Trong nước

Đồng ý trình Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng

Tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT sẽ giúp người tiêu dùng có động lực chi tiêu, tạo dư địa phục hồi sản xuất - kinh doanh, qua đó đóng góp trở lại ngân sách

Sáng 13-6, tiếp tục Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của QH về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Theo Tờ trình của Chính phủ, chính sách giảm thuế GTGT lần này vẫn chỉ áp dụng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Những lĩnh vực không được giảm thuế GTGT là bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ việc kéo dài thời gian giảm thuế GTGT dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 24.000 tỉ đồng trong nửa cuối năm nay. Trước đó, chính sách giảm thuế GTGT đã làm giảm thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 23.500 tỉ đồng. Như vậy, nếu thông qua giảm 2% thuế suất thuế GTGT, cả năm nay dự kiến giảm thu gần 47.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Chính phủ, tiếp tục giảm thuế GTGT sẽ giúp hạ chi phí sản xuất, giảm giá thành hàng hóa, qua đó kích thích sản xuất - kinh doanh.

Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết có ý kiến cho rằng quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái; nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 5,1% - thấp hơn tốc độ tăng GDP. Như thế, việc giảm thuế GTGT không còn phát huy tác dụng kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, từ ngày 1-7, ngân sách cần nguồn thu lớn để phục vụ cải cách tiền lương cùng với điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công... Trong khi đó, có ý kiến đề nghị xem xét giảm thuế GTGT với tất cả hàng hóa, dịch vụ, thay vì loại trừ một số lĩnh vực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định giảm thuế suất thuế GTGT theo tờ trình của Chính phủẢnh: LÂM HIỂN

Thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH cơ bản tán thành việc Chính phủ trình QH xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Thời gian thực hiện từ ngày 1-7 đến hết 31-12-2024.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT sẽ giúp người tiêu dùng có động lực chi tiêu, tạo dư địa cho phục hồi sản xuất - kinh doanh, qua đó đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.

Tán thành trình QH ban hành nghị quyết về việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định lưu ý đây là nội dung mới bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Do đó, có một số vấn đề cần cân nhắc gồm: Có trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra trước QH hay không? Có bố trí thảo luận trong các phiên họp toàn thể và tại tổ của QH không? Chuyển tài liệu đến đại biểu QH như thế nào?

Theo Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các đại biểu QH đồng tình cao với việc duy trì chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm nay. Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ hoàn thiện tờ trình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách hoàn thiện báo cáo thẩm tra để gửi các đại biểu QH. Tổng Thư ký QH sẽ có công văn đề nghị các đại biểu cho phép không đọc tờ trình, báo cáo thẩm tra trước QH mà thảo luận tại tổ, sau đó tổng hợp và đưa nội dung này vào nghị quyết chung của QH về kỳ họp. "Cách làm như vậy vẫn bảo đảm dân chủ vì chỉ không đọc tờ trình và báo cáo thẩm tra tại phiên họp toàn thể của QH, các đại biểu vẫn thảo luận tại tổ về nội dung này" - Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nói.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ QH thống nhất trình QH xem xét, quyết định giảm thuế suất thuế GTGT theo tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH và cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự thảo nghị quyết bảo đảm tăng tính thuyết phục của việc giảm thuế GTGT; trình QH xem xét, quyết định.

Rà soát quy định dao có tính sát thương cao

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương nhấn mạnh đây là luật khó, tuy sửa không nhiều nhưng nội dung không dễ để thiết kế trong kỹ thuật lập pháp. Mặc dù luật được thông qua theo quy trình một kỳ họp nhưng Chính phủ đã chỉ đạo chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng vì liên quan quyền con người, quyền công dân.

Về quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, ông Trần Quang Phương cho rằng cơ bản phù hợp song cần rà soát để quy định thật cụ thể trong dự thảo luật. Đối với quy định về khai báo vũ khí thô sơ, Phó Chủ tịch QH đề nghị tiếp tục rà soát đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ; thống nhất đưa đối tượng cảnh sát biển vào dự thảo luật để bảo đảm phù hợp với Luật Quốc phòng và Luật Cảnh sát biển.

Tác giả: VĂN DUẨN

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP