Văn Sơn, ở phường Long Hòa, cho biết: “Ngay sau khi sạt lở xảy ra, ngành chức năng thành phố khẩn trương xây dựng cầu mới. Nhờ đó việc đi lại được thuận tiện hơn, bà con không phải đi vòng mất thời gian nữa”.

Giải pháp ứng phó

Các nhà khoa học nhận định: Rhời gian qua, tại khu vực ÐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, sạt lở bờ sông xuất hiện ngày càng nhiều là do ảnh hưởng BÐKH, dòng chảy trên sông thay đổi. Ðồng thời nước thượng nguồn đổ về đồng bằng thấp do hệ thống đập thủy điện và làm giảm phù sa bồi lắng nên hiện tượng sạt lở gia tăng. TP Cần Thơ là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng này, do đó, khắc phục sạt lở bờ sông, kênh, rạch bằng dự án công trình (kè kiên cố) và phi công trình (kè sinh học) là giải pháp hữu hiệu, cần thiết nhất cho việc bảo vệ bờ sông, phát triển đô thị...

Thành phố đã gia cố trên 3km kè chống sạt lở bằng các giải pháp truyền thống (đóng cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tràm kết hợp rọ đá…); xây dựng 10 công trình kè chống sạt lở và đưa vào sử dụng với tổng chiều dài 18,476km, kinh phí thực hiện 2.639 tỉ đồng; 8 công trình kè chống sạt lở đang triển khai thực hiện với tổng chiều dài 21,12km, kinh phí thực hiện 2.345 tỉ đồng; 6 công trình kè chống sạt lở đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư, tổng chiều dài 5,735km, kinh phí thực hiện 681,61 tỉ đồng. Các công trình trên góp phần ổn định bờ sông, an toàn cho người dân và phát triển đô thị. Hiện thành phố đang kiến nghị Trung ương đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với 8 công trình kè chống sạt lở, tổng chiều dài 11,218km, kinh phí thực hiện 1.904 tỉ đồng.

TP Cần Thơ hiện có khoảng 171 điểm có nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài đoạn có nguy cơ sạt lở khoảng 179.138m, tổng số căn nhà cần phải di dời là 3.198 căn… Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, đối với những hộ có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở, thành phố thực hiện hỗ trợ ổn định dần theo từng năm, trong đó sẽ có một số hộ được bố trí xen ghép khu dân cư sẵn có để đảm bảo yêu cầu chỉnh trang đô thị, còn lại phần lớn số hộ sẽ được hỗ trợ ổn định tại chỗ...

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: “Đối với các dự án phòng, chống sạt lở đang triển khai thực hiện, các ngành chức năng, chủ đầu tư phải kiểm tra, đôn đốc để công trình hoàn thành theo đúng tiến độ; các dự án đã có kế hoạch đầu tư thực hiện cũng nên sớm hoàn thành thủ tục để triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Thời gian tới, nếu xuất hiện các điểm sạt lở mới ngoài kế hoạch đầu tư xây dựng công trình kiên cố, chính quyền địa phương khắc phục trước mắt và báo cáo thành phố để có kế hoạch đầu tư khắc phục lâu dài bằng các công trình kiên cố. Thành phố sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, tổ chức quốc tế, các thành phần kinh tế để được đầu tư kinh phí, triển khai thực hiện các công trình phòng, chống sạt lở, góp phần ổn định cuộc sống người dân, bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị và thích ứng với BĐKH...”.

Tác giả: HÀ VĂN

Nguồn tin: baocantho.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP