Kinh tế

Giá ô tô sẽ giảm khi thuế tiêu thụ đặc biệt giảm?

Nếu đề xuất miễn thuế TTĐB với linh kiện sản xuất trong nước của Bộ Tài chính được áp dụng, không chỉ giúp thúc đẩy sản xuất mà còn giúp giá xe giảm.

Thuế giảm, giá xe sẽ giảm?

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 655/BTC-CST gửi Thủ tướng về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2015/NĐ -CP.

Tại văn bản này, Bộ Tài chính đề cập tới đề xuất sửa Luật thuế theo hướng - "Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước".

Như vậy, theo tính toán, nếu được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với phần linh kiện sản xuất trong nước thì chí phí cho giá thành sản xuất ô tô sẽ giảm. Từ đó, giá xe cũng sẽ giảm và người tiêu dùng có nhiều cơ hội tiếp cận với các mẫu xe hơn.

Nếu được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện sản xuất trong nước thì giá thành sản xuất ôtô sẽ giảm.

Theo Bộ Tài chính, chính sách này được thực hiện sẽ khuyến khích các doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.

Tuy nhiên, dẫn quy tắc đối xử quốc gia nêu tại Điều III Hiệp định GATT của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bộ Tài chính lo ngại nếu hướng dẫn giá tính thuế TTĐB được trừ đi giá trị linh kiện sản xuất trong nước “có thể sẽ vi phạm cam kết về phân biệt giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước”.

Đây cũng là điều mà chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long lo ngại. Theo ông, đề xuất này của Bộ Tài chính là nhằm khuyến khích tăng tỉ lệ nội địa hóa của các dòng xe lắp ráp, thúc đầy sử dụng các linh kiện sản xuất trong nước nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này lại liên quan đến các quy định của Hiệp định GATT do đó nếu áp dụng nên cẩn trọng.

“Một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia cũng áp dụng quy định trừ giá trị linh kiện nhập khẩu hoặc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước trong một thời gian ngắn 3-5 năm. Do đó, ở Việt Nam cũng chỉ có thể áp dụng tương tự vậy và các doanh nghiệp cần biết tận dụng cơ hội này. Khi thuế TTĐB giảm thì giá xe sẽ giảm và giúp xe trong nước nâng cao tính cạnh tranh với các dòng xe nhập khẩu” – PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Còn theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, giá thành ô tô trong nước sẽ giảm bởi trừ được phần phụ tùng ở trong nước. Tuy nhiên, phần phụ tùng đó là bao nhiêu (nội địa hóa) cần phải được xác minh rõ bởi hiện nay đối với việc này đang có những cách tính khác nhau.

Theo TMV, huế TTĐB chỉ là một trong những yếu tố cấu thành giá của xe.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Toyota Việt Nam (TMV) cho biết, giá xe được quyết định dựa trên nhiều yếu tố và thuế TTĐB chỉ là một trong những yếu tố. Mỗi hãng đều có những chiến lược riêng. Do đó, việc giảm thuế giúp giảm giá xe chưa thể khẳng định được vì còn nhiều yếu tố chi phối.

Cũng theo đại diện TMV: “Trong ngành công nghiệp ô tô, sản lượng là yếu tố cốt lõi đối với sự phát triển và năng lực cạnh tranh. Khi bạn đánh giá sự cạnh tranh với các quốc gia khác, ví như Indonesia hay Thái Lan, mức độ cạnh tranh thấp hơn nhiều, phần lớn là do doanh số thấp. Vì vậy, điều đầu tiên chúng tôi cần làm là tăng doanh số bán hàng.

Cùng với đó, việc cạnh tranh với các quốc gia khác, doanh số ảnh hưởng tới giá thành, nhưng giá thành không phải yếu tố duy nhất. Một yếu tố quan trọng khác, đó là chất lượng. Ngay cả khi đủ sản lượng, chúng tôi cũng không có đủ nhà cung cấp linh kiện đủ chất lượng, nếu như vậy thì vô nghĩa. Vì vậy, điều thứ 2 chúng tôi cần làm là cố gắng hỗ trợ các nhà cung cấp nội địa”.

Muốn giảm giá xe, ngành công nghiệp hỗ trợ phải phát triển

Việc Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật thuế theo hướng - "Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước", cũng là muốn thúc đấy sản xuất trong nước, sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô...khuyến khích công nghiệp hỗ trợ phát triển và giảm giá xe cho người tiêu dùng.

Nền công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam vẫn còn hạn chế

Tuy nhiên, theo ông Lương Đức Toàn, phó Trưởng phòng Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo – Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), đầu tư cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô tại Việt Nam còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại và sản lượng. Sức cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sản xuất, lắp ráp ô tô còn hạn chế, nhất là sản phẩm của các doanh nghiệp nội địa.

Theo đại diện TMV, thị trường ô tô Việt Nam hiện vẫn còn rất non trẻ, do đó, một phương án tiếp cận toàn diện nên được đưa vào thực hiện trong tương lai.

Đầu tiên, cần dài hạn nhằm đảm bảo sự tăng trưởng ổn định của thị trường ô tô, giữ tỉ lệ cân bằng giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Thứ 2, cần hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước để giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách giữa xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Thứ 3, cần công bằng với tất cả các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ 4, cần hỗ trợ đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô.

Trong khi đó, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trường Hải, trong công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp giảm giá thành, định vị sản phẩm cho dòng xe tải, bus và xe con. Nếu doanh nghiệp có thể tự sản xuất được linh kiện với quy mô lớn, hoặc trao đổi linh kiện phụ tùng với các nhà sản xuất khác sẽ là yếu tố thuận lợi góp phần giảm chi phí.

Vì vậy, theo ông Lương Đức Toàn, muốn phát triển CNHT ngành ô tô cần nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; Thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh bao gồm thị trường trong nước và ngoài nước, đặc biệt với một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc.../.


Tỷ lệ mua phụ tùng trong nước đạt ở mức khác nhau tùy theo chủng loại xe và nhà sản xuất (10-30% đối với xe du lịch, >30% đối với xe tải, >40% đối với xe buýt).

Đối với các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng về cơ bản (xe tải 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, một số loại xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 55%). Một số phụ tùng linh kiện đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ.

Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Tác giả: Gia Linh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP