Số hóa

Di tích Việt Nam đầu tiên được bảo tồn kỹ thuật số

Công ty lưu trữ dữ liệu Seagate Technology vừa công bố hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận quốc tế CyArk (Mỹ) để bảo tồn kỹ thuật số Lăng Tự Đức và Cung An Định trong Tổ hợp di tích Huế ở Việt Nam - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.

Công ty CyArrk bắt đầu thực hiện dự án phi lợi nhuận đầu tiên của mình từ năm 2003 và đến nay, CyArk đã tích lũy các lưu trữ kỹ thuật số công nghệ cao của hơn 200 di sản tại 40 quốc gia, bao gồm Wat Phra Si San Phet ở Thái Lan, Angkor Wat ở Campuchia, Bagan ở Myanmar và Nhà hát Opera Sydney ở Úc. Tại Việt Nam, Lăng Tự Đức và Cung An Định là 2 địa danh đầu tiên được đơn vị này thực hiện.

Dự án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt và bắt đầu vào đầu tháng 6 với sự hợp tác của Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế (HMCC). Tất cả các dữ liệu và hình ảnh được chụp từ hiện trường sẽ được chuyển đổi thành các mô hình 3D ảnh thực để giúp nâng cao hiệu quả và độ chính xác của việc nghiên cứu, bảo tồn và khôi phục các di tích Huế.

Lễ công bố dự án bảo tồn kỹ thuật số Lăng Tự Đức và Cung An Định trong Tổ hợp di tích Huế ở Việt Nam.

“Năm ngoái, chúng tôi đã trao Giải thưởng Khoa học Dữ liệu Ptolemy cho CyArk để ghi nhận thành tựu xuất sắc của họ trong việc làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Năm nay, chúng tôi rất vui được tiếp tục hợp tác cho dự án đầu tiên của họ tại Việt Nam và tham gia vào hành trình bảo tồn văn hóa quan trọng này”, Robert Yang, Phó chủ tịch Kinh doanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương của công ty Seagate Technology cho biết. “Chúng tôi cam kết cung cấp các giải pháp lưu trữ dữ liệu tốt nhất vì chúng tôi tin vào giá trị mà dữ liệu có thể mang lại cho cả hiện tại và tương lai. Bằng việc sử dụng công nghệ của Seagate, CyArk có thể lưu trữ, bảo vệ và xử lý dữ liệu mà họ thu thập một cách an toàn, hỗ trợ nhiều hơn nữa về mọi khả năng cho các thế hệ tương lai.”

Cyarrk sử dụng các công nghệ chụp ảnh, quét laser để lưu lại hình ảnh của tổ hợp di tích ở Huế và dựng 3D để phục vụ việc bảo tồn, du lịch và học tập.

Di tích Huế được CyArk lựa chọn như một phần trong chương trình bảo tồn kỹ thuật số quốc tế của họ thông qua các cuộc khảo sát trên không được tiến hành với máy bay không người lái drone, quét laze mặt đất (được gọi là LiDAR) và quang trắc.

Theo đó, CyArk sẽ tạo ra các mô hình 3D và các bản vẽ kiến trúc để hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn di tích Huế trong công tác bảo tồn và quản lý di sản. Seagate hỗ trợ CyArk ở cả hiện trường và tại văn phòng với các giải pháp lưu trữ dữ liệu như Ổ cứng USB-C LaCie Rugged Thunderbolt, 2big Dock Thunderbolt 3, SSD Nytro, BarraCud Pro 10TB của Seagate và các ổ đĩa có dung lượng và hiệu năng cao khác. Các thiết bị giúp các tệp dữ liệu chụp 3D khổng lồ từ hiện trường được sao lưu an toàn, tập trung và sẵn sàng cho xử lý để tạo ra các bản đồ và bản vẽ kiến trúc chi tiết hỗ trợ quá trình bảo tồn các di sản.

Di tích Huế được dựng lên trong không gian 3D.

Các dữ liệu này cũng được sử dụng để tạo ra những trải nghiệm thực tế ảo tương tác cho người Việt Nam, khách du lịch và các học giả và cũng giúp bảo tồn thiết kế và kiến trúc của các cấu trúc và công trình cổ xưa của Huế đang phải đối mặt với sự tàn phá của thời gian.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Huế cho biết: “Sản phẩm cuối cùng của dự án của CyArk, bao gồm tất cả các bức ảnh được chụp bằng máy bay drone, LiDAR, v.v... và đoạn phim giới thiệu về Lăng Tự Đức và Cung An Định sẽ được lưu trữ và xử lý cho các công việc về kiến trúc, hỗ trợ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi các di tích này. Dự án này nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của Huế như một di sản thế giới của UNESCO cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa thế giới”.

Tác giả: Khôi Linh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP