Ông Kiều Phước Long (bên trái) giới thiệu với bà con về giống lúa của HTX. |
THT sản xuất lúa giống ấp C1 được hình thành từ năm 2005, ban đầu chỉ vài hộ nông dân cùng nhau chuyển từ canh tác lúa hàng hóa sang sản xuất lúa giống bán cho bà con xung quanh, dần dần thấy có hiệu quả nên nhiều bà con có diện tích đất liền kề xin tham gia vào THT. Hiện nay, THT đã phát triển được 22 ha với 17 thành viên. Trước nhu cầu cần lượng giống tốt, chất lượng để sản xuất lúa hàng hóa phục vụ xuất khẩu nên THT nhận được sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương trong việc cử cán bộ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sử dụng có hiệu quả chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” cũng như kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Ông Nguyễn Duy Phương, có 1 ha lúa tham gia vào THT từ những ngày đầu thành lập, nhớ lại: “Trước đây, khi chưa tham gia vào THT thì chi phí sản xuất lớn, năng suất lúa thấp. Khi tham gia làm lúa giống thì các khâu từ làm đất đến lúc thu hoạch đều làm bằng cơ giới, sản xuất theo hướng tập trung nên giảm được chi phí. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên tham gia các buổi hội thảo, tập huấn về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”... nên hiệu quả kinh tế cao hơn so với làm lúa hàng hóa”.
Để đảm bảo độ thuần giống và giảm bớt nhân công trong khâu khử lẫn, THT chỉ sản xuất duy nhất một loại giống OM 5451, nguồn giống nguyên chủng được nhập về từ Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất ra giống lúa xác nhận. Hằng năm, THT cung ứng cho thị trường khoảng 400 tấn lúa giống với giá ổn định 10.000 đồng/kg, cao hơn giá lúa hàng hóa khoảng 30%, lợi nhuận mỗi năm ước đạt hơn 60 triệu đồng/ha. Không chỉ bán cho nông dân địa phương mà còn bán cho nhiều nông dân ở các tỉnh lân cận như: Kiên Giang, An Giang… Nhờ chuyển sang sản xuất lúa giống mà các thành viên có thu nhập ổn định, không phải lo cảnh “trúng mùa rớt giá”. Tuy nhiên, theo các thành viên trong THT, sản xuất lúa giống đòi hỏi kỹ thuật, quy trình canh tác nghiêm ngặt ở tất cả các khâu thì mới cho ra hạt giống khỏe, tỷ lệ nảy mầm cao. Ông Kiều Phước Long, Tổ trưởng THT sản xuất lúa giống ấp C1, nói: “Sản xuất lúa giống vất vả hơn so với lúa hàng hóa, từ làm đất, trang ủi mặt ruộng phải bằng phẳng, kỹ thuật gieo mạ, khử lẫn và khi cấy chỉ cấy một tép mạ, đến khi thu hoạch phải phơi nhiều ngày để đạt ẩm độ khoảng 13,5% thì giống mới đảm bảo chất lượng, nhưng bù lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với làm lúa hàng hóa. Nhờ làm lúa giống mà gia đình tôi thu nhập ổn định, có điều kiện nuôi cả 4 người con lần lượt bước vào giảng đường đại học, hiện tại đã có 2 đứa đã ra trường tìm được việc làm ổn định”.
Năm 2017 vừa qua, khi Hợp tác xã (HTX) Quyết Thắng được thành lập, THT sản xuất lúa giống ấp C1 xin gia nhập vào HTX và ông Kiều Phước Long được tín nhiệm bầu vào Hội đồng quản trị, giữ chức vụ Phó Giám đốc HTX. Ông Kiều Phước Long, cho biết: “Tham gia vào HTX để có điều kiện đầu tư về cơ sở hạ tầng, máy móc, nông cụ, kho trữ lúa… từ đó mở rộng quy mô sản xuất và việc mua bán cũng được tập trung hơn, với số lượng lớn”. Vừa qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ và huyện Vĩnh Thạnh thông qua Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đầu tư cho HTX xây dựng 2 trạm bơm điện trị giá khoảng 9 tỉ đồng tại kinh C và kinh D, phục vụ 600ha trong khu vực, dự kiến sẽ triển khai thi công trong năm nay.
Ông Nguyễn Phước Hảo, Chủ tịch UBND xã Thạnh Thắng, cho biết: “Khi các công trình này hoàn thành, UBND xã sẽ giao cho HTX quản lý, khai thác. Đây chính là điều kiện thuận lợi để HTX mở rộng quy mô sản xuất lúa giống cung ứng cho thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên”.
Tác giả: Minh Hải
Nguồn tin: Báo Cần Thơ