Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL cuối năm 2018.
Chưa đồng bộ, kém hấp dẫn nhà đầu tư
Theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, nhiều năm qua, mạng lưới giao thông của ĐBSCL tuy được quan tâm đầu tư nhưng kết cấu hạ tầng vẫn chưa đồng bộ; Các trục giao thông chính gắn kết giữa nơi sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế; Chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về kết nối hệ thống giao thông cho toàn vùng mà chỉ có đề án cho từng địa phương nên thiếu sự đồng bộ;...
Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cũng cho rằng, nguyên nhân khiến các công trình hạ tầng giao thông ĐBSCL còn yếu, kéo dài là do nguồn vốn của toàn ngành chỉ đáp ứng một phần nhỏ kinh phí đầu tư; Dự án kết cấu hạ tầng giao thông không hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lý do là đa số dự án có tổng mức đầu tư lớn, giá phí không thể tăng quá mức chi trả của người dân nên hiệu quả tài chính rất thấp. Mặt khác, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng làm hạ tầng giao thông không phát huy hiệu quả.
|
Trước bài toán khó trên, theo chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp, cần đa dạng hóa các phương thức đầu tư, xã hội hóa đầu tư bằng các dự án BOT, BTO, PPP. Để tháo các điểm nghẽn giao thông ĐBSCL, cần sớm hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ; hoàn thiện một số tuyến QL như đường N2, QL60 đoạn qua cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên; hoàn thành cầu Vàm Cống, đầu tư mới các cầu Đại Ngãi, Rạch Miễu 2.
“Quan trọng hơn, cần giải bài toán vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên bằng những giải pháp khả thi, đầu tư tập trung, đồng bộ; bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình giao thông, tăng cường giao thông liên kết vùng và kết nối các phương thức giao thông đường thủy, bộ, hàng hải, hàng không và phát triển đường sắt trong vùng”, ông Hiệp nhìn nhận.
Những công trình có tính “động lực”
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn 2018-2020, Bộ sẽ triển khai sớm một số tuyến đường có tính chất động lực, tác động lan tỏa, tính kết nối vùng cao và tháo gỡ điểm nghẽn của vùng. Cụ thể như: Xây dựng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, đường N2 nối Long An - Đồng Tháp và Kiên Giang; Nâng cấp QL60 đoạn cầu Rạch Miễu – Cổ Chiên; Nâng cấp kênh Chợ Gạo 2, dự án logistics ĐBSCL; Đầu tư xây dựng Cảng Trần Đề; Nâng cấp cảng hàng không Cần Thơ;…
Theo kế hoạch, tháng 6/2019, cầu Vàm Cống, cây cầu thứ hai sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu sẽ chính thức khánh thành. Hiện Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư) đang nỗ lực để đảm bảo cuối tháng 3/2019 hoàn tất công tác thi công, chuẩn bị cho công tác kiểm định thử tải, kiểm tra nghiệm thu.
Còn với các tỉnh ven biển ĐBSCL, tuyến QL60 là tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh hành lang ven biển Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu với TP.HCM, miền Đông Nam bộ. Trên tuyến QL60, Bộ GTVT đã đầu tư, hoàn thành 3/4 cầu lớn gồm cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên. Chỉ còn nút thắt cuối cùng để thông toàn tuyến QL60 là xây dựng cầu Đại Ngãi. Theo Bộ trưởng Thể, dự án này đã được đăng ký vốn ODA của Nhật Bản.
Ngoài ra, hiện Bộ GTVT cũng đang đẩy nhanh các bước đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nhằm giảm áp lực ùn tắc và kẹt xe cho cầu Rạch Miễu (Bến Tre). Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết cầu Rạch Miễu 2 sẽ được đầu tư cùng thời điểm với cầu Đại Ngãi để đảm bảo sự đồng bộ và kết nối giao thông thông suốt cho QL60.
Trong các buổi làm việc với Bộ GTVT, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL đã bày tỏ sự vui mừng, kỳ vọng rằng các công trình giao thông quan trọng sắp được triển khai sẽ giúp giảm bớt áp lực, ùn tắc cho QL1A. Hơn cả, đây là cơ hội cho các tỉnh ĐBSCL phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.
Tác giả: Giang Luân
Nguồn tin: Báo Công Luận