|
Năm 2015 bắt đầu giai đoạn “đen tối” của ngành công nghiệp ô tô Đức, khi tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu Volkswagen bị phanh phui việc sử dụng phần mềm để gian lận trong các bài kiểm tra khí thải. Volkswagen đã khiến cả thế giới chấn động với thừa nhận có đến 11 triệu xe được cài phần mềm gian lận khí thải, bán ra tại các thị trường như Mỹ, châu Âu và Australia.
Từ bê bối khí thải nghiêm trọng này, mức độ tin tưởng của khách hàng với xe Đức đã không còn nguyên vẹn. Chính phủ nhiều quốc gia đã mở nhiều cuộc điều tra các tập đoàn sản xuất ô tô khác để xác định xem liệu có tình trạng gian lận tương tự hay không. BMW, Daimler và Volkswagen đã phải đối mặt với cáo buộc thông đồng làm giả mức khí thải trong các bài thử nghiệm khí thải tại châu Âu.
CEO Harald Krueger của BMW đã thừa nhận rằng sai lầm xuất phát từ nhiều năm trước đã gây ảnh hưởng đến 11.700 chiếc xe chạy bằng động cơ diesel do hãng sản xuất trên toàn thế giới. Đây là các mẫu xe sản xuất từ năm 2012 tới năm 2017 và hiện không được sản xuất thêm.
Ông Krueger đổi lỗi các nhân viên của hãng đã sử dụng phần mềm không chính xác, khiến Cơ quan Giao thông vận tải Liên bang Đức phải ra lệnh triệu hồi tất cả số xe này.
BMW lý giải, lỗi lần này không được tính là gian lận vì đây là phần mềm được thiết kế để cài đặt cho một mẫu xe khác có hệ thống lọc bỏ khí độc NOx trong khí thải, nhưng lại bị "lắp nhầm" vào một số mẫu mà hãng sẽ triệu hồi. BMW cam kết cập nhật lại phần mềm cho những phương tiện này sau khi được cơ quan chức năng cho phép.
Trong khi đó, Giám đốc Bộ phận phát triển sản phẩm của BMW - ông Klaus Froehlich - tuyên bố hãng đã có nhiều phương thức để ngăn chặn các phần mềm gian lận khí thải, đồng thời tái khẳng định BMW không bao giờ sử dụng các thiết bị lỗi nhằm đánh lừa các bài thử nghiệm khí thải của chính phủ.
Ngoài ra, BMW cũng nhấn mạnh rằng 2 cuộc nghiên cứu do Hội đồng quốc tế về Vận tải sạch tiến hành trên 14 mẫu xe BMW đã không tìm thấy bất kỳ vấn đề gì liên quan tới khí thải NOx.
Tác giả: Gia Bảo
Nguồn tin: Báo Dân trí