Du lịch

Du khách ngoại thích bắt cá, cưỡi xe bò... ở miền Tây

Nhiều đại biểu cho rằng hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, mới phát triển theo chiều rộng chứ chưa theo chiều sâu và chưa thực sự bền vững.

Ngày 1-10, tại An Giang, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), UBND tỉnh An Giang, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt phối hợp tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Phát triển chưa xứng tiềm năng

Với nhiều đặc điểm tự nhiên thuận lợi, những năm gần đây nhiều địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đẩy mạnh triển khai du lịch nông nghiệp. Bên cạnh các hoạt động du lịch truyền thống với các tour “Miệt vườn sông nước Cửu Long”, “miền Tây mùa nước nổi”, “khám phá đất phương Nam”, “Ẩm thực khẩn hoang”... một số mô hình được đầu tư nhằm khai thác đồng thời hoạt động sản xuất nông nghiệp và phục vụ du lịch.

Những hoạt động nông nghiệp như trồng lúa, bắt cá, ở nhà dân, đi cày, đi bừa, cưỡi xe bò, xe trâu rất hấp dẫn khách du lịch nước ngoài.

Năm 2017, ĐBSCL đã đón tiếp trên 20 triệu lượt khách tăng trung bình 9%/năm. Mặc dù lượng khách đến khu vực có sự tăng trưởng nhưng lượng khách lưu trú tại khu vực rất thấp (hơn 2 triệu khách lưu trú trong tổng số 20 triệu lượt khách). Mức chi tiêu của du khách tại vùng đồng bằng sông Cửu Long còn thấp hợp so với chi tiêu bình quân của khách du lịch Việt Nam.

Rừng Trà Sư (An Giang) mùa nước nổi

Đa số các đại biểu cho rằng sự phát triển chưa tương xứng với kì vọng của du lịch vùng, hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, mới phát triển theo chiều rộng, chưa có chiều sâu và chưa thực sự bền vững.

Nguyên nhân là do sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, còn đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp; chưa khai thác triệt để thế mạnh sông nước, nông nghiệp việc thu hút đầu tư phát triển du lịch gắn bó với nông nghiệp khu vực chưa thực sự hấp dẫn; nguồn nhân lực hạn chế…

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định “Tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL việc đầu tư du lịch gắn với nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Việc quy hoạch không gian sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn để đảm bảo thu hút đầu tư phục vụ du lịch gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL có quy mô vừa và nhỏ, nên việc đầu tư cho phát triển du lịch gặp khó khăn nếu không có chiến lược phát triển và chính sách hỗ trợ phù hợp. Ngoài hoạt động sản xuất nông nghiệp, để khai thác du lịch cần phải đầu tư để tạo dựng cảnh quan, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, thu hút lao động, bồi dưỡng thuyết minh, hướng dẫn viên... Và việc đầu tư cũng cần thời gian lâu dài”.

Đại biểu đưa các giải pháp nâng cao hiệu quả du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL

Phải khác biệt ở từng địa phương

Ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh An Giang nhận định đối với vùng ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước ta, việc phát triển du lịch dựa trên cơ sở phát triển ngành nông nghiệp và làng nghề truyền thống không chỉ cho phép người dân địa phương tăng thu nhập mà còn được sống trong môi trường thiên nhiên trong lành, các quan hệ xã hội không có nhiều thay đổi đòi hỏi con người phải thay đổi để thích nghi.

Ông Triều nhấn mạnh, ưu tiên phát triển ngành du lịch, chú trọng du lịch nông thôn chính là con đường đưa có cấu kinh tế vùng chuyển dần sang cơ cấu dịch vụ công nghiệp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL chỉ mới dừng lại ở mức độ tham quan và ngắm nhìn, chưa có điểm du lịch nông nghiệp chuyên nghiệp.

Còn theo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Đồng Tháp thách thức then chốt đối với du lịch nộng nghiệp hiện nay nằm ngay trong nội tại từng điểm đón khách tham qua trải nghiệm là phải thực sự sản xuất theo quy trình sạch, an toàn và tính cộng động đoàn kết của các hộ dân làm du lịch. Thiếu yếu tố này, dù các yêu tố khách tốt như thế nào thì du lịch nông nghiệp cũng rất khó phát triển bền vững.

Để nông nghiệp du lịch khu vực phát triển bền vững hơn, Tổng cục Du lịch cho rằng quy hoạch sản phẩm nông nghiệp phát triển nông nghiệp phải gắn với chính sách phát triển nông thôn mới. Theo đó, ngành du lịch và nông nghiệp cần phối hợp điều tra, khảo sát hoạt động du lịch nông nghiệp tại địa phương để đánh giá toàn diện.

Tài nguyên ngông nghiệp vùng ĐBSCL rất phong phú nhưng không thể phát triển ồ ạt, “trăm hoa đua nở” mà phải chọn lọc và đầu tư bài bản, xác định các sản phẩm đặc trưng có khác biệt, điểm nhấn mỗi địa phương. Trong đó chú trong bảo tồn không gian văn hóa, di tích lịch sử, sinh thái

Còn Hiệp hội du lịch ĐBSCL thì cho rằng phải nêu cao vai trò hợp tác, liên kết giữa các địa phương và giữa các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài vùng. Trong đó, đẩy mạnh liên kết đầu tư, đổi mới sản phẩm du lịch; tiếp tục đổi mới nâng chất hoạt động hợp tác liên kết.

Bên cạnh đó đa dạng hóa các hoạt động hợp tác liên kết bằng nhiều hình thức hoạt động đào tạo, xúc tiến du lịch…. qua đó tăng cường hợp tác vưới các trung tâm du lịch lớn của cả nước để tranh thủ sự hỗ trợ, tiềm kiếm cơ hội thúc đẩy du lịch cả vùng phát triển.

Ngoài ra cần tăng cường liên kết trong xúc tiến quảng bá du lịch. Tuy nhiên việc quản bá phải tập trung danh nghĩa tòa vùng hoặc cum liên kết để tăng thêm sức mạnh và sự chú ý, tạo được ảnh hưởng đến các thị trường tiềm năng, không xúc tiến riêng lẻ từng địa phương gây tốn kém lại hiệu quả thấp…

Tác giả: HẢI DƯƠNG

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP