Nhận thấy sau những trận mưa, các bức tường bị bong tróc, ẩm mốc ảnh hưởng đến chất lượng ngôi nhà. Trong khi đó, ở nông thôn, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để mua những loại sơn chống thấm cao cấp để bảo vệ tường nhà.
Do đó, 2 em Nguyễn Phương Yến Thu và Ngô Hoàng Kim Ngân (lớp 12A1, trường THPT Thuận Hưng) đã nảy sinh ý tưởng chế tạo loại vật liệu chống thấm để giúp bà con quê mình, không chỉ tiết kiệm chi phí trong quá trình xây dựng mà còn duy trì tuổi thọ bền lâu của ngôi nhà.
Thầy Tân hướng dẫn các em học sinh thực hiện sản phẩm vật liệu chống thấm - Ảnh: Kim Hà. |
Chỉ với nguyên liệu là xi măng và xà phòng đá (một loại xà phòng thịnh hành ở thời bao cấp). Theo Yến Thu, ban đầu nhóm thử qua nhiều loại xà phòng khác nhau, có cả bột giặt và nghĩ vật liệu mình định tạo ra sẽ giống như một lớp bê tông dày nên sau khi thực hiện, rồi phết thử lên tường, lớp bê tông sau khi khô đều bị nứt hết.
Trải qua nhiều lần thất bại như thế, nhóm suy nghĩ phải coi vật liệu chống thấm này như một lớp sơn mỏng và làm sao khi phết lên tường nó có thể chống nước được. Cuối cùng nhóm kết luận, chỉ có xà phòng đá là đáp ứng đủ điều kiện, vì nó chứa nhiều axit béo có tính chống thấm cao. Từ đó, cả 2 quyết định điều chỉnh lại tỉ lệ các nguyên liệu để tạo ra một hỗn hợp như mong muốn.
“Mỗi lần chế ra hỗn hợp tụi em đều phết thử nghiệm lên tường ở trong trường để xem độ chống nước của vật liệu mình vừa làm ra như thế nào. Sau vài lần như thế, tụi em nghiên cứu ra tỉ lệ 1:10, tức là 1 phần xà phòng và 10 phần xi măng là tỉ lệ lí tưởng nhất để tạo ra vật liệu chống thấm” – Ngân chia sẻ.
Yến Thu và Kim Ngân đã trải qua nhiều thất bại mới chế tạo thành công “sơn” chống thấm - Ảnh: Kim Hà. |
Quy trình chế tạo nên loại vật liệu này cũng khá đơn giản. Bước đầu tiên, băm nhuyễn xà phòng đá, rồi ngâm nước qua đêm. Sau đó, đem xà phòng đã ngâm đun tan chảy. Tiếp theo là trộn xi măng với nước theo tỉ lệ 1:1. Khi xà phòng đã nguội thì bắt đầu hòa 10 phần xi măng và 1 phần xà phòng với nhau. Cuối cùng là đem hỗn hợp vừa thu được dùng cọ phết lên tường đã được tô, rồi phơi thật khô.
“Do trong xà phòng có chứa axit béo có tính chống thấm cao, còn xi măng chứa canxi hidroxit. Khi hai chất này kết hợp sẽ cho ra canxi stearat, dẫn đến kết tủa. Vì vậy, khi phủ lớp hỗn hợp này lên tường sẽ tạo nên một màng chống thấm hiệu quả. Khi mưa xuống, nước sẽ không thể xâm nhập vào tường mà trôi xuống hết, giống như khi chúng ta đổ nước lên lá sen vậy” – Thu giải thích.
Không chỉ được chế tạo từ những loại nguyên liệu rẻ tiền, thân thiện với môi trường, mà loại “sơn” chống thấm này còn có nhiều đặc tính ưu việt như: An toàn khi sử dụng, hiệu quả cao, tránh được chi phí phát sinh trong quá trình tô vữa; thời gian sử dụng được lâu dài, có thể lên đến trên 4 năm nhưng vẫn giữ được tính chống thấm và không bị nấm mốc. Đặc biệt, sản phẩm được sử dụng làm từ những loại vật liệu giá rẻ, dễ tìm mua; 1kg xi măng chỉ 1,5 ngàn đồng, 1 bánh xà phòng chỉ 6 ngàn đồng, tương ứng chi phí sơn chống thấm chỉ khoảng 700 – 900 đồng/m2.
Tất cả nước đều trôi xuống khi ông Cách xối nước lên tường đã “sơn” chống thấm - Ảnh: Kim Hà. |
Vừa xây xong ngôi nhà cấp 4, ông Trần Văn Cách (ngụ phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) được giới thiệu loại vật liệu chống thấm do các em học sinh ở địa phương mình sáng chế ông liền áp dụng thử lên ngôi nhà của mình.
“Từ khi sơn lên đến nay đã hơn 1 tháng, trải qua mấy cơn mưa lớn rồi thấy nó trôi hết, không thấm vào tường tôi rất phấn khởi. Loại sơn này tốt ở chỗ giá rất rẻ, mình có thể tự pha chế ở nhà. Cả căn nhà tôi hơn 100m2 nhưng chỉ tốn 120 ngàn đồng để mua xà phòng và xi măng về chế sơn. Nếu không có cái này mình phải mua sơn chống thấm thì giá rất cao. Nhờ vậy tôi tiết kiệm được khoản tiền để mua sắm trong nhà” – Ông Cách phấn khởi nói.
Trao đổi với Tiền Phong, thầy Nguyễn Minh Tân – Giáo viên trường THPT Thuận Hưng, người hướng dẫn các em học sinh chia sẻ: “Ý tưởng của các em là giúp ích cho người nông dân giảm bớt chi phí giá thành xây căn nhà, tôi cũng hướng đến ý tưởng đó rồi hướng dẫn các em làm thí nghiệm. Ban đầu, đây cũng chỉ là một thí nghiệm đơn giản, dụng cụ của nhà trường cũng đơn sơ. Lúc đó, thầy trò thấy giữa ý tưởng đi đến thực hành nó rất xa. Nhưng sau quá trình lao động nghiêm túc, tôi rất bất ngờ về khả năng chống thấm của sản phẩm do các em tạo ra. Dự định sắp tới, thầy trò sẽ tiếp tục viết thêm những lí thuyết nghiên cứu sâu hơn nữa, đưa ra những tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc là những tiêu chuẩn của quốc tế để so sánh, nhằm hướng các em đến cuộc thi chuyên nghiệp hơn”.
Tác giả: KIM HÀ
Nguồn tin: Báo Tiền phong