Thượng úy Lê Phan Hồng Nhung (trái) và trung úy Trương Mỹ Loan cùng đồng đội tại lễ tuyên dương - Ảnh: K.ANH |
Thượng úy Lê Phan Hồng Nhung và trung úy Trương Mỹ Loan cùng công tác tại Biên phòng cửa khẩu cảng TP.HCM.
Cả hai cô nàng đều rất yêu màu áo xanh người lính biên phòng vì đều có ba là lính biên phòng.
"Từ nhỏ mình đã được ba đưa vào đơn vị chơi nhưng vì là con gái nên mình đã theo học đại học ngành khác. Khi lực lượng có nhu cầu tuyển dụng, mình đã sẵn sàng thi tuyển để được phục vụ trong môi trường quân đội" - thượng úy Lê Phan Hồng Nhung chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ vào nghề
Với vai trò là sĩ quan đội thủ tục, thượng úy Nhung đã cùng đồng đội thực hiện các thủ tục, kiểm tra, giám sát và đảm bảo an ninh, an toàn cho các phương tiện hoạt động ở khu vực cảng TP.HCM.
Nhịp độ tàu ra vào bến cảng của TP.HCM luôn đông khiến áp lực công việc của đội luôn căng thẳng.
Thượng úy Nhung đã cùng đội góp ý, tham mưu đề xuất lãnh đạo cấp trên xây dựng đề án "Nâng cao cải cách thủ tục hành chính trong kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP.HCM".
Thay vì thực hiện thủ tục theo thủ công trước đây, nay quy trình này đã được ứng dụng công nghệ, áp dụng phần mềm điện tử vào việc xét cấp giấy phép cho các cá nhân, tàu bè xuất, nhập cảnh vào các cảng của TP.
"Với ứng dụng này, các doanh nghiệp khai báo trực tiếp trên trang thông tin điện tử, tiết kiệm thời gian cho cả hai bên" - nữ thượng úy cho biết.
Nhung và đồng đội đã nhiều lần kịp thời phát hiện, xử lý và ngăn chặn nạn buôn bán hàng gian, hàng giả hay gian lận thương mại tại cửa khẩu cảng TP.
Thượng úy Nhung cho biết hiện tượng gian lận ngày càng tinh vi đòi hỏi người chiến sĩ phải nắm chắc quy trình, đảm bảo thủ tục và cương quyết đẩy lùi cái xấu mới có thể làm tốt công việc của mình.
Đặc thù công việc tại cảng là 24/24 giờ, ngày thường cũng như lễ, tết. Chọn con đường nhà binh dù tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Nhung nói đó là bởi bạn mong muốn được nối nghiệp cha mình.
"Bây giờ lại có ông xã làm cùng lực lượng, được chia sẻ nên mình rất hạnh phúc. Chuyên ngành học thời đại học đã được mình ứng dụng ngay trong công việc của người chiến sĩ tại cửa khẩu cảng" - thượng úy Nhung cho biết.
"Các chiến sĩ quân hàm xanh trẻ, giỏi đều là điển hình trên các lĩnh vực phụ trách, là lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, sống vì cộng đồng, có kỹ năng, tri thức và tác phong công nghiệp trong lao động, chiến đấu.
Đại tá Tô Danh Út (thành ủy viên, chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng TP.HCM)
Là đồng chí của ba
Cũng có ba là người lính biên phòng nên cô nàng Trương Mỹ Loan (tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia và đang học kinh tế văn bằng 2) tha thiết nộp đơn vào làm tại Biên phòng TP.HCM khi có thông tin tuyển dụng.
"Mình đã đi làm công ty được mấy năm nhưng bản thân từ lâu rất muốn được phục vụ trong quân đội".
"Ngày nhỏ, ba mình làm bộ đội biên phòng ở Bà Rịa - Vũng Tàu nên thường xuyên công tác tại đồn, những ngày hè mình theo ba vào đơn vị chơi cả tháng mới chịu về đi học" - trung úy Loan cho hay.
Loan kể ngày vào đơn vị ba, Loan thường nghe mọi người nói vui "ông toàn con gái, không có ai nối nghiệp nhà binh rồi".
"Lúc đó mình đã nói với ba mai này lớn lên con sẽ đi làm bộ đội. Và nay mình đã là đồng chí với ba rồi đó" - trung úy Loan cười thật tươi.
Làm ở đội hành chính, Loan còn là cây văn nghệ tham gia nhiều hội thi, giao lưu văn nghệ trong lực lượng và của Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM.
Rồi Loan cùng đồng đội tích cực tham gia các hoạt động khác như những lần đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng, đến khảo sát, chia sẻ và động viên các em học sinh khó khăn rồi trở về viết bài lên bản tin nội bộ kêu gọi mọi người ủng hộ thực hiện công trình "Nâng bước em đến trường". Trung úy Loan cho biết đơn vị đã nhận chăm lo cho hai học sinh từ tiểu học cho đến hết THPT.
Tác giả: Kim Anh
Nguồn tin: tuoitre.vn