Trường cao vời vợi, trường... lè tè
Lâu nay, giáo viên ở TPHCM đã quen với khoản tiền chia thu nhập tăng thêm, thường được tất toán trước Tết Nguyên đán nên được gọi là thưởng Tết. Khoản tiền này ở các đơn vị không giống nhau, có những trường, giáo viên (GV) nhận hàng chục triệu nhưng có nơi, GV cũng chỉ nhận vài trăm nghìn đồng như là "lộc" cuối năm.
Giáo viên giữa các trường ở TPHCM có khoản thu nhập tăng thêm chênh lệch. (Ảnh mang tính minh họa) |
Ông Trần Duy Trọng, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Q. Bình Tân) cho biết, sau khi tổng kết các khoản chi trong năm, khoản chi thu nhập tăng thêm cho mỗi người năm nay ở mức trên 10 triệu đồng. Các khoản chia cũng có chênh lệch giữa các đối tượng nhưng không lớn, bởi đây là công sức đóng góp của tất cả mọi người và là nguồn động viên rất lớn với từng thành viên.
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, mức chia thu nhập tăng thêm cuối năm cho GV ở mức 8 - 9 triệu đồng/người; những người lâu năm nhận 10 - 12 triệu, cán bộ quản lý cao hơn 1 - 2 triệu. Đây là khoản tiền kết dư từ việc sử dụng tiết kiệm văn phòng phẩm, điện nước, cộng các khoản phúc lợi.
Tuy nhiên, được biết, Trường THPT Bùi Thị Xuân không dành chia hết vào cuối năm mà trường có chia một ít khoản thu nhập tăng thêm theo hàng tháng để GV lo toan cho cuộc sống.
Con số trên có thể xem là mức chia thu nhập tăng thêm trong đội ngũ nhà giáo mức bình quân ở TPHCM. Mọi năm, ở TPHCM, có những trường chia thu nhập tăng thêm cao "ngất ngưởng". Có trường lên đến trên 30 triệu đồng/người nhưng bên cạnh đó, có nơi GV chỉ nhận được vài trăm nghìn đồng.
Năm 2018, Trường mầm non Hướng Dương (Hóc Môn) lập kỷ lục khi chia thu nhập tăng thêm cho toàn bộ người lao động tại trường, không phân biệt vị trí công tác, mỗi người trên 30 triệu đồng. Con số này tạo sự phấn chấn cho đội ngũ sau một năm làm việc.
Bên cạnh con số "khủng" này, nhiều nơi GV chỉ nhận được 500.000 đồng đến vài ba triệu tiền chia thu nhập tăng thêm.
Năm 2017, theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, mức chia tăng thu nhập bình quân là 5 triệu đồng/người. Tuy nhiên, có sự chênh lệch khó tin giữa các trường, mức chia cao nhất lên đến 25 triệu đồng/người nhưng thấp nhất lại chỉ... 500.000 đồng/người.
Đối với đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài thưởng Tết với mức cao nhất là 79 triệu đồng và mức thưởng thấp nhất là 5,2 triệu đồng.
Khó so sánh
Được biết, tiền thu nhập tăng thêm với tên gọi "thưởng Tết" là tiền từ ngân sách rót về trường hàng năm. Sau khi trừ các khoản kinh phí dành cho hoạt động của một năm, còn lại nhà trường mới tính toán, chia thu nhập tăng thêm cho GV cán bộ công chức, viên chức của trường.
Việc chăm lo Tết cho nhà giáo đang ngày càng được quan tâm |
Tùy vào điều kiện, khả năng "chi tiêu" của từng trường nên các mức không giống nhau và cách chia cũng khác nhau. Có trường chia theo kiểu cào bằng cho tất cả mọi người nhưng có trường lại chia theo hệ số chức vụ, thâm niên. Có thể ngay trong một trường, người biên chế thì phấn khởi thì GV hợp đồng đã buồn lòng.
Quản lý một trường học ở Bình Thạnh, TPHCM cho biết việc chia thu nhập tăng thêm không có một quy định cụ thể nào hết và cũng không phải là tháng lương 13. Nên rất khó so sánh giữa trường này với trường khác, giữa người này với người khác.
Tuy nhiên, việc tiền Tết có độ vênh rất lớn giữa các đơn vị trong tâm lý của mỗi người khó tránh khỏi được tâm trạng người vui, kẻ ngậm ngùi.
Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu, những đơn vị được trích quỹ thưởng theo chế độ cho cá nhân, đơn vị có công trong phối hợp, giúp đỡ phải công khai danh sách thưởng và mức thưởng cho toàn thể cơ quan, đơn vị biết.
Cũng phải nhắc đến, với cơ chế đặc thù, năm nay, GV, nhân viên trong ngành Giáo dục ở TPHCM sẽ có khoản thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của HĐND thành phố. Mức chia này giúp GV có thêm khoản thu nhập đáng kể trong năm nhưng chỉ dành cho GV hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ xét theo từng quý.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí