Đây hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt, là điều kiện lý tưởng để duy trì hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học...
Thác Khe Kèm, nằm trong vùng lõi của VQG Pù Mát
Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là địa điểm đại diện tiêu biểu cho các kiểu rừng mưa nhiệt đới. Tại đây đặc biệt có đủ các sinh cảnh sống đa dạng: Núi cao trùng điệp, đất ngập nước, sông, suối, thác và nhiều loại sinh cảnh khác.
Đây còn là khu vực đang tồn tại một diện tích lớn rừng nguyên sinh ít bị tác động của con người, nằm dọc khu vực dọc biên giới Việt - Lào. Khi được UNESCO công nhận, tại đây giới chuyên môn đã phát hiện được khoảng 2.500 loài loài thực vật bậc cao (74%) như sa mu, pơ mu, lim, đinh hương, sến, táu, dổi...; cùng với 295 loài chim; 54 loài lưỡng cư và bò sát; 83 loài cá, 39 loài dơi còn có 130 loài động vật lớn nhỏ, trong đó có nhiều loài đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.
Nơi đây đang có 6 dân tộc thiểu số đang sinh sống. Điều đó đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa dân tộc, được xếp loại lớn nhất trong số các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam. Đặc biệt có 2 tộc người chỉ có ở Nghệ An với những bản sắc văn hóa riêng biệt đó là tộc người Đan Lai (còn lại khoảng 2.000 người) và tộc người Ơ Đu (khoảng 400 người) ở 2 huyện Con Cuông và Tương Dương).
Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và và tính đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, suốt gần 10 năm qua, bên cạnh sự nỗ lực của BQL, còn có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và người dân địa phương, chỉ chưa đầy 10 năm đã trở thành một "thương hiệu" mạnh cả sự đa dạng sinh học và đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc trong con mắt của người dân cả nước và cộng đồng quốc tế.
Gần 10 năm sau khi được UNESCO công nhận Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, nơi đây đã có nhiều sự đổi thay theo hướng tích cực và bền vững. Để có được những thành quả đó, BQL đã có nhiều hoạt động điều phối trên nhiều lĩnh vực hoạt động nhằm phát huy các thế mạnh để hoàn thành tốt cả 3 chức năng bảo tồn, phát triển và hỗ trợ.
Miền tây Nghệ An có 816.000ha rừng chiếm 62% diện tích tự nhiên của khu dự trữ sinh quyển, cùng với trên 900.000 người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số là lực lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học và phát triển văn hóa du lịch trên địa bàn.
Nhận thức rõ điều đó nên sau khi được UNESCO công nhận, ngành lâm nghiệp Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo để làm tốt hơn nữa công tác quản lý BVR, đưa các BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các khu bảo tồn, vườn quốc gia và lực lượng kiểm lâm đã đi vào hoạt động ngày càng tích cực và hiệu quả. Nhờ đó các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cơ bản được bảo vệ và phát triển tốt.
Đập Phà Lài, một công trình kinh tế tại vùng đệm của VQG Pù Mát
Lĩnh vực văn hóa, du lịch cũng được chú ý đúng mức. Gần 10 năm qua, các cấp, các ngành liên quan đã triển khai mạnh mẽ các chương trình, đề án khôi phục và phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống như: Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu); Đền Chín Gian (Quế Phong); Đền Vạn - Cửa Rào (Tương Dương); Làng Vạc (Thái Hòa); phát huy mạnh mẽ các làn điệu dân ca, dân vũ, phổ cập chữ Thái vào đời sống; Phát triển hình thức du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại Chi Khê, Yên Khê, Môn Sơn (Con Cuông)...
Đặc biệt cuối năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã chính thức thành lập BQL Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách cùng với lãnh đạo Sở NN-PTNT, Tài nguyên - Môi trường; Văn hóa - thể thao và du lịch; BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh; UBND 9 huyện miền Tây, BQL Khu BTTN Pù Huống, Pù Hoạt và Vườn Quốc gia Pù Mát.
Nhờ vậy, tăng trưởng GDP bình quân tại Khu Dự trữ sinh quyển gần 10 năm qua luôn đạt trên dưới 8%, cơ cấu ngành chuyển dịch ngày càng đúng hướng và tích cực. Trong đó lĩnh vực du lịch đã có những bước phát triển vượt bậc. Mỗi năm, riêng Vườn Quốc gia Pù Mát đón hàng triệu lượt khách du lịch, trong đó trên 1/4 lượt khách nước ngoài. Năm sau tăng cao hơn năm trước...
Năm 2017, Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An sẽ thực hiện quy định Khung pháp lý của UNESCO, đánh giá định kỳ 10 năm một lần, tỉnh Nghệ An đang xây dựng báo cáo. Đây là đợt đánh giá quy mô quốc tế nhằm củng cố và nâng cao hình ảnh Việt Nam nói chung và Khu Dự trực sinh quyển miền Tây Nghệ An nói riêng. Đây là cơ hội để nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về niềm tự hào và trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát triển bền vững những di sản quý báu của nhân loại... |
Tác giả bài viết: Sao Mai
Nguồn tin: