Kinh tế

Di sản vượt thời gian của cố Chủ tịch Mango

Di sản của ông Andic để lại không chỉ là một thương hiệu dẫn đầu ngành thời trang mà còn là nguồn cảm hứng về tầm nhìn chiến lược và sự cống hiến không ngừng nghỉ.

Tỷ phú Isak Andic, nhà sáng lập thương hiệu thời trang danh tiếng Mango. Ảnh: tagesschau.de.

Tỷ phú Isak Andic, người đã xây dựng thương hiệu thời trang Mango từ một cửa hàng nhỏ tại Tây Ban Nha trở thành một “ông lớn” toàn cầu với hơn 2.000 cửa hàng trên 5 châu lục, vừa qua đời trong một tai nạn khi leo núi gần Barcelona (Tây Ban Nha) vào ngày 14/12, hưởng thọ 71 tuổi.

Thông tin được xác nhận bởi ông Toni Ruiz, Giám đốc điều hành Mango và bà Glòria Torrent Caldas, người phát ngôn của công ty. Nguyên nhân tử vong được cho là do tai nạn ngã trong lúc leo núi.

Ở thời điểm qua đời, ông Isak Andic giữ chức Chủ tịch danh dự Mango và sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 4,5 tỷ USD, theo Forbes.

Khởi đầu khiêm tốn và hành trình vươn ra thế giới

Sinh năm 1953 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Isak Andic chuyển đến Barcelona cùng gia đình khi ông 14 tuổi.

Ông bắt đầu bán áo phông cho các bạn học tại trường trung học American ở Barcelona. Phi vụ kinh doanh đầu tiên được Andic thực hiện là bán 2 chiếc áo sơ mi với mức giá tương đương 12 euro (khoảng 319.000 đồng) theo tỷ giá hiện tại, sau khi đã mua với giá chỉ bằng một nửa, theo The Guardian. Khoản lãi này tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa to lớn với ông.

Sau đó, ông cùng anh trai Nahman mở cửa hàng đầu tiên bán áo thun vào năm 1984 trên đại lộ Paseo de Gracia - con phố mua sắm nổi tiếng của Barcelona bởi nhận thấy việc bán lẻ sẽ tạo ra lợi nhuận cao hơn.

SCMP cho biết cửa hàng nhanh chóng thành công, đặc biệt trong bối cảnh Tây Ban Nha vừa thoát khỏi chế độ độc tài kéo dài sau cái chết của Tướng Francisco Franco năm 1975.

Ông César de Vicente, Giám đốc bán lẻ toàn cầu của Mango, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3/2024 rằng: “Ông ấy nhận ra chúng tôi cần những sản phẩm màu sắc, phong cách và một cách tiếp cận mới mẻ hơn”.

Chỉ trong thời gian ngắn, ông Andic mở hàng chục cửa hàng tại Tây Ban Nha, sau đó mở rộng ra nước ngoài, bắt đầu từ Bồ Đào Nha và Pháp, tất cả đều dưới tên gọi Mango.

“Ông ấy hiểu rằng việc sử dụng một thương hiệu thống nhất trên toàn cầu sẽ giúp củng cố ý tưởng và sức mạnh của Mango”, ông Vicente nói thêm.

Sau 4 thập kỷ, từ một cửa hàng khiêm tốn, Mango đã vươn lên trở thành một trong những nhà bán lẻ thời trang quốc tế hàng đầu của Tây Ban Nha, nổi bật với các thiết kế sáng tạo, đa dạng và giá cả phải chăng, đặc biệt trong dòng thời trang nữ.

Một cửa hàng thời trang của Mango tại Ronda, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters.

Theo The New York Times, Mango bắt đầu mở rộng ra ngoài Tây Ban Nha vào năm 1992 và khai trương cửa hàng đầu tiên tại Mỹ ở Los Angeles vào năm 2006.

Đến năm 2008, Mango ra mắt dòng thời trang nam và mở cửa hàng lớn rộng 8.000 feet vuông (hơn 740 m2) tại khu SoHo, Manhattan. Năm 2011, thương hiệu tổ chức buổi trình diễn thời trang đầu tiên ngoài lãnh thổ Tây Ban Nha.

Thành công của Mango được xây dựng trên chiến lược thay đổi sản phẩm liên tục, giúp thương hiệu nhanh chóng phát triển. Tuy nhiên, Mango cũng từng đối mặt với một số chỉ trích liên quan đến an toàn trong chuỗi cung ứng.

Trong năm nay, Mango tiếp tục mở rộng tại thị trường Mỹ với các cửa hàng mới tại Pennsylvania và Washington. Theo kế hoạch, Mango sẽ có tổng cộng 40 cửa hàng tại Mỹ vào cuối năm 2024, tăng đáng kể so với chỉ 10 cửa hàng vào năm 2022.

Dưới sự lãnh đạo của Andic, Mango đã hợp tác với các ngôi sao nổi tiếng như siêu mẫu Kate Moss, diễn viên Tây Ban Nha Penélope Cruz và cầu thủ bóng đá Pháp Antoine Griezmann trong các chiến dịch quảng cáo, giúp nâng tầm thương hiệu.

Hiện nay, Mango bán gần 160 triệu sản phẩm mỗi năm, bao gồm quần áo và phụ kiện, với các thiết kế đa dạng từ phong cách chuyên nghiệp đến thời trang thường ngày.

Công ty đang có mặt tại hơn 120 quốc gia với đội ngũ 15.500 nhân viên. Năm 2023, Mango ghi nhận doanh thu 3,1 tỷ euro (tương đương 3,25 tỷ USD).

Giống như đối thủ nội địa là Inditex - tập đoàn sở hữu thương hiệu Zara - Mango áp dụng chiến lược sản xuất nhanh nhạy với các xu hướng thời trang mới, đồng thời giữ giá thành hợp lý. Các sản phẩm được gia công chủ yếu tại Thổ Nhĩ Kỳ và châu Á để tối ưu chi phí.

Theo kế hoạch chiến lược mới nhất, Mango dự kiến vượt mốc 3.000 cửa hàng trên toàn thế giới vào năm 2026.

Di sản khó phai

Tin tức về sự ra đi của ông Andic đã nhận được nhiều lời chia buồn từ các nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, bao gồm Thủ tướng Pedro Sánchez, người ca ngợi tài năng và di sản kinh doanh của ông Andic, đồng thời gửi lời chia buồn đến gia đình.

Thủ tướng Sánchez viết mạng xã hội rằng ông Andic đã “biến một thương hiệu Tây Ban Nha thành người dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thời trang” nhờ “nỗ lực tuyệt vời và tầm nhìn kinh doanh xuất sắc”.

Lãnh đạo vùng Catalonia, ông Salvador Illa, cũng ca ngợi ông Andic là “một doanh nhân tận tâm, người đã góp phần đưa Catalonia vươn ra thế giới bằng sự lãnh đạo xuất sắc của mình. Ông để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong ngành thời trang Catalonia và toàn cầu”.

Toni Ruiz, Giám đốc điều hành Mango, chia sẻ trong một tuyên bố: “Di sản của ông Andic phản ánh thành công rực rỡ của một dự án kinh doanh, đồng thời thể hiện phẩm chất nhân văn sâu sắc, sự gần gũi và tình cảm mà ông luôn dành cho công ty”.

“Ông là một hình mẫu cho tất cả chúng tôi, dành trọn đời mình cho Mango và để lại dấu ấn không thể phai mờ nhờ vào tầm nhìn chiến lược, khả năng lãnh đạo truyền cảm hứng và cam kết không ngừng nghỉ với các giá trị mà ông đã xây dựng nên trong công ty”, ông Ruiz nhấn mạnh.

“Cái chết của ông Andic để lại một khoảng trống lớn, nhưng chúng tôi - những người kế thừa sự nghiệp của ông - sẽ tiếp tục chứng minh cho những thành tựu mà ông đã đạt được”, ông Ruiz chia sẻ.

Tác giả: Phương Linh

Nguồn tin: znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP