Giáo dục

Giáo viên ngóng thưởng, 'quay cuồng' làm thêm để có tiền tiêu Tết

Trong khi chuyện “thưởng Tết” là đề tài “nóng hổi” trên các diễn đàn của giáo viên vào dịp cuối năm thì không ít thầy cô đã vạch kế hoạch làm thêm để kiếm tiền tiêu Tết.

Thưởng tết: Nơi vài trăm, nơi cả chục triệu

Cô Đỗ Thị Dung, giáo viên trường THCS Dương Liễu (Hà Nội), chia sẻ trong ngậm ngùi khi có thâm niên 20 năm đứng lớp nhưng tiền thưởng Tết không đáng là bao.

Tết năm nay chưa được nhà trường thông báo kế hoạch nhưng như năm ngoái, giáo viên được xếp loại thi đua xuất sắc được thưởng trong khoảng triệu đồng. Người được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ được vài trăm nghìn đồng.

“Những ngành khác dịp Tết nói chuyện thưởng cao, giáo viên như mình cũng thấy chạnh lòng. Nhưng có tiền còn hơn không vì nhiều đồng nghiệp ở vùng sâu vùng xa có khi còn không được vậy. Lương giáo viên thấp, không đủ trang trải đời sống, nhiều người nói cả chục năm nay cũng không giải quyết được nói gì đến thưởng”, cô Dung nói.

Cũng theo cô Dung, dù khoản thưởng Tết không đáng là bao nhưng giáo viên vẫn ngóng dù chỉ đủ mua 1 hộp quà về biếu bố mẹ.

Cô Đỗ Thị Huyền, giáo viên trường THPT tại Nghệ An cho biết, bao nhiêu năm qua tiền đi tết chỉ dao động trong khoảng từ 1 đến 1,2 triệu đồng nếu có khoản 200 nghìn thưởng Tết của ban phụ huynh.

Còn cô Đỗ Thị Thương, giáo viên dạy học tại một trường mầm non ở khu vực Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, năm ngoái cô còn không có một khoản thưởng nào vì dịch COVID-19 kéo dài, trường cô dạy bị giải thể.

Cô Thương nói, đi dạy cách xa quê nhà Hải Dương cả gần 100 km nên chỉ dịp Tết và nghỉ hè mới về. Muốn mua sắm nhiều thứ biếu bố mẹ nhưng với đồng lương thấp, không có tiền tiết kiệm, tiền thưởng ít ỏi đành phải chi tiêu dè sẻn nên nhiều lúc Tết đến xuân về thì cô lại muốn khóc.

“Ước gì Tết này giáo viên có tháng lương thứ 13 như người giúp việc thôi cũng được”- đó là mong ước được thốt lên từ một giáo viên gây được sự đồng cảm của nhiều đồng nghiệp.

Còn cô Nguyễn Thị Quỳnh, giáo viên của một trường tư thục bên huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, năm ngoái vì dịch covid-19 kéo dài chỉ học online nên tiền thưởng chỉ vài triệu, thua xa các năm trước không dịch.

Cô Quỳnh cho biết, đến thời điểm này chưa được ban giám hiệu nhà trường công bố tiền thưởng Tết là bao nhiêu nhưng cô mong sẽ được như mọi năm trước. Nếu như vậy thì nhà trường các giáo viên sẽ được thưởng một tháng lương.

“Nếu được thưởng một tháng lương thì giáo viên trong trường sẽ dao động từ 5 đến 25 triệu đồng. Nếu được như vậy thì cũng tạm được một phần cho việc sắm Tết chứ riêng tiền thuê xe về Nghệ An đã mất mấy triệu. Đúng là nơi khác giáo viên không có tiền thưởng thì đúng là tủi phận biết bao nhiêu”- cô Quỳnh chia sẻ.

Cô giáo Đỗ Ngọc Dung, hiệu trưởng trường THCS Minh Khai, Hà Nội chia sẻ, ở trường cô vẫn cố gắng để giáo viên có một khoản nhỏ tiền Tết cho các thầy cô đỡ tủi thân.

“Năm nay cố gắng lắm chắc mỗi giáo viên tất tần tật được 1 triệu đồng. Tiền đó được trích từ mục Chi thường xuyên, trường chi tiêu tiết kiệm để có tiền tết cho giáo viên chứ không phải là tiền thưởng đúng nghĩa”- vị hiệu trưởng này chia sẻ.

Giáo viên quay cuồng làm thêm để có tiền “tiêu” Tết

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2023, đây là thời điểm mà không ít giáo viên lên kế hoạch làm thêm để kiếm tiền tiêu Tết.

Cô giáo Nguyễn Thị Linh (Hà Nội, giáo viên dạy môn Kỹ thuật Công nghiệp) cho biết, cô đang quay cuồng làm thêm chả cá, thịt gà khô để bán lấy tiền tiêu tết.

Để có thể bán được nhiều, cách đây 2 tháng, tình cờ biết được công thức để làm chả cá cũng như thịt bò khô trên mạng xã hội, cô Linh đã bắt tay vào làm thử. Cô không nghĩ sau đó lại được mọi người khen ngon và ủng hộ làm nhiều để bán.

Cô Linh chia sẻ: "Lúc đầu mình chỉ bán được số lượng rất nhỏ. Về sau mọi người mua nhiều nên thu nhập tăng lên, mình có động lực bán hàng hơn. Mình chịu khó đăng vào các hội nhóm bán hàng, học tập bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Giờ mỗi tuần cô có thể làm nhiều món để bán hàng tăng thêm thu nhập mong có tiền tiêu tết”.

Cô Nguyễn Thùy Dương, giáo viên thể dục ở một trường THPT ở Hà Nội cho biết, để kiếm tiền tiêu tết, cô nhận làm thuê cho 1 xưởng làm giò chả với mức thu nhập 200 nghìn/ buổi và 500 nghìn nếu làm cả ngày.

“Lo cả một cái Tết tính bằng chục triệu nên nếu chỉ được thưởng có 1 triệu thì không đủ. Năm nào tôi cũng phải làm thêm để có tiền mua sắm, vừa phải nhờ nhà trường ứng trước một tháng lương mới đủ. Đi làm thêm có tiền tiêu tết nhưng vất lắm, đều làm ròng rã đêm hôm.”- cô Dương chia sẻ.

Cô Nguyễn Thúy Anh, một giáo viên dạy môn Tin học ở Hà Nội cho biết, 3 năm trở lại đây năm nào cô cũng nhập miến dong để bán Tết. Ngoài ra, vào tầm 27,28 tháng Chạp cô nhận thêm những đơn bánh chưng nữa.

“Làm bánh chưng cũng vất lắm, bán cho người ở quê cũng không dám lấy lãi nhiều nên mỗi chiếc bánh chỉ lãi tầm 5 nghìn đồng. Cả dịp làm được 200-300 chiếc cũng không được nhiều nhặn gì. Nhưng nghĩ đến con có cái Tết có thịt, vợ chồng lại cố”- cô Thúy Anh chia sẻ.

Đừng vì dịp Tết mới bàn tiền thưởng, hãy nghĩ đến thay đổi lương cho nhà giáo

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, thầy cô giáo là người có lòng tự trọng và mong muốn sống được bằng đồng lương. Nhất là những dịp Tết nguyên đán đều mong có được mức thu nhập để có đáp ứng yêu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Tuy nhiên, theo vị hiệu trưởng này, thực tế hiện nay nhìn ra những ngành khác thì mức lương của nhà giáo quá thấp và chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu nên chỉ có một số ít thầy cô có thể dạy thêm, thu nhập thêm còn hầu hết các thầy cô giáo khác phải đi làm thêm.

Theo đó, người yêu quý nghề và có khả năng thì tìm được công việc thêm ở trường ngoài công lập khác hay các trung tâm kiếm thêm thu nhập. Giáo viên không có khả năng cũng như cơ hội thì thường làm thêm công việc khác như bán hàng trên mạng, chạy giao hàng, làm thêm món ăn,…

"Đây là điều đáng buồn không ai mong muốn. Điều này làm cho thầy cô giáo giảm đi tình yêu với nghề vì cuộc sống mà phải làm"- ông Bình nhấn mạnh.

Ông Bình cho rằng không phải dịp Tết đến mới bàn việc này mà trong cuộc sống thường ngày cần tính làm sao để tăng thu nhập cho giáo viên, làm sao để giáo viên có cuộc sống tạm ổn đáp ứng được nhu cầu cuộc sống tối thiểu.

"Với mức lương của giáo viên mới vào nghề mà mức chi tiêu như hiện nay thì giá cả tăng lên hàng ngày thì không thể đáp ứng cuộc sống. Giáo viên sẽ phải bỏ sức lực không đáng có vào công việc khác để mưu cầu cuộc sống"- ông Bình nói.

Bà Đỗ Thị Lan Hương, Hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương cho rằng, đúng là vấn đề thu nhập của giáo viên thấp là vấn đề muôn thuở. Việc lương quá thấp không đủ sống thì giáo viên phải quay cuồng làm thêm.

"Vấn đề lương bao nhiêu năm qua chưa thay đổi khiến giáo viên cả nước vẫn đợi chờ. Ngay như trường tôi đây, co kéo thưởng Tết năm nay cho mỗi giáo viên giữa 500 nghìn 700 nghìn đã khá khó khăn. Giáo viên quan tâm nhiều hơn ở vấn đề thay đổi lương trong thời gian tới", bà Hương nhấn mạnh.

"Tôi cho rằng về lâu dài cần cơ chế chính sách để đảm bảo đời sống giáo viên, để giáo viên phải tấp tểnh chuyện dạy thêm làm thêm thì mới chuyên tâm vào giảng dạy"- vị hiệu trưởng này cho biết.

Tác giả: Đỗ Hợp

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP