Sáng 4/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với chủ đề “Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hướng tới lợi ích chung”. Đại diện nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã có nhiều kiến nghị tới Chính phủ nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng diễn đàn sẽ giúp phân tích sâu, đánh giá về những khó khăn, nguyên nhân, bài học và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
“Trần nợ công cản trở phát triển hạ tầng”
Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) đưa ra một số đề xuất về 3 nội dung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, nợ công và môi trường.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng diễn đàn sẽ giúp đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Ảnh: Phạm Tùng. |
Về “cải cách thủ tục hành chính”, Chủ tịch JCCI Koji Ito nhắc lại 2 khuyến nghị tại hội nghị thường niên năm ngoái là thành lập một ủy ban mới có đầy đủ quyền hạn tiếp nhận, xử lý mọi vấn đề phát sinh, đứng đầu là Thủ tướng. Thứ hai là đề xuất Việt Nam có quy định thống nhất về việc sử dụng các “công văn” hướng dẫn thực thi luật.
Năm nay, JCCI đề xuất thêm việc “thí điểm dự án đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính”. Cụ thể là chọn Tổng cục Hải quan để tổ chức thí điểm, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp các nước thực hiện các hoạt động đẩy nhanh tiến trình minh bạch hóa và tiến độ xử lý thủ tục hải quan.
Về vấn đề nợ công, JCCI cho rằng nếu Chính phủ quy định chính sách tài khóa quá chặt chẽ, cụ thể là hạn chế quy mô nợ công dưới 65% GDP, thì sẽ cản trở đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi Việt Nam đang rất cần những khoản đầu tư này để bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và dài hạn.
Điều này sẽ làm cơ sở hạ tầng lạc hậu, từ đó giảm sức hút đầu tư của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, và hơn nữa cũng làm mất đi cơ hội để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài.
JCCI khẩn thiết đề nghị Chính phủ có biện pháp xử lý căn nguyên thực sự của vấn đề và có những giải pháp căn bản như tăng cường cải cách cơ cấu ở cả 2 chiều thu và chi ngân sách, cũng như rà soát lại hiệu quả sử dụng nợ công hiện nay. JCCI mong muốn Việt Nam sẽ khai thác được những nguồn vốn cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Về vấn đề môi trường, JCCI cảnh báo tình hình môi trường của Việt Nam đang diễn biến xấu dần từng năm. Tuy nhiên, JCCI cho biết đây lại là cơ hội mới cho những doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ môi trường tiên tiến và doanh nghiệp Việt Nam thực sự mong muốn giải quyết vấn đề.
Diễn đàn thu hút nhiều đại biểu đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Tùng. |
“Nhật Bản từng có thời kỳ phải đối mặt với những vấn đề môi trường nghiêm trọng trong giai đoạn tăng trưởng nhanh. Nhưng chúng tôi đã khắc phục được vấn đề này chủ yếu nhờ các “công nghệ môi trường hiện đại" và "chính sách khuyến khích doanh nghiệp có hoạt động thân thiện với môi trường”, ông Koji Ito nói.
Thủ tục sa thải người lao động đúng luật nhiêu khê
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BBGV), ông Richard Leech, đề xuất một số vấn đề liên quan đến lao động. Theo BBGV, Bộ Luật Lao động hiện hành đang gây khó dễ cho doanh nghiệp trong việc sa thải nhân sự.
“Quy trình nghiêm ngặt nhiêu khê trong việc sa thải những nhân viên vô kỷ luật đã trở thành điều cản trở cho người sử dụng lao động trong việc duy trì môi trường làm việc kỉ luật”, ông Richard Leech nói.
Vị này cho biết một trong những vấn đề cực kì nghiêm trọng hiện tại đối với các công ty là việc chấm dứt hợp đồng một cách hợp pháp đối với những người lao động nghỉ quá 5 ngày mà không báo trước.
Theo luật, người sử dụng lao động phải triệu tập nhân viên đến cuộc họp kỷ luật lao động cuối cùng thông qua đường bưu điện. Trong trường hợp 3 thư mời được gửi đi nhưng người lao động bị kỷ luật không trình diện và không có phản hồi, thì trường hợp này sẽ được coi như là bằng chứng để chấm dứt hợp đồng. Điều này là rất phức tạp và gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Anh than khó khi sa thải lao động đúng luật ở Việt Nam. Ảnh: Hiếu Công. |
Đại diện BBGV cũng than khó về vấn đề hạn chế việc làm thêm giờ trong vòng 200 đến 300 giờ làm mỗi năm. Điều 106 Bộ Luật Lao Động giới hạn thời gian làm thêm giờ trong vòng 200 giờ/năm. Nghị định số 43/2013 đã tăng thêm giới hạn thời gian làm thêm giờ lên 300 tiếng mỗi năm đối với một số ngành.
BBGV cho rằng mức này so với các quốc gia láng giềng thì thấp hơn nhiều, do đó cản trở việc đạt được mục tiêu sản xuất ở hầu hết công ty sản xuất ở Việt Nam. BBGV đề nghị Chính phủ tập trung vào cải tiến năng suất và cung cấp một lộ trình để dần dần đồng nhất với các quốc gia khác trong khu vực.
Đề xuất bỏ các quy định bất hợp lý trong Nghị định 116
Ông Toru Kinoshita, Trưởng nhóm công tác công nghiệp ôtô và xe máy thuộc Diễn đàn kinh tế Việt Nam, đề xuất một số giải pháp để phát triển công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ ôtô tại Việt Nam.
Vị này cho rằng Việt Nam cần đảm bảo các chính sách về thị trường được đối xử công bằng, rõ ràng và có thời gian hợp lý để các doanh nghiệp kịp chuẩn bị kế hoạch kinh doanh. Ông Toru đề xuất Chính phủ cần loại bỏ các quy định bất hợp lý trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Nghị định 140/2016/NĐ-CP để tránh làm thị trường ôtô trở nên bất ổn kéo dài.
Vị này đề xuất Chính phủ nên có ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để họ có thể đầu tư máy móc, khuôn và đồ gá, nhằm nội địa hóa linh kiện, qua đó giúp giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp.
Việt Nam nên mời các nhà cung cấp linh kiện lớn tham gia vào các cuộc đối thoại về ngành ôtô và thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các điểm thảo luận rõ ràng.
Tác giả: Hiếu Công
Nguồn tin: zing.vn