Kinh tế

Hé mở loạt khách hàng nghìn tỷ của Sacombank

16 khách hàng của Sacombank được TTCP điểm tên đến từ nhiều Group quen mặt, nổi bật trong số đó là các pháp nhân có liên hệ tới nhóm Vạn Thịnh Phát.

Hé mở về loạt đối tác tín dụng vay hàng nghìn tỷ của Sacombank. Ảnh: VGP.

Như đã đưa tin, Thông báo Kết luận thanh tra ngày 15/6/2023 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai sót của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trong việc cho 16 đơn vị vay với tổng dư nợ tại thời điểm 31/8/2018 là 15.218 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ kết luận trong quá trình cho vay, Sacombank đã có nhiều vi phạm trong việc thẩm định điều kiện cho vay vốn; cho vay để thực hiện dự án nhưng dự án chậm tiến độ, làm phát sinh chi phí lãi vay lớn, ảnh hưởng hiệu quả phương án đầu tư kinh doanh; phương án sử dụng vốn vay của khách hàng không đảm bảo tính khả thi, tiềm ẩn rủi ro….

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, 16 doanh nghiệp này đều thuộc về một số "Group" trong nước giàu tiềm lực.

Trước hết, đó là các pháp nhân nằm trong nhóm Đồng Tâm Group - CTCP Đồng Tâm và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Soài Rạp.

Tại thời điểm 31/8/2018, dư nợ của Đồng Tâm và Soài Rạp tại Sacombank là 1.040 tỷ đồng (không còn ghi nhận dư nợ tính tới ngày 10/10/2021).

TTCP cho biết ở 2 đơn vị, Sacombank đã có một số vi phạm như thẩm định phê duyệt cho vay đối với khách hàng chưa chính xác, không phân tích và thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu chứng minh nguồn trả nợ của khách hàng; cấp tín dụng cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại chính ngân hàng; phê duyệt giải chấp từng phần tài sản bảo đảm nhưng không thực hiện định giá lại tài sản đảm bảo; và việc kiểm tra sau cho vay được thực hiện chung chung; cho vay nhưng thực hiện dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả phương án đầu tư kinh doanh; thực hiện phân loại nợ không đúng quy định.

Nhóm thứ 2 là 10 doanh nghiệp có liên hệ một tập đoàn nổi danh khác, gồm: CTCP HL Thủ Đô, CTCP Đầu tư Hồng Bàng, CTCP Đầu tư xây dựng Bảo Lộc, CTCP Đầu tư TMDV Nam Thắng, CTCP Thương mại xây dựng Công Phúc, CTCP Hạ tầng Bảo Tín, CTCP Đầu tư xây dựng Việt Phú Mỹ, CTCP Việt Hà, CTCP Hiệp Ân và CTCP Đầu tư Long Biên.

Ngoại trừ Đầu tư Long Biên, thông báo KLTT thể hiện 9 đơn vị còn lại với dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của Sacombank, lên tới 9.262 tỷ đồng (tính đến ngày 10/10/2021 không còn dư nợ với Sacombank). Mục đích là vay vốn để nhận chuyển nhượng và đầu tư cùng 1 dự án.

Trong khi đó, nhóm thứ 3 ghi nhận dư nợ với Sacombank tại thời điểm 31/8/2018 lên đến 4.311 tỷ đồng, gồm các pháp nhân: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Office 85 (1.000 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Dấu Ấn Sài Gòn (2.274 tỷ đồng), Công ty TNHH Vina Alliance (491 tỷ đồng) và Công ty TNHH BĐS Trí Đức (546 tỷ đồng). Theo tìm hiểu, các pháp nhân này có nhiều liên hệ tới nhóm Vạn Thịnh Phát.

Trong đó, BĐS Office 85 (thành lập vào tháng 10/2016) ban đầu vốn thuộc sở hữu của một tập đoàn bất động sản niêm yết lớn, với 2 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung (99,99%) và bà Huỳnh Thị Thanh Nguyên (0,01%). Tuy nhiên, đến tháng 2/2019, cơ cấu cổ đông thay đổi thành các thể nhân là Nguyễn Hoàng Dương (37,365%), Trương Thị Mỹ Nga (0,004%) và Huỳnh Lệ Phương (62,631%).

TBKLTT của TPCP đã chỉ ra các vi phạm của Sacombank khi cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BĐS Office 85 vay 1.000 tỷ đồng tới ngày 31/8/2018, dù phương án sử dụng vốn của khách hàng không khả thi, tiềm ẩn rủi ro; hồ sơ kiểm tra vốn vay không có chứng từ chứng minh CTCP Thương mại Đầu tư Vimec sử dụng vốn hợp tác kinh doanh với khách hàng để thực hiện dự án Khu phức hợp Tô Hiến Thành.

2 cái tên đáng chú ý khác được nhắc đến trong TBKLTT là Vina Alliance và Công ty TNHH BĐS Trí Đức. Vina Alliance là chủ đầu tư khu phức hợp thương mại 152 Trần Phú, Quận 5, TP.HCM, với quy mô 30.927,7m2. Cơ cấu cổ đông ban đầu gồm Pacific Alliance Land Limited thuộc quỹ đầu tư VinaCapital (62%), Vinataba (20%), Công ty TNHH Sơn Đông (10,5%) và Công ty Thuốc lá Sài Gòn (7,5%).

Tính đến thời điểm tháng 1/2018, cơ cấu cổ đông Vina Alliance gồm 2 pháp nhân duy nhất là Công ty TNHH Sơn Đông (38%) và Công ty TNHH BĐS Trí Đức (62%). Trong đó, BĐS Trí Đức từng thuộc sở hữu của một tập đoàn lớn ở khu vực phía Nam (chủ cũ BĐS Office 85), và sau đó đã có chủ mới là nhóm Vạn Thịnh Phát.

Tương tự, BĐS Dấu Ấn Sài Gòn được bà Trương Huệ Vân (SN 1988) thành lập năm 2015. Tháng 10/2021, ông Nguyễn Văn Thịnh, một doanh nhân đến từ Bắc Ninh đã thay thế bà Huệ Vân làm Chủ tịch HĐQT Dấu Ấn Sài Gòn.

TBKLTT chỉ ra Sacombank đã cho BĐS Dấu Ấn Sài Gòn vay đến 2.274 tỷ đồng tới 31/8/2018, dù thiếu sót trong thẩm định điều kiện vay vốn "có khả năng tài chính để trả nợ", và dự án triển khai chậm tiến độ, ảnh hưởng đến nguồn trả nợ theo phương án vay vốn.

Ở thời điểm tháng 10/2018, BĐS Dấu Ấn Sài Gòn thế chấp tại Sacombank quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán 6 tầng Trung Tâm Thương Mại số 027531 ngày 22/12/2017 thuộc Khu Tổ hợp Xi Grand Court tại thửa đất số 201, tờ bản đồ số 54 (theo tài liệu 2005), phường 14, quận 10. TP.HCM giữa BĐS Dấu Ấn Sài Gòn và CTCP Đầu Tư Xây Dựng Phú Sơn Thuận.

Đáng chú ý, trong số 16 doanh nghiệp thuộc diện thanh tra tín dụng của Sacombank, BĐS Dấu Ấn Sài Gòn tính tới ngày 10/10/2021 cũng là đơn vị duy nhất còn dư nợ với số dư 2.335 tỷ đồng.

Tác giả: Hóa Khoa

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP