Trong nước

Em trai ông Đinh La Thăng lĩnh án, hai doanh nghiệp dầu khí lao đao

Thương vụ chuyển nhượng dự án Nam Đàn Plaza bị phanh phui khiến Trịnh Xuân Thanh lĩnh án chung thân thứ hai, Đinh Mạnh Thắng bị tuyên phạt 9 năm tù giam, hai doanh nghiệp liên đới phải đối mặt với hàng loạt khó khăn chưa tìm thấy lối thoát.


Thương vụ “đi đêm”

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (trái) và Đinh Mạnh Thắng (phải) tại toà.

Theo cơ quan điều tra, ông Đinh Mạnh Thắng là người có vai trò kết nối cho bà Thái Kiều Hương gặp Trịnh Xuân Thanh để nhờ Thanh "quan tâm, ủng hộ cho PVP Land thoái vốn khỏi dự án Nam Đàn Plaza". Khi đó, PVP Land là công ty con của PVC do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT, sở hữu 12,12 triệu cổ phần - chiếm 50,5% vốn công ty Xuyên Thái Bình Dương, chủ đầu tư dự án.

Nhờ sự móc ngoặc của Thắng, Trịnh Xuân Thanh đã đồng ý cho PVP Land bán toàn bộ vốn tại dự án Nam Đàn Plaza. Tuy nhiên phần diện tích 9.584m2 đất được bán với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá thực tế 52 triệu đồng/m2 khiến PVP Land thiệt hại hơn 87 tỷ đồng, các bị can chiếm đoạt 49 tỷ đồng.

Trong số đó, Trịnh Xuân Thanh được "lại quả" 14 tỷ đồng và Đinh Mạnh Thắng được Thái Kiều Hương "cảm ơn" 5 tỷ đồng. Số tiền trên đã bị Hương đòi lại vào tháng 4/2010 khi vụ án Lê Hoà Bình cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại dự án Thanh Hà Cienco 5 vỡ lở. Tuy nhiên, 7 năm sau, vào cuối năm 2017, bị cáo Đinh Mạnh Thắng mới bị khởi tố.

Khai tại toà, Đinh Mạnh Thắng một mực khẳng định không dính líu đến việc chuyển nhượng cổ phần, việc tham gia vào vụ án là vô tình và không cố ý. "Bị cáo không biết đến việc bán cổ phần. Nếu bị cáo biết chắc chắn không làm. Với những tình tiết giảm nhẹ như quá trình công tác, số tiền đã hoàn trả và bồi thường thiệt hại của bị cáo, kính mong HĐXX phán xử một cách công tâm để mức án thấp hơn so với đề xuất của VKS. Bị cáo mong được giảm nhẹ hình phạt để nhanh chóng trở về với gia đình và xã hội, nhất là về chịu tang người cha mới mất cách đây không lâu của bị cáo", Đinh Mạnh Thắng nói.

Dầu khí Sông Đà khóc ròng

Trước khi vướng vào vòng lao lý, giống như người anh của mình, Đinh Mạnh Thắng từng có con đường công danh khá thuận lợi. Ông từng giữ chức vụ cao nhất tại CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà (PVSD, nay là công ty Cổ phần SDP) ngay từ khi thành lập. Đơn vị này là cái bắt tay giữa PVN và Tổng công ty Sông Đà, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp các công trình xây dựng công nghiệp, dân dụng.

Giữa tâm bão nhân sự của PVN cùng hàng loạt những lùm xùm liên quan đến dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, PVSD cũng không nằm ngoài vòng xoáy thua lỗ. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này ngày càng lao dốc, đặc biệt trong năm 2017. Theo báo cáo tài chính được SDP công bố gần đây nhất, doanh thu năm 2017 sụt giảm gần 40% so với năm trước, về mức 285 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đảo chiều báo lỗ gần 10 tỷ đồng (năm trước lãi 5,3 tỷ đồng).

Về quy mô tài sản, tổng tài sản của SDP tới cuối năm 2017 là 679 tỷ đồng, giảm 22% so với đầu năm, phần lớn là các khoản phải thu (338 tỷ đồng) và hàng tồn kho (135 tỷ đồng). Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả là 542 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính cả ngắn và dài hạn là 178 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của SDP hiện nay là ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Tây với số dư hơn 150 tỷ đồng - cao hơn vốn điều lệ công ty (111 tỷ).

Cho đến khi phải đối mặt với mức án bị đề nghị là 10 - 11 năm tù, dù bị đình chỉ các chức vụ tại SDP, Đinh Mạnh Thắng vẫn là cổ đông cá nhân lớn thứ hai tại đây, đứng sau Chủ tịch HĐQT Vũ Trọng Hùng. Báo cáo quản trị năm 2017 của SDP cho thấy, ông Đinh Mạnh Thắng vẫn sở hữu 746.000 cổ phiếu SDP - tương ứng 6,71% vốn điều lệ công ty.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh xuống dốc khiến cổ phiếu SDP hiện chỉ tương đương cốc trà đá - giao dịch quanh vùng giá 2.300 đồng/CP, giảm liên tục sau thông tin tiêu cực liên quan đến em trai ông Đinh La Thăng. Tổng tài sản quy đổi số cổ phiếu trên của ông Thắng chỉ còn khoảng 1,7 tỷ đồng.

Nhân tố mới tại PVP Land

Xoay quanh vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, công ty PVP Land - nay đã lột xác thành CTCP Đầu tư Nhà đất Việt (PV Power Land, mã chứng khoán PVL) cũng không tránh khỏi thảm cảnh thua lỗ triền miên. Nam Đàn Plaza chỉ là một trong hàng loạt dự án "đắp chiếu" nhiều năm trên mặt đường Phạm Hùng - đường vành đai 3 Hà Nội. Nằm trên trục đường sầm uất, cửa ngõ vào thành phố và chỉ cách toà nhà cao nhất Thủ đô - Keangnam Landmark chỉ 100m, sự hoang tàn của một dự án từng là niềm hy vọng của ngành dầu khí khi rẽ ngang sang bất động sản lại càng thảm hại.

Tháng 10/2002, TP.Hà Nội quyết định thu hồi 9.584m2 đất và giao cho CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương để làm dự án nhà tang lễ. Đến 2006, dự án được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành tổ hợp trung tâm thương mại và chung cư cao tầng. Năm 2009, sở Quy hoạch và Kiến trúc đã duyệt điều chỉnh quy hoạch và phương án thiết kế, đến tháng 11/2009 thì dự án được chấp thuận đầu tư cho công ty Địa ốc Dầu khí viễn thông (tiền thân là công ty Xuyên Thái Bình Dương).

Nam Đàn Plaza và chủ đầu tư PVP Land đã thay tên đổi họ sau 15 năm nhưng vẫn chịu cảnh đắp chiếu.

Sau 15 năm kể từ ngày được giao đất, dự án Nam Đàn Plaza cũng đã nhiều lần được thay tên đổi họ, nhưng thực tế dự án vẫn giống như "cái dớp" dai dẳng đeo bám chủ đầu tư. Theo quan sát của PV, bên ngoài dự án chỉ còn những bảng hiệu đề tên doanh nghiệp, những thanh sắt hoen gỉ lộ ra ngoài trời dãi dầm cùng mưa gió.

Nhân vật chính trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và 6 đồng phạm là công ty PVP Land, đến cuối năm 2017 ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 312 tỷ đồng - chiếm quá nửa vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Tổng tài sản theo đó cũng bốc hơi gần 50% - tương đương 522 tỷ đồng chỉ trong vòng một năm. Những con số trên chỉ phản ánh phần nào thực trạng tài chính tồi tệ mà PVP Land đang gặp phải.

Trước khi vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh bị phanh phui, tháng 4/2016, PVC đã kịp "chạy" khỏi PVP Land khi chuyển nhượng thành công 4 triệu cổ phiếu - tương đương 8% vốn điều lệ cho công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Việt Nam (VITD). Đây là một doanh nghiệp liên quan đến Chủ tịch HĐQT PVP Land, ông Trần Quốc Huy. Ông Huy hiện là Tổng giám đốc VITD.

Không chỉ dừng ở đó, ngày 25/1 vừa qua, VITD tiếp tục thông báo muốn mua thêm 4 triệu cổ phiếu PVL thông qua giao dịch thoả thuận và khớp lệnh. Nếu thương vụ thành công, số cổ phần do ông Huy và VITD sở hữu sẽ lên tới 18,55%. Ông Huy là một nhân tố mới tham gia HĐQT PVP Land hồi tháng 6/2017 và trở thành Chủ tịch HĐQT công ty từ ngày 16/10/2017.

Trong một diễn biến liên quan, một cổ đông lớn khác của PVP Land là CTCP Đầu tư Xây dựng SaigonLand đã thực hiện bán 2,73 triệu cổ phần PVL để giảm tỷ lệ sở hữu từ 8% xuống còn 2,73%. Giao dịch được hoàn thành vào ngày 22/1/2018 và đem về cho SaigonLand số tiền 6,3 tỷ đồng.

Tác giả: Hoa Liên

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: Đại án , trịnh xuân thanh , PVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP