Du lịch

Ghé thăm chợ nổi Cái Răng

Chợ nổi là đặc sản của miền Tây. Nếu đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì coi như chưa đến. Chợ thường hoạt động từ mờ sáng nên phải dậy sớm nếu muốn tận hưởng hết được màu sắc và không khí mua bán nhộn nhịp rất đặc trưng ở miền sông nước này.

Chợ nổi Cái Răng.

Chợ nổi Cái Răng được hình thành vào những năm đầu của thế kỷ XX, trước khi xuất hiện chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), nằm trên trục đường thủy sông Cần Thơ, Kênh xáng Xà No nên rất thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận. Chợ nằm cách trung tâm thành phố khoảng 6 km, bắt đầu từ bến Ninh Kiều đi bằng đường thủy mất chừng 30 phút, giá thuê từ 300.000 – 600.000 đồng/ tàu (từ 7 – 40 người) hoặc đến chợ An Bình nằm cạnh chợ nổi, thuê một tàu du lịch giá 150.000 đồng để có hơn 1 giờ lênh đênh trên sông nước.

Chợ nổi Cái Răng - khu chợ nổi tiếng của mảnh đất Tây Đô này mỗi ngày thu hút hàng nghìn lượt du khách trong, ngoài nước mỗi khi có dịp du lịch Cần Thơ. Nét đặc trưng ở chợ nổi chính là buôn bán đủ các loại trái cây và các mặt hàng nông sản khác như bí đỏ, dưa hấu, củ sắn… của vùng đất phương Nam. Đến đây, đắm mình vào không gian của chợ với bạt ngàn trái cây, rau quả trên chiếc xuồng ba lá dập dềnh mặt nước thấy cuộc sống thật quá đỗi bình yên.

Những chiếc thuyền, ghe chất đầy chôm chôm, bưởi, cóc, ổi… Những người phụ nữ miền Tây hồn hậu, xởi lởi với chất giọng ngọt ngào không ngớt lời mời khách mua trái cây. Cách quảng cáo hàng hóa ở đây có lẽ là độc nhất vô nhị, người bán loại hàng nông sản nào thì treo loại hàng đó lên một cây sào trên đầu ghe để chào hàng. Nếu ghe chuyên bán khoai lang thì trên cây xào sẽ treo lủng lẳng vài củ khoai, còn nếu ghe bán xoài thì trên cây xào sẽ có treo vài quả xoài hay những chùm dừa, thanh long… Những ghe như thế gọi là ghe bẹo. Sức hút của chợ nổi Cái Răng chính là giữ gìn và phát huy được nét đặc trưng vùng sông nước và sự tươi ngon của trái cây vì hầu hết đều mới hái đem ra chợ bán.

Chợ nổi Cái Răng thường họp khá sớm, từ tờ mờ sáng cho đến khi mặt trời nhô cao, khoảng 9,10 giờ thì vãn hàng. Ngày xưa, người dân thường dùng xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản để về họp chợ nổi nhưng bây giờ cuộc sống khá hơn các thương lái dùng ghe máy, tắc ráng. Thế nhưng khi đến chợ thì không thuyền nào nổ máy, họ dùng mái chèo khua nước len lỏi giữa hàng trăm ghe thuyền khác. Đều là các thương lái nhưng việc buôn bán ở đây diễn ra nhẹ nhàng, đậm tình của người miền Tây chứ không hề eo xèo, tranh mua, tranh bán như nhiều nơi khác.

Điều thú vị hơn là ở đây không chỉ có các thuyền trái cây, mà còn có nhiều loại dịch vụ khác như thuyền bán phở, hủ tiếu, cà phê,...Các ghe bán hàng rong bán đồ cho người đi chợ, cả khách du lịch.

Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng Chợ nổi Cái Răng vẫn tồn tại và phát triển, như một nét văn hóa đậm chất miền Tây Nam Bộ.

Tác giả: Châu Thành

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP