Giáo dục

Bộ Giáo dục yêu cầu không quy định thêm sổ sách cho giáo viên

Chỉ thị mới của Bộ trưởng Giáo dục cho phép giáo viên lựa chọn hình thức viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng hồ sơ, sổ sách.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ngày 18/1 đã ra chỉ thị chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.

Văn bản nêu rõ, hiện nay trong các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, giáo viên phải sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường, làm mất công sức, gây áp lực và ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của thầy cô.

"Giám đốc các Sở Giáo dục, Trưởng phòng Giáo dục và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm, hoặc yêu cầu giáo viên có thêm loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục ban hành", văn bản nêu.

Giáo viên

Giáo viên tại lớp học ở trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Gia Chính.

Bộ đặc biệt nhấn mạnh việc giáo viên được chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Việc sử dụng các tài liệu điện tử của giáo viên và nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí quản trị tổ chức, hành chính nhà trường, đánh giá tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định về Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Các trường cần từng bước sử dụng hồ sơ sổ sách điện tử thay thế sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp.

Việc nắm tình hình và xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chỉ thị ở các địa phương do Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục chủ trì. Giám đốc Sở Giáo dục chỉ đạo, tổ chức thanh tra xử lý kịp thời các vi phạm quy định về hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; báo cáo về Bộ Giáo dục qua Vụ Giáo dục Trung học trước ngày 15/6 hàng năm, văn bản viết.

Trước đó trong hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (ngày 9/1), Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2019 ngành giáo dục kiên quyết giảm gánh nặng sổ sách hành chính, các cuộc thi nhà giáo không cần thiết để giảm áp lực cho giáo viên. Bộ cũng đề nghị địa phương và các bộ ban ngành liên quan chung tay giải quyết áp lực thi đua cho các trường; có chính sách lương bổng để nhà giáo yên tâm làm tốt công việc.

Tác giả: Quỳnh Trang

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP