Du lịch

Hồ Pá Khoang- Viên ngọc bích tô điểm núi rừng Tây Bắc

Nằm ngoài lòng chảo Mường Thanh, diện tích trải rộng trên địa bàn hai xã Pá Khoang và Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), hồ Pá Khoang nẳm cách Quốc lộ 279 khoảng 5km về phía Đông, cách Khu Di tích Lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng 8km về phía Tây.

“Rừng trúc” (tên theo tiếng Thái của hồ Pá Khoang), nằm ở độ cao gần 900m so với mực nước biển, có diện tích lưu vực rộng 2.400 ha, được ví như một “Vịnh Hạ Long” của Tây Bắc, là điểm nhấn quan trọng trong du lịch sinh thái của tỉnh Điện Biên.

Hồ Pá Khoang

Hồ Pá Khoang được ví như một “Vịnh Hạ Long” của Tây Bắc. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Để đến hồ Pá Khoang, du khách có thể di chuyển từ Quốc lộ 279, đoạn qua xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, sau đó theo Tỉnh lộ 3 vào địa bàn xã Mường Phăng. Du khách cũng có thể theo tuyến đường bộ phía Đông Nam của thành phố Điện Biên Phủ đi qua xã Tà Lèng. Hai tuyến đường này đều dẫn du khách qua những con đường quanh co, uốn lượn ven lòng hồ Pá Khoang, có lúc lại ẩn mình dưới những tán rừng đặc dụng xanh ngát, không khí trong lành, cảnh sắc thiên nhiên yên ả, khoáng đạt.

Đặc biệt, du khách sẽ “lạc” vào những “tiểu vùng văn hóa” của cộng đồng các dân tộc Khơ-mú, Thái, Mông… sinh sống từ hàng chục năm qua dưới đại ngàn, được trải nghiệm cuộc sống, sinh họa của đồng bào dân tộc nơi đây. Thú vị hơn, tại các bản Đông Mệt 1, Đông Mệt 2, Đông Mệt 3, du khách sẽ được đi qua những cây treo dài, rộng, vững chắc, nối liền những hòn đảo trên cung đường du lịch.

Theo Giám đốc Ban Quản lý rừng di tích và cảnh quan môi trường Mường Phăng Nguyễn Việt Cường, vào đầu tháng 8 hàng năm, hồ Pá Khoang bắt đầu đóng đập tích nước, mặt nước dâng đầy, mực nước "ăn sâu" vào các khe nhỏ chân núi hình thành nên nhiều đảo nhỏ, bán đảo tạo nên phong cảnh đẹp, có sức hấp dẫn cho du khách. Đây là điều kiện để phát triển loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại.

Đặc biệt, xã Pá Khoang và Mường Phăng là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái với gần 50 bản sống xen kẽ trong rừng. Nơi đây vẫn còn lưu giữ được các phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào vùng Tây Bắc. Nền nhiệt độ ở khu vực hồ rất ít biến động, chỉ từ 27 đến 29°C. Đó là các điều kiện và là nguồn tài nguyên rất lý tưởng cho loại hình du lịch sinh thái, du lịch nhân văn hấp dẫn.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên Phạm Văn Khiên, cho biết: Rừng Mường Phăng được quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài diện tích thuộc Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là rừng tự nhiên nguyên sinh, diện tích còn lại đặc trưng là rừng tái sinh. Sinh cảnh sau phục hồi tự nhiên ở rừng đặc dụng Mường Phăng phát triển rất tốt, đảm bảo việc giữ gìn, bảo tồn các nguồn gen động vật, thực vật.

Bên cạnh đó, rừng đặc dụng Mường Phăng còn đảm bảo giữ nguồn nước, điều hoàn ổn định lượng nước cho hồ thủy lợi Pá Khoang, phục vụ các công trình thủy điện vùng hạ lưu và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của cả cánh đồng Mường Thanh (cánh đồng cho sản phẩm gạo nấu cơm thơm ngon, nức tiếng trong câu “Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, tứ Tấc”) qua hệ thống kênh của công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.

Theo kết quả khảo sát của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, năm 2014, khu vực rừng và hồ Pá Khoang có thảm thực vật phong phú... Trong các thảm rừng quanh hồ, các hòn đảo có rất nhiều chim, thú và nhiều loại hoa; dưới hồ có nhiều loài cá và thực vật nổi. Cụ thể, nơi đây có hơn 700 loài thực vật thuộc 4 ngành thực vật bậc cao với nhiều loài cây quý như giổi, dẻ, tô hạp, chò xanh, phay sừng, táu xanh, lát hoa, vàng tâm, thạch hộc gấm. Ở đây còn có hơn 300 loài động vật thuộc các loài thú, bò sát, chim và ếch nhái… Hệ chim được phân bố ở 4 sinh cảnh là: sinh cảnh rừng ven sông, suối với 61 loài; sinh cảnh rừng thứ sinh cây bụi với 52 loài; sinh cảnh làng bản, nương rẫy với 46 loài và sinh cảnh rừng thứ sinh trên núi đất với 37 loài.

Hồ Pá Khoang

Khu vực rừng và hồ Pá Khoang có thảm thực vật phong phú. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Hồ Pá Khoang nằm giữa một vùng thiên nhiên hùng vĩ, địa hình, địa mạo đa dạng, khí hậu trong lành rất thích hợp cho việc du lịch, nghỉ dưỡng, dã ngoại, khám phá, nghiên cứu. Vào mùa đông, sương mờ bảng lảng phủ khắp cảnh vật, mặt hồ tạo nên một bức tranh thủy mặc kỳ bí, cuốn hút. Ẩn hiện trong lớp sương mờ giăng khắp mặt hồ là dáng núi, dáng đảo, điểm tô bằng những nếp nhà sàn thấp thoáng. Mùa hè, mặt hồ trong xanh, hiền hòa, yên tĩnh, soi bóng núi non, mây trời và đại ngàn xanh thẫm, không khí ở hồ được làm mát bởi những làn gió Nam mang theo hơi nước từ mặt hồ.

Trong khung cảnh êm đềm, thơ mộng, du khách có thể tự chèo thuyền, hoặc ngồi thuyền máy, xuồng máy “rẽ sóng” khám phá những hòn đảo vừa và nhỏ nơi lòng hồ, trong đó có rất nhiều đảo chưa có người ở. Những nơi hồ Pa Khoang “vặn” mình, lấn sâu vào núi tạo nên những vùng “vịnh” hẹp, có đa dạng sinh học độc đáo sẽ cho du khách những trải nghiệm, khám phá lý thú. Tại đây, nếu du khách neo đậu thuyền vào các rặng cây rậm rạp ven hồ ngồi câu cá, sẽ bắt gặp những chiếc thuyền độc mộc của người bản địa ngược xuôi chở củi, hàng nông sản di chuyển trên lòng hồ và trải nghiệm cùng người dân địa phương trong hoạt động thả lưới, quăng chài đánh bắt cá tôm...

Người bản địa thuộc các cộng đồng dân tộc Thái, Khơ-mú sinh sống ở các bản quanh hồ Pá Khoang rất trọng tình, mến khách. Du khách khi tham quan, du lịch hồ Pa Khoang sẽ được thưởng thức những món ăn được chế biến theo văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc, như: Xôi nếp nương đồ bằng “chõ” gỗ đựng trong “coóng”, cơm lam, cá suối nướng, thịt trâu, lợn hun khói bếp...

Hồ Pá Khoang có tiềm năng du lịch rất lớn. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được “đánh thức” đúng tầm, bởi hệ thống cơ sở hạ tầng, lưu trú ở khu vực hồ Pá Khoang còn quá ít; giao thông đi lại vào mùa mưa còn khó khăn, hay xảy ra sạt lở, cản trở giao thông. Hiện tại, khu vực hồ Pá Khoang chỉ có một cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng với quy mô hơn 30 phòng nghỉ. Sự đơn điệu về cơ sở lưu trú dẫn đến việc du khách thiếu sự lựa chọn về nơi ăn, chỗ nghỉ. Hoạt động du lịch ở hồ Pá Khoang còn mang tính thời vụ, chủ yếu tập trung vào hai mùa Hè, Thu và các dịp cuối tuần, kỳ nghỉ dịp lễ, tết. Do không có tour, tuyến, phần lớn du khách phải tự khám phá, trải nghiệm và tổ chức các hoạt động du lịch dã ngoại, picnic, câu cá...

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu chung của quy hoạch là đến năm 2020, phát triển Khu Du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu Du lịch Quốc gia; đến năm 2030 thực sự trở thành Khu Du lịch Quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc gắn liền với các giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, Hồ Pá Khoang và Rừng Văn hóa lịch sử Mường Phăng.

Mục đích của quy hoạch tổng thể này là đưa Khu Du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang trở thành điểm nhấn, mốc son trên tuyến du lịch qua miền Tây Bắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước bền vững…

Với hoạch định chiến lược, dài hơi đó, những năm tới, hồ Pá Khoang - viên ngọc bích tô điểm cho cảnh quan hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc- sẽ có cơ hội được đầu tư, xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ, thu hút du khách trong và ngoài nước tìm về trong hành trình đến khi về với mảnh đất Điện Biên Phủ Anh hùng.

Tác giả: Hải An- Tuấn Anh

Nguồn tin: Báo TTXVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP