Kinh tế

Doanh nghiệp mong tiếp cận các gói hỗ trợ dễ hơn

Sau gói 26.000 tỷ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, sắp tới sẽ có thêm gói 20.000 tỷ hỗ trợ về thuế, phí.

Trong giai đoạn khó khăn này, việc có thêm chính sách hỗ trợ được các doanh nghiệp rất mong chờ. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc mà doanh nghiệp mong muốn sớm được tháo gỡ.

Cần hỗ trợ vốn, bảo hiểm

Gói hỗ trợ mới nhất trị giá 20.000 tỷ đồng đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, tổng hợp báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét quyết định.

Tính đến 10/8, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 184 người sử dụng lao động vay trên 170 tỷ đồng, trả lương cho hơn 42.600 lao động (Ảnh minh họa)

Cơ cấu gói hỗ trợ này bao gồm: Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức như đã áp dụng cho năm 2020; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020…

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất xem xét giảm thuế giá trị gia tăng đối với các lĩnh vực chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 như giao thông, lưu trú; miễn tiền chậm nộp thuế cho người khó khăn, giảm tiền thuê đất năm 2021…

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết: Việc miễn giảm thuế GTGT và miễn tiền nộp chậm chỉ có giá trị đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước, không có giá trị đối với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

Đối với giải pháp giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, ông Lập đề xuất lên mức giảm 50% bởi trải qua 4 đợt dịch liên tiếp, các doanh nghiệp đã quá khó khăn.

Bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) thông tin, nhiều đơn vị trong tập đoàn vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ trước đó do vướng mắc về hồ sơ, thủ tục.

Đơn cử, một số đơn vị có nhiều chi nhánh, nhà máy thành viên ở các địa phương khác nhau, nơi phải đóng cửa để thực hiện giãn cách, nhưng công ty mẹ lại có trụ sở chính ở địa bàn không có dịch bệnh.

Trong khi, thủ tục hành chính phải gắn với địa chỉ đóng trụ sở chính, như đóng bảo hiểm ở đâu thì quyền lợi được hưởng ở đó.

“Chẳng hạn Công ty Sợi Phú Bài có trụ sở chính tại Thừa Thiên - Huế nhưng có chi nhánh nhà máy ở Hà Nội. Chi nhánh này không đủ điều kiện tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” nên phải dừng hoạt động nhưng không được giải quyết chính sách hỗ trợ”, bà Hạnh dẫn chứng.

Tương tự, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước kiến nghị, Nhà nước nên rót tiền thẳng qua các công ty hoặc thông qua BHXH để trả lương cho người lao động nghỉ việc.

Bởi các công ty nhỏ thì có thể tạm thời vay, nhưng với doanh nghiệp có quy mô lớn hàng nghìn công nhân mà trong một tháng có 2.000 công nhân nghỉ thì số lương phải trả là rất lớn.

Ông cũng kiến nghị hạ lãi suất cho vay về 3 - 4%/năm, bởi nếu vẫn giữ 7 - 8%/năm thì nhiều doanh nghiệp chấp nhận đóng cửa.

Nhìn nhận về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn lãi vay theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, ông Đặng Tuấn Anh, Giám đốc Taxi Thành Lợi cho rằng: “Với khoản vay của doanh nghiệp phải trả trong 48 tháng, thay vì cơ cấu 4 tháng và giữ nguyên hạn trả nợ, ngân hàng lại lùi hợp đồng thêm 4 tháng, tức để hạn trả nợ thành 52 tháng. Cơ cấu kiểu này khiến doanh nghiệp e ngại, bởi nợ phải trả hàng tháng sẽ còn lớn hơn, ngay khi hết vài tháng cơ cấu”.

Sẽ liên tục cập nhật, tháo gỡ?

Trong lúc không thể tiếp cận các gói vay thương mại thì gói vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng trở nên khó khăn với đối với những doanh nghiệp như Thành Lợi.

“Điều kiện để được vay lãi suất 0% theo gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng quá khó khăn. Doanh nghiệp vận tải chỉ được vay theo đầu lao động đã đóng BHXH tại thời điểm vay.

Trong khi đó, đặc thù của nghề lái xe, anh em hay nhảy việc, lao động thời vụ nên số chấp nhận đóng BHXH là rất ít”, ông Tuấn Anh nói và kiến nghị, thay vì giải ngân theo số lao động đóng BHXH, nên dựa vào tờ kê khai thuế thu nhập cá nhân của người lao động, thuế thu nhập của doanh nghiệp đã đóng để cho vay. Tổng số bao nhiêu lao động đã được quyết toán thuế thu nhập cá nhân rồi, chỉ cần cơ quan thuế xác nhận là có thể cho vay.

Chia sẻ với băn khoăn của doanh nghiệp về chính sách vốn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Hiệp hội Ngân hàng mới đây đã họp với 16 tổ chức tín dụng, thống nhất cam kết cắt giảm khoảng 20.300 tỷ đồng lãi vay từ nay đến cuối năm, tùy quy mô ngân hàng.

Bên cạnh giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp. Ước tính tổng số phí đã giảm khoảng 1.100 tỷ đồng và sẽ tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới.

Cũng theo ông Tú, rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ trước đó, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng lần này đã đi vào cuộc sống khẩn trương hơn và giải ngân khá tích cực.

Từ khi hoàn thiện cơ chế của khoản tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng lãi suất 0% cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm nguồn vốn cho vay, đến nay sau 2 tuần, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân được khoảng gần 150 tỷ đồng.

Theo bà Phạm Thị Thanh Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH, với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, Bộ LĐ-TB&XH vẫn yêu cầu các địa phương hàng ngày cập nhật tình hình thực hiện, xem có vướng mắc để tháo gỡ kịp thời.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lập bộ câu hỏi - đáp nhanh để giải đáp những khúc mắc cho người dân và doanh nghiệp”, bà Việt nói.

Theo bà Việt, đối với những kiến nghị có cơ sở thích đáng, Bộ LĐ-TB&XH có ngay công văn đề nghị các địa phương tháo gỡ. “Đơn cử quy định về quyết toán thuế năm 2020, là yêu cầu bắt buộc của ngân hàng.

Tuy nhiên, sau khi có kiến nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chỉ đạo các địa phương nếu vướng có thể bỏ thủ tục này, chuyển thẳng về Ngân hàng Chính sách Xã hội để xem xét”, bà Việt nêu ví dụ.

Tính đến ngày 10/8, theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, 63/63 tỉnh, thành đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng.

Theo đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân cho 184 người sử dụng lao động vay trên 170 tỷ đồng, trả lương cho hơn 42.600 lao động. Tổng số lao động đã được hỗ trợ đến thời điểm hiện tại là trên 13 triệu lượt người với tổng số tiền là gần 6.000 tỷ đồng.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP